21/08/2021 08:05 GMT+7

Kỳ thủ Nguyễn Anh Khôi: Trận chiến với COVID-19 như một ván cờ

TẤN PHÚC - HOÀNG VŨ thực hiện
TẤN PHÚC - HOÀNG VŨ thực hiện

TTO - Là sinh viên năm nhất ngành y của VinUni, kỳ thủ Nguyễn Anh Khôi có những chia sẻ về chân trời mới của mình cũng như góc nhìn về cuộc chiến giữa nhân loại với virus corona. Với Anh Khôi, nói theo cách nào đó, trận chiến này tương tự một ván cờ.

Kỳ thủ Nguyễn Anh Khôi: Trận chiến với COVID-19 như một ván cờ - Ảnh 1.

Kỳ thủ Nguyễn Anh Khôi - Ảnh: T.PHÚC

Biến thể Delta với khả năng kháng vắc xin cao khiến các quốc gia tưởng chừng đã tự tin đối phó với đại dịch nhờ tiêm chủng rộng rãi trong cộng đồng phải quay lại với các biện pháp giãn cách như ban đầu. Nó giống như một ván cờ đánh mãi chưa xong.

Anh Khôi là "thần đồng" của cờ vua VN với nhiều chiến tích lừng lẫy như: vô địch thế giới các lứa tuổi U10, U12 và vô địch VN. Thế nhưng, hoài bão lớn Anh Khôi ấp ủ từ nhỏ lại là ngành y, bởi anh luôn muốn góp phần bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội.

* Cảm nhận của Anh Khôi thế nào khi tiếp xúc với những kiến thức đầu tiên trong các giáo trình của ngành y?

- Năm đầu chỉ học những kiến thức khoa học cơ bản làm nền tảng cho việc học chuyên sâu hơn ở các năm sau nhưng tôi vẫn tiếp thu được những kiến thức thú vị. Ví dụ như tôi được tìm hiểu những cơ chế chồng chéo để các tế bào tự thực hiện các hoạt động sống mà không có một sự điều khiển có ý thức nào để quản lý các hoạt động đó.

Những tiết thực hành hóa, sinh ở các phòng thí nghiệm hay học sơ cấp cứu ở bệnh viện mô phỏng tại VinUni với thiết kế rất hiện đại, cùng rất nhiều thiết bị tiên tiến để hỗ trợ việc tiếp thu kiến thức của sinh viên. Bên cạnh đó, tôi còn được các giáo sư ở trường chia sẻ nhiều câu chuyện bổ ích về y học trong thực tế.

* Việc theo học y dường như đã mở ra một chân trời mới theo đúng ước mơ từ nhỏ của Anh Khôi nhưng cũng sẽ không ít khó khăn. Một ngày của Anh Khôi bây giờ thế nào? Tình hình dịch bệnh có ảnh hưởng đến việc học nhiều không?

- Học ngành y nên tôi vất vả hơn bởi bài vở nhiều hơn và mới hơn. Mặc dù vậy, với cách dạy học thoáng ở VinUni, sinh viên không bị ép phải dồn sức quá nhiều vào việc học theo kiểu truyền thống.

Theo đó, sinh viên khá tự do trong việc sắp xếp và phân bổ thời gian học cho phù hợp với sức lực của bản thân và các đam mê ngoại khóa khác ở trường, tiêu biểu là các câu lạc bộ từ thể thao đến văn nghệ hay học thuật. Riêng tôi, ngoài việc học vẫn còn một ít thời gian để tìm hiểu những gì mình yêