Làng Chiềng làm thủy điện
TT - Đang mùa mưa bão. Mới chập choạng tối, đêm rừng miền núi đã ùa ra bao trùm không gian. Chúng tôi lần mò qua những bản làng leo lét đèn dầu của huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) và chợt sững sờ khi vừa qua một con dốc dài mà cả làng Chiềng như rực lên với ánh điện.
Với tuốcbin điện nhỏ này, nhà anh Vi Văn Hiệu (làng Chiềng, xã Yên Nhân) có thể sử dụng tivi, hát karaoke... - Ảnh: Đ.C. |
Làng Chiềng vốn nằm cách đường Hồ Chí Minh gần 60km. Muốn vào đây phải qua con đường đá lởm chởm, heo hút trong những cánh rừng già âm u; một bên là vực thẳm, một bên là núi rừng trùng điệp. Chúng tôi cố nhìn cả làng xem có cột điện hay đường dây lưới điện quốc gia. Tuyệt nhiên không.
“Làm sao để làng Chiềng có Internet chứ!”
Bước vào làng với tò mò thật sự khi ngay đầu làng là ánh đèn của một bóng điện hắt sáng rõ con đường đất. Âm thanh chương trình thời sự của Đài VTV vang lên ấm cúng giữa đêm rừng. Càng đi vào, làng Chiềng trong đêm xem ra khá ồn ã khi có cả tiếng karaoke xập xình.
Ghé thăm một gia đình, ông chủ hộ cầm remote điều khiển chuyển kênh nhoay nhoáy sang hệ thống chảo tìm đài. Thú vị nhất là chúng tôi còn nghe được cả tiếng đàn organ vọng ra từ ngôi nhà gỗ của anh Vi Văn Hiệu nằm bên mép con suối. Chúng tôi dừng lại, ngẩn ngơ khi trước và sau nhà anh đều rực ánh điện. Còn bên trong, chủ hộ và bạn bè đang vừa xem tivi vừa bàn thời sự râm ran. Tiếng đàn mà chúng tôi nghe được là từ đôi tay cô con gái anh Hiệu là Vi Thị Thảo Linh khi đang cùng mẹ tập tành bấm những nốt nhạc trên cây đàn organ điện.
Trang bị hiện đại như thế chẳng trách nhiều bà con trong làng xem anh Hiệu là một trong những người tiên phong sử dụng công nghệ điện ở ngôi làng người dân tộc Thái này. Chúng tôi nhìn quanh nhà: hai bên giường chủ hộ là hai cây quạt điện khá xịn. Giữa nhà là dàn karaoke với đủ loa, micro. “Thấy bà con dưới xuôi đưa con tới trường học đàn hát nên hai vợ chồng mình bàn nhau mua cho cháu cây đàn organ về tập. Còn bộ dàn karaoke để gia đình sau giờ làm việc vui vẻ hoặc phục vụ bà con, họ hàng... dịp lễ, tết” - anh Hiệu cho biết.
Sát nhà anh Hiệu, tiệm tạp hóa của gia đình ông Lang Văn Tiến có rất đông người tới mua hàng. Trước tiệm, ánh sáng đèn neon chiếu sáng cả khu vực như rủ rê đám trẻ con đến chơi đùa. Chúng tôi ghé vào. Ông Tiến vừa bật cầu dao bơm nước cho cả nhà tắm rửa, giặt giũ vừa bảo: “Ngày trước, cứ chiều tối là phải lọ mọ xuống suối xách nước về mệt rụng rời chân tay. Từ ngày lắp máy phát điện 2kW, mua thêm đoạn dây rồi khoan giếng hút cái rẹt 15 phút là xong. Với chiếc máy phát điện công suất lớn như vậy, trong nhà ông cũng có bộ dàn karaoke bề thế.
Gặp chúng tôi, bí thư Đảng ủy xã Yên Nhân Vi Hoàng Khăm tự hào khoe: “Trước đây bà con làng Chiềng dù ngày lễ hội cũng chỉ ngồi trong nhà sàn với đèn dầu, mù mịt lắm. Có điện, phong trào văn nghệ của làng sôi nổi lắm. Đèn điện kéo từ ngoài cổng vào đến sân khấu, loa đài đầy đủ. Thỉnh thoảng làm chương trình lớn, bà con còn mời cả ban nhạc sống về chơi cho làng vui vẻ”.
Bà con trong làng thì bảo: mấy năm trước đây làng chỉ có vài tivi trắng đen xem là mãn nguyện. Vậy nhưng hiện nay nhà nào cũng có tivi màu và còn sử dụng chảo hẳn hoi để bắt được nhiều kênh hơn. Một số gia đình làm nghề rèn thay vì mỏi rã với quay tay thì nay chỉ cần bật lên môtơ điện chạy ro ro cả ngày. Nhưng chúng tôi xúc động nhất là trong đêm rừng đám trẻ con nơi đây vẫn ngồi ê a, cặm cụi làm bài, học bài trong ánh điện. Ngay khu nội trú của các thầy cô cũng sáng ánh điện; chấm bài, soạn bài thoải mái trong đêm.
“Tôi đang tính chuyện làm sao để làng Chiềng lắp được máy vi tính có Internet để cập nhật thông tin cho bà con nữa chứ” - ông Khăm khẳng định.
Trẻ em làng Chiềng lâu nay xem tivi, nghe đài điện khá thoải mái... - Ảnh: Đ.C. |
“Làm ra điện dễ lắm mà”
Dọc con suối Nậm Mương có thể thấy nhiều tuốcbin điện và dây dẫn kéo theo chiều dài con suối. Đó là những “nhà máy” điện của “tập đoàn” thủy điện 147 hộ dân làng Chiềng. Trong lúc nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa đang còn “mò mẫm” với đèn dầu khi điện lưới quốc gia chưa vươn tới, các hộ dân tộc Thái tại làng Chiềng đã tự làm thủy điện xài tivi, đài điện, karaoke...
Ông Vi Hoàng Khăm nheo trán nhớ lại: “Thật ra từ những năm 1990, ông Lữ Trọng Hoàng làm cán bộ xã trong một lần đi chơi nhà người quen ở tỉnh Bắc Thái cũ thấy nơi này có điện nhưng không phải lưới điện nhà nước. Ông Hoàng lân la theo đường dây điện ra suối, thấy đoạn dây chui xuống một cái lỗ rồi mất hút”. Lân la hỏi thăm mới biết đó là tuốcbin điện, rồi được người ta chỉ vẽ cách làm.
Về quê, ông Hoàng bắt tay thực nghiệm làm máy phát điện bằng tuốcbin. Lúc đó máy phát yếu chỉ được 300W, đủ phát sáng vài cái bóng điện nhưng cũng là kỳ tích với bà con đồng bào Thái ở đây. “Cả đời người Thái mình dùng đèn dầu, chừ thấy bóng điện sáng thì sướng lắm” - ông Khăm hớn hở nói.
Từ đó, nhiều người dân làng Chiềng ra suối Nậm Mương ầm ầm nước lắp đặt tuốcbin điện. Giới tài xế xe khách lúc đó vài ngày mới chạy qua đây một chuyến cũng thấy lạ, kháo nhau: Dân ở đây làm quái gì mà đặt mua nhiều dây điện, cầu dao, ổn áp... đến thế. Mãi sau này họ mới vỡ lẽ ra.
Về công nghệ làm thủy điện, anh chàng Vi Văn Xoan mới học hết cấp I thật thà bảo: “Làm ra điện dễ lắm mà”. Thấy chúng tôi chưa tin, anh chàng lội ngay ra chỗ đặt tuốcbin điện hướng dẫn: “Làm một bờ đá ngang chắn nước hướng xuống cái cống dựng đứng bằng gỗ cao gần 1m để hút nước vào rồi bỏ tuốcbin vô. Thế là xong. Trên tuốcbin đã có sẵn đầu dây nối, chỉ cần kéo dây điện từ tuốcbin vào nhà và đóng cầu dao là có điện rồi”.
Bà con ở đây bảo thêm: trước kia mua tuốcbin Trung Quốc hay gặp sự cố nên hiện nay toàn xài hàng nội, vừa chất lượng vừa rẻ. “Tổng chi phí từ mua tuốcbin đến các thiết bị điện chỉ 500.000đ-1 triệu đồng là dùng vô tư, lại chẳng phải đóng tiền điện như dưới xuôi. Lâu lâu thay vòng bi vài chục nghìn đồng là xong” - anh Xoan cười hề hề kết luận.
ĐOÀN CƯỜNG
Điện sáng làng Môn
TT - Lần đầu tiên các hộ dân Ba Na ở làng Môn (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đã được sử dụng điện lưới quốc gia.
Đây là kết quả chương trình cấp điện năm tỉnh Tây nguyên của Chính phủ với mục tiêu: góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây nguyên và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Mỗi hộ dân được cấp 20m dây điện, 2 bóng đèn, 1 bảng điện... - Ảnh: Ngọc Hà |
Theo chương trình này, 1.200 thôn, buôn chưa có điện với tổng số 116.067 hộ dân sẽ được sử dụng điện lưới quốc gia với số tiền đầu tư lên tới 1.500 tỉ đồng (85% sử dụng vốn ngân sách nhà nước, 15% vốn của ngành điện).
Dự án sẽ cơ bản hoàn thành cuối năm 2009.
Giúp bà con lắp đặt ăngten bắt sóng tivi - Ảnh: Ngọc Hà |
NGỌC HÀ
Bình luận hay