08/05/2025 12:28 GMT+7
Trở lại chủ đề

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 1: Một thời 'rằng quê Minh Hải mình đây'

Sau khi đất nước thống nhất, một số tỉnh đã trải qua các lần nhập - tách đơn vị hành chính. Trong từng bối cảnh lịch sử, việc này đều được thực hiện trên khí thế mới xây dựng quê hương.

Minh Hải - Ảnh 1.

Tỉnh Cà Mau khi nhập với Bạc Liêu thành Minh Hải hay tách ra vẫn luôn là địa phương năng động, giàu bản sắc - Ảnh: HUỲNH LÂM

Nhiều câu chuyện vẫn chưa quên cùng những bài học lịch sử cho tương lai phát triển.

Theo ông Hữu Thành - nguyên phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau, lịch sử hai tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu trải nhiều lần tách - nhập. "Ngày xưa, Cà Mau - Bạc Liêu là một. Thời Pháp thuộc, Bạc Liêu là tỉnh thứ 21 của Nam Kỳ, Cà Mau là một quận của tỉnh Bạc Liêu.

Chuyện đặt tên tỉnh mới

Ông Đặng Thành Học, nguyên bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, cũng nhớ lại: "Cà Mau - Bạc Liêu thời chiến tranh là hai tỉnh. Hòa bình, chúng ta có điều kiện nhập lại để thuận tiện phát triển kinh tế. Bởi tuy hai nhưng đặc thù văn hóa, địa hình khá gắn bó nhau".

Cuối năm 1975, Bộ Chính trị ra nghị quyết điều chỉnh lại việc hợp nhất các tỉnh miền Nam cho sát tình hình thực tế. Hai tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu hợp nhất thành một tỉnh tên gọi chung Cà Mau - Bạc Liêu.

Theo ông Hữu Thành, sau khi kiện toàn nhân sự, chỉ định các chức danh, vấn đề tên tỉnh mới được đưa ra bàn. Ban đầu có ý kiến lấy tên tỉnh Bạc Liêu hoặc Cà Mau.

Nhưng cả hai phương án trên đều không phù hợp bối cảnh lịch sử lúc đó. Cũng có gợi ý tên tỉnh Hải Nam, vì Cà Mau - Bạc Liêu ở cực Nam đất nước, ba bề giáp biển. Tuy nhiên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau - Bạc Liêu vẫn thấy tên đó chưa ổn.

"Lúc đó tỉnh giao anh Út Nghệ (ông Nguyễn Hải Tùng - giám đốc Ty Văn hóa tỉnh) đề xuất tên tỉnh. Anh Út Nghệ nói hay đặt tên tỉnh Năm Căn vì địa danh Năm Căn đặc thù vùng đất. Nhưng lại có ý kiến không đồng thuận vì Năm Căn chỉ địa danh vùng đất nhỏ, không tiêu biểu để đặt tên tỉnh", ông Thành nhớ lại.

Vậy là có cuộc ngồi lại để thống nhất đặt tên tỉnh. Ý kiến đặt tên tỉnh theo đặc thù, thế mạnh của tỉnh đã được đa số đồng thuận. Thế mạnh Cà Mau - Bạc Liêu là biển - rừng - nông nghiệp. Nông nghiệp thì cả nước đều là thế mạnh, không riêng gì hai tỉnh cực Nam. Lại có ý kiến "thôi thì lấy tên tỉnh Hải Minh, Hải là biển, Minh là rừng - rừng U Minh Hạ.

"Chú Hai Thống (Trần Hữu Vịnh, nguyên phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Cà Mau - Bạc Liêu lúc chưa có tên mới Minh Hải) nói Hải Minh nghe gần giống Hải Phòng, hay đảo từ lại Minh Hải.

Cuộc họp Ban Chấp hành Tỉnh ủy Cà Mau - Bạc Liêu thống nhất lấy tên tỉnh mới Minh Hải. Trung ương tôn trọng ý kiến địa phương, đồng ý đặt tên tỉnh mới Minh Hải. Ngày 10-3-1976, tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu chính thức có tên Minh Hải", ông Thành kể lại.

Từ đó, địa danh Minh Hải tuy chỉ kéo dài 21 năm nhưng cũng ăn sâu vào ký ức của một thế hệ người dân hai tỉnh. Ông Đặng Thành Học nhớ lại: "Vì lịch sử hai tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu như anh em một nhà từ lâu đời nay, nên khi tách như anh em ra riêng, còn nhập lại thì như "dìa một nhà". Thành ra khi nhập tỉnh, nhiều ông hớn hở vậy là tụi mình dìa chung nữa hen".

Theo ông Lê Công Nghiệp - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, lúc nhập tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu còn khí thế phấn khởi những ngày thống nhất đất nước, dù thực tế đang nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Trong sinh hoạt, đời sống, đi lại, học hành... khó khăn nhiều thứ, sau đó phải đưa người đi làm nghĩa vụ quốc tế. Các mặt kinh tế chưa phát triển, sản xuất chưa phát triển. Một số nơi như xã Tạ An Khương (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) còn chưa thoát nạn đói.

Nhưng niềm phấn khởi xây dựng đất nước, xây dựng tỉnh nhà, xây dựng tương lai vẫn mãnh liệt trong cán bộ, đảng viên, nên vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

Minh Hải - Ảnh 2.

Cả Bạc Liêu và Cà Mau đều có thế mạnh nông nghiệp - Ảnh: QUỐC MINH

"Tách, nhập tỉnh cán bộ thay đổi mau lắm"

Đến ngày 1-1-1997, theo nghị quyết Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 10, ngày 6-11-1996, tách tỉnh Minh Hải ra hai tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu.

Ông Đặng Thành Học nói nguyên nhân tách tỉnh: "Lúc đó tách tỉnh do tỉnh mình lớn quá. Điều kiện hoạt động hồi đó khó khăn, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Hệ thống bưu điện, thông tin liên lạc cũng khó khăn.

Địa bàn rộng nên phải tách ra vì phạm vi hoạt động nó xa xôi. Hồi đó, quan điểm một huyện cao lắm hai chục ngàn dân thôi. Nhưng huyện ở mình thì cỡ đó trở lên. Tuy tách tỉnh, nhưng anh em lãnh đạo cũ của Minh Hải gặp nhau cũng trao đổi vui vẻ. Tết nhứt cũng hợp lại, ăn Tết cùng nhau".

Còn theo ông Lê Công Nghiệp, đến những năm 1990, tỉnh Minh Hải hình thành vị thế mới, cả về quy hoạch sản xuất, bố trí dân cư, phát triển ngành nghề, trường trạm... Đặc biệt chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, khi tách ra cũng đủ đảm trách phần việc.

Các cơ sở sản xuất cũng bước đầu phát triển, nhất là các ngành nông, lâm, thủy sản, từ đó cũng tạo đà phát triển công nghiệp dịch vụ. Nên tách tỉnh không bao lâu, thì hình dáng của mỗi tỉnh mang dáng vẻ mới thấy rõ.

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 1: Một thời 'rằng quê Minh Hải mình đây' - Ảnh 3.

Cà Mau và Bạc Liêu có nhiều nét tương đồng về văn hóa và đời sống nhân dân - Ảnh Huỳnh Lâm

Có một chuyện vui là hai tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu tách ra, việc phân chia tài sản cũng "diễn ra rất thuận thảo". Ông Lê Công Nghiệp nhớ lại: Cán bộ hai tỉnh phân chia theo tinh thần tài sản ở đâu thì chia cho tỉnh đó. Có những cái Cà Mau có, nhưng Bạc Liêu cần thì vẫn để lại cho Bạc Liêu.

Ví dụ khách sạn Sao Mai ở phường 2, TP Cà Mau vẫn là tài sản tỉnh Bạc Liêu. Ngược lại, những cơ sở của Cà Mau ở Bạc Liêu chưa dời được thì Bạc Liêu vẫn tạo điều kiện cho hoạt động, sau này dời. Còn những tài sản ngoài tỉnh có thể bán được thì chia đôi, nói chung là thấu đáo đạt tình lý.

Đặc biệt công tác cán bộ là vấn đề khiến lãnh đạo hai tỉnh bàn tính nhiều nhất khi tách tỉnh. Chuyện cán bộ về cống hiến Bạc Liêu hay ở lại Cà Mau làm việc, rồi ở lại tỉnh hay về huyện làm sao vừa đáp ứng nguyện vọng, vừa phát huy năng lực cán bộ, vừa phù hợp nhu cầu địa phương là chuyện tốn nhiều thời gian họp bàn.

"Cơ bản là mình giải quyết cán bộ quê địa phương nào thì về đó", ông Đặng Thành Học nói chuyện đào tạo cán bộ cho bộ máy đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước khi tách tỉnh. "Lúc nhập - tách tỉnh thời đó, cán bộ thay đổi mau lắm.

Chỗ này thiếu, chỗ kia thấy được thì đưa vào. Mà hồi đó không phân biệt cán bộ gốc tỉnh nào hết trơn. Chỉ có cán bộ lãnh đạo như chúng tôi biết cố gắng đào tạo người cho các địa phương.

