30/11/2016 14:11 GMT+7

Lớp học đảo ngược

PHƯƠNG NGUYỄN
PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - “Lớp học đảo ngược” ở đây có nghĩa là sự đảo ngược quy trình của lớp học truyền thống.

Học sinh lớp 10A1 thể hiện một vở kịch có nội dung liên quan đến Luật bảo hiểm y tế - Ảnh: Phương Nguyễn

Đây là một phương pháp giảng dạy mới đang được cô Lê Thị Lý - tổ trưởng tổ giáo dục công dân (GDCD) Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM) - áp dụng để giảng dạy pháp luật ở bậc THPT.

Học sinh chung tay xây dựng tiết học

Nếu ở lớp học truyền thống, giáo viên chuẩn bị giáo án, lên lớp; học sinh nghe giảng và ghi chép bài trên lớp rồi được giao bài tập về nhà để luyện tập thì với lớp học đảo ngược, giáo viên làm các video bài giảng tại nhà, chuyển lên mạng cho học sinh thông qua nhiều hình thức.

Hình thức được cô Lý sử dụng là tải lên Facebook của lớp. Sau đó, học sinh nghe bài giảng tại nhà, giải quyết tất cả các bài tập mà giáo viên giao, đồng thời gửi đến giáo viên những thắc mắc của mình đối với bài học. Khi lên lớp, học sinh sẽ thực hành thảo luận các vấn đề liên quan đến bài giảng cùng giáo viên và bạn bè.

Sáng 26-11, tiết học GDCD về Luật bảo hiểm y tế (BHYT) của lớp 10A1 Trường THPT Trần Khai Nguyên theo kiểu “lớp học đảo ngược” đã diễn ra trong không khí sôi nổi và đầy ắp tiếng cười.

Một tiết học chỉ vỏn vẹn 45 phút, nhưng các học sinh đã được tham gia thuyết trình, góp vui văn nghệ, diễn kịch và thảo luận về nhiều vấn đề trong bài học.

Cùng với gửi video đến học sinh, cô Lý còn gửi kèm theo những nội dung mà học sinh cần thực hiện để chung tay cùng cô xây dựng tiết học. Các phần việc và kiến thức cho buổi học kế tiếp được cô Lý chia đều cho các nhóm, nhằm để khối lượng công việc chuẩn bị của học sinh không quá nhiều, phù hợp với quỹ thời gian của các em.

Theo đó, nhóm đầu tiên đã giới thiệu và giải thích những kiến thức cơ bản về BHYT một cách đầy sáng tạo, thông qua một chương trình truyền hình mang tên TKN (Trần Khai Nguyên), hỏi - đáp về Luật BHYT. Dù còn không ít lúng túng nhưng các học sinh đã trình bày những nội dung hỏi đáp một cách rõ ràng, ngắn gọn và rành mạch, giúp các bạn trong lớp theo kịp vấn đề.

Còn nhóm hai lại mang đến một vở hài kịch, kể về hai vợ chồng nghèo có con bị đau bụng phải đi bệnh viện cấp cứu, và gặp phải những tình huống dở khóc dở cười liên quan đến BHYT vì họ không nắm được luật.

May mắn, hai vợ chồng được một bác ở khu phố giúp đỡ và giải thích về Luật BHYT. Các em đã thể hiện câu chuyện một cách dí dỏm, thông minh, cá tính và đậm chất học sinh khiến cả lớp liên tục vang lên những tràng cười thích thú.

Nhóm ba được giao nhiệm vụ tổng kết lại bài học và đề ra những cách thức tuyên truyền cho người dân mua BHYT như vẽ tranh cổ động, thiết kế khẩu hiệu cùng những chiến dịch phổ cập thông tin về BHYT đến người dân.

Kết thúc buổi học, cô Lý điều phối lớp thảo luận chuyên sâu và giải đáp những thắc mắc của học sinh đã gửi cho cô. Đó hầu hết là những thắc mắc rất thiết thực và gần gũi với học sinh, chẳng hạn như “Tại sao nhà trường thu tiền BHYT nhiều vậy?”, “Cách thức dùng BHYT khi khám bệnh như thế nào?”...

Sau tiết học, em Trịnh Duy Thông hào hứng chia sẻ: “Em thấy học như vầy rất vui và hiệu quả. Ở trên lớp tụi em được làm bao nhiêu là thứ, từ thuyết trình, hát hò, diễn kịch đến thảo luận; còn ở nhà chỉ cần bật máy tính lên nghe giảng là xong và chuẩn bị một số nội dung cho bài theo nhóm. Nhóm tụi em chia nhỏ công việc ra, nên công việc của mỗi thành viên khá nhẹ nhàng”.

Hiệu quả với cả giáo viên

Hiện nay, việc dạy môn GDCD khiến cô Lý cùng các đồng nghiệp rất trăn trở. Nội dung thi môn GDCD trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 bao gồm một phần kiến thức trong sách giáo khoa GDCD lớp 12, phần còn lại là về pháp luật.

Khối lượng kiến thức về pháp luật rất nhiều và nặng, ví dụ Luật giao thông 89 điều, Luật phòng chống tham nhũng 92 điều... và ngoài các điều luật còn có các văn bản đính kèm. Với phương pháp dạy truyền thống, khó có thể giải quyết được hết khối lượng kiến thức khổng lồ như vậy.

Cô Lý cho biết mô hình “lớp học đảo ngược” thật ra không quá xa lạ với giáo viên và học sinh Việt Nam. Thực tế, với mô hình lớp học truyền thống, giáo viên vẫn yêu cầu học sinh chuẩn bị bài trước, lên lớp thuyết trình. Cái khác ở đây là toàn bộ bài mới đều được học ở nhà.

Và cũng chính vì đã được trang bị kiến thức trước ở nhà nên các câu hỏi của học sinh cũng chuyên sâu hơn, đòi hỏi giáo viên cũng phải tự bồi dưỡng thêm kiến thức cho bản thân.

“Trước đây, đôi khi học sinh hỏi một vấn đề nào đó tôi không thể trả lời ngay và chính xác cho các em. Nhưng với mô hình “lớp học đảo ngược”, các em gửi câu hỏi cho tôi qua mạng nên tôi có thời gian tìm hiểu kỹ kiến thức và giải đáp cho các em hiệu quả hơn” - cô Lý nói.

Tại hội thảo, các thầy cô đã cùng nhau thảo luận để khắc phục những hạn chế của mô hình “lớp học đảo ngược”, như học sinh dễ sa đà vào các ứng dụng máy tính khác khi học online nếu tính tự giác không cao; nhiều giáo viên và học sinh gặp khó khăn vì không có công nghệ và quỹ thời gian eo hẹp; ngoài ra không phải bài nào cũng áp dụng được mô hình này nên giáo viên phải chuẩn bị nhiều giáo án.

“Tôi dạy tại trung tâm giáo dục thường xuyên nên cả thầy và trò đều thiếu công nghệ, thời gian. Tôi nhận thấy tôi không thể áp dụng hoàn toàn mô hình này vào giảng dạy được, nhưng tôi có thể in bài giảng ra giấy phát cho những em không có máy tính và nhờ lớp trưởng tổng hợp lại thắc mắc của các em đó trước buổi học” - cô Đinh Thị Kim, giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.10, hiến kế.

Nhiều ưu điểm

Tại buổi hội thảo giới thiệu ứng dụng mô hình “lớp học đảo ngược” vào giảng dạy pháp luật môn GDCD ở bậc THPT do Trường THPT Trần Khai Nguyên tổ chức, diễn ra cùng ngày 26-11, cô Lý đã chia sẻ một số ưu điểm mà cô nhận thấy khi giảng dạy theo mô hình này.

Ưu điểm thứ nhất là học sinh chủ động tiếp thu bài theo thời gian thích hợp của từng em và tăng tính tự lập, tự giác của học sinh lên. Video bài giảng được cô Lý tải lên Facebook của lớp trước một tuần, em nào rảnh giờ nào thì học thời gian đó.

Thứ hai, tăng cường kỹ năng làm việc nhóm. Khi cô phân bài cho từng tổ, các học sinh của tổ đó sẽ phải làm việc với nhau và tự học rất nhiều.

Ưu điểm vượt trội nhất là học sinh có thời gian và môi trường để tìm hiểu những kiến thức mà các em quan tâm, đồng thời khối lượng kiến thức các em thu được nhiều hơn so với mô hình truyền thống.

Một ưu điểm nữa mà cô Lý thấy là giáo viên có thể hỗ trợ học sinh theo tỉ lệ 1:1, hoặc theo nhóm khi trao đổi với các em qua mạng.

Ưu điểm cuối cùng là học sinh trao đổi và hỏi nhiều hơn. Với mô hình lớp truyền thống, học sinh thường lo cặm cụi chép bài vì sợ trong bài kiểm tra sẽ có thông tin đó; còn với “lớp học đảo ngược”, do các em đã bỏ công sức ra tìm hiểu bài trước nên có nhiều kiến thức khiến các em tò mò, thắc mắc, đào sâu hơn.

PHƯƠNG NGUYỄN

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Toàn bộ sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ học ứng dụng AI từ năm nhất

Theo Đại học Quốc gia Hà Nội, việc trang bị tư duy số và kiến thức nền tảng về trí tuệ nhân tạo (AI) không còn là sự lựa chọn, mà đã trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với các sinh viên đại học.

Toàn bộ sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ học ứng dụng AI từ năm nhất

Điểm trung bình thi đánh giá tư duy tăng, nhiều trường công bố điểm sàn xét tuyển

Theo Đại học Bách khoa Hà Nội, tổng số thí sinh có điểm thi đánh giá tư duy năm 2025 là hơn 28.000 thí sinh, nhưng chỉ có 1.860 thí sinh đạt từ 70/100 điểm trở lên.

Điểm trung bình thi đánh giá tư duy tăng, nhiều trường công bố điểm sàn xét tuyển

Quy định tuyển sinh lớp 1, lớp 6 vào trường 'hot' ở quận 1, TP.HCM

Tối 12-5, UBND quận 1, TP.HCM đã ban hành kế hoạch tuyển sinh lớp 1, lớp 6 năm học 2025-2026.

Quy định tuyển sinh lớp 1, lớp 6 vào trường 'hot' ở quận 1, TP.HCM

Tuyển sinh đầu cấp ở TP.HCM: Lựa chọn khu vực tuyển sinh từ ngày 15-5

Tối 12-5, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp năm học 2025-2026.

Tuyển sinh đầu cấp ở TP.HCM: Lựa chọn khu vực tuyển sinh từ ngày 15-5

Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk thông tin về việc nhiều học sinh lớp 12 'tự nguyện' nghỉ học

Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk đã có báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy về kết quả xác minh vụ nhiều học sinh lớp 12 'tự nguyện' nghỉ học trước kỳ thi tốt nghiệp.

Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk thông tin về việc nhiều học sinh lớp 12 'tự nguyện' nghỉ học

Ông Nguyễn Thanh Hiệp thôi làm hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Ông Nguyễn Thanh Hiệp - hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo, đồng thời đến nhận nhiệm vụ và công tác tại Sở Y tế TP.HCM.

Ông Nguyễn Thanh Hiệp thôi làm hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar