Chuyến du thám cột mốc biên giới cực tây Việt Nam kết hợp tặng báo, quà cho học sinh bản Tả Kố Khừ và chiến sĩ biên phòng miền cực tây của Tổ quốc thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên được tiến hành. Phóng viên báo Tuổi Trẻ và các thành viên của một diễn đàn nhiếp ảnh VN đã tham gia chuyến đi.
![]() |
Cột mốc số 0, ngã ba biên giới VN - Lào - Trung Quốc |
Từ Hà Nội chúng tôi đến Hòa Bình, xuyên rừng hoa mận trắng Loóng Luông (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), rồi cố qua đèo Pha Đin khi màn đêm buông xuống để kịp nghỉ ở TP Điện Biên. Sáng hôm sau chúng tôi trực chỉ quốc lộ 12 đến Mường Chà rẽ hướng Chà Cang để vào rừng quốc gia Mường Nhé. Đoạn đường chỉ hơn 200km nhưng vì đường đèo xuyên rừng có nhiều đoạn đang thi công nên khi đến được thị trấn Mường Nhé đã hơn 22g. Ngày hôm sau, chúng tôi lên đường đến A Pa Chải bằng chiếc Uoát mượn của ủy ban nhân dân huyện (vì được cảnh báo chỉ có xe gắn máy Minsk, “cào cào” hoặc Uoát mới có thể vượt qua bốn cái ngầm, vài bãi lầy và leo dốc 45 độ).
![]() |
Con đường đang thi công bên cạnh bản Tá Miếu. Trong tương lai gần, nơi đây sẽ là điểm giao thương Việt - Trung |
![]() |
Đường biên giới chạy theo sống núi, dọc đường phân thủy trước khi đổi hướng, xuôi hạ lưu sông Đà - Ảnh: T.T.D. |
Đúng 7g30 sáng thứ tư, vác balô thức ăn và nước uống cho một ngày đi rừng, chúng tôi khởi hành cùng với hai sĩ quan và một chiến sĩ dẫn đường. Mất 3g qua những đồng ruộng bậc thang của bản Tá Miếu (bản xa nhất cực tây VN) để đến dãy núi có cánh đồng cỏ lau đẹp và lãng mạn mê hồn. Các thành viên được thử thách đôi chân và đôi tay ở độ cao 1.400m ở cột mốc số 1 với dốc đứng 45 độ, khi leo phải bám vào những cọng cỏ nhánh cây. Sau đó leo tiếp qua ngọn núi đá để vào rừng già, xuyên qua đám gai mây rừng sắc như dao cạo, trèo lên những dây leo và lần bước qua những cây dẻ cổ thụ bên bờ vực.
Trung úy Ngô Văn Nghi luôn cảnh báo các thành viên trong đoàn: đi gần nhau, để ý đi theo những vết chém hoặc sơn đỏ trên thân cây, cẩn thận coi chừng lạc qua đất bạn (phải về bằng đường ngoại giao nếu được tìm thấy).
Đúng15g, chúng tôi đã đến điểm mốc số 0 ở độ cao 1.864m so với mặt nước biển. Đích đến cuối cùng hiện ra trước mặt làm xua tan bao mệt nhọc. Tự hào thay khi chinh phục được điểm cực có đường đi khó khăn gian khổ nhất của VN tại kinh độ:102 độ 09’00”Đ - vĩ độ: 22 độ 23’53”B. Điểm này nằm trên đỉnh núi Khoang La San là ngã ba biên giới của ba nước Việt Nam-Lào-Trung Quốc được các bên thống nhất cắm mốc vào ngày 27-6-2005. Cột mốc đẹp nhất Đông Dương này được làm bằng đá granit, cắm giữa một hình lục giác, bên ngoài cùng là khối vuông mỗi cạnh dài 5m. Cột mốc hình lăng trụ, cao 2m tính từ chân đế ba cạnh, có ba mặt được viết bằng chữ quốc ngữ và khắc quốc huy của từng nước (mặt nào quay về hướng nào thì thuộc chủ quyền lãnh thổ nước đó).
Hôm sau trên đường từ A Pa Chải về Điện Biên, chúng tôi thấy nhiều cung đường đang dần được hình thành. Những gói thầu xây dựng, những dự án đường sá, cầu cống đang được khẩn trương thi công nối liền TP Điện Biên với miền cực tây VN. Có lẽ chỉ một năm nữa thôi giao thông được kết nối, cửa khẩu biên giới Việt-Trung (A Pa Chải - Long Phú) sẽ được khai khẩu, chắc chắn đời sống bà con nơi đây sẽ thay đổi ngày một khá hơn.
Bình luận hay