Ví dụ Bạc Liêu thì gắng đào tạo người quê Bạc Liêu để họ giữ nhiệm vụ ở các sở ngành. Cà Mau cũng vậy". Theo ông, nhập tỉnh thì bài toán bố trí cán bộ "hơi khó". Nhưng tách tỉnh thì tư tưởng cán bộ đã ổn. Bởi số anh em về địa phương, số cán bộ còn trẻ, có năng lực nhưng chưa có cương vị thì bổ nhiệm lên.

"Nói vậy nhưng có những chuyện tưởng chút xíu, như chuyện cái bàn, cái ghế mến tay mến chân, mang đi hay để lại... cũng trở thành chuyện hằng ngày. Bí thư tỉnh ủy đôi khi phải đứng ra giải quyết", ông Học kể.

"Sau ngày thống nhất đất nước, vợ chồng tôi là cán bộ trẻ miền Bắc tăng cường vào hỗ trợ Cà Mau trong Sở Xây dựng. Tôi nhớ việc nhập hai tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu diễn ra thuận lợi vì được cán bộ địa phương và nhân dân đồng thuận.

Thật ra Cà Mau và Bạc Liêu chẳng khác gì anh em một nhà, giống nhau cả về địa hình, khí hậu, lẫn văn hóa và việc làm ăn, phát triển kinh tế. Bây giờ nếu nhập lại tỉnh, mọi việc cũng sẽ tốt hơn thôi", ông Nguyễn Văn Tú, nguyên cán bộ Sở Xây dựng Cà Mau, chia sẻ.

-----------------

Khi mới nhập - tách tỉnh, chủ trương lãnh đạo tỉnh Minh Hải thời đó là không xây thêm trụ sở làm việc, mà dồn nguồn lực cho vùng nông thôn nghèo khó, vùng căn cứ cách mạng, vừa làm động lực phát triển, vừa đền ơn đáp nghĩa.

Kỳ tới: Không xây trụ sở, để tiền lo cho dân

Tỉnh, thành nào ở miền Tây từng chia tách trước khi 'về lại mái nhà xưa'?

Nhiều tỉnh, thành ở miền Tây từng là một tỉnh, sau đó được chia tách để phù hợp từng thời kỳ phát triển và nay lại trở về 'mái nhà xưa'.

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 3: Ai về phương Nam, ghé thăm tỉnh Cửu Long

Một thời, tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh là một với tên gọi tỉnh Vĩnh Trà, sau đó đổi tên thành tỉnh Cửu Long.

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 3: Ai về phương Nam, ghé thăm tỉnh Cửu Long

Người dân TP Thủ Đức bì bõm thu dọn đồ đạc sau trận mưa ngập đến nửa nhà

Sau cơn mưa lớn sáng 10-5, nhiều hộ dân ở phường Tam Bình (TP Thủ Đức, TP.HCM) ngập nặng, nước tràn vào nhà làm hư hỏng đồ đạc.

Người dân TP Thủ Đức bì bõm thu dọn đồ đạc sau trận mưa ngập đến nửa nhà

Trung niên đi học ở xứ người

Vậy là tôi chính thức xong năm nhất đại học dù đã đi học hai năm nếu tính luôn hai học kỳ tiếng Anh của mình.

Trung niên đi học ở xứ người

Được đồng đội cứu ở chiến trường và cứu lại con trai đồng đội trong thời bình, chuyện như cổ tích

Tình đồng đội như câu chuyện cổ tích trong thời chiến và thời bình. Đúng là nhân lành quả ngọt, chuyện như cổ tích.

Được đồng đội cứu ở chiến trường và cứu lại con trai đồng đội trong thời bình, chuyện như cổ tích

'Quái kiệt' hơn 60 năm chân trần giữ rừng quý

Ẩn mình giữa rừng già Trường Sơn, người đàn ông 66 tuổi với đôi chân trần rắn rỏi đã trải qua những năm tháng cuộc đời đầy thăng trầm gắn liền với núi rừng. Đôi chân chưa từng mang dép nhưng vẫn vượt gai rừng, đá nhọn bảo vệ rừng quý.

'Quái kiệt' hơn 60 năm chân trần giữ rừng quý

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 2: Không xây trụ sở mới, để tiền lo cho dân

Khi mới nhập - tách tỉnh, chủ trương lãnh đạo tỉnh Minh Hải thời đó (hay Cà Mau và Bạc Liêu sau này) là không xây trụ sở làm việc mà dồn toàn bộ nguồn lực cho vùng nông thôn nghèo khó, vùng căn cứ cách mạng.

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 2: Không xây trụ sở mới, để tiền lo cho dân
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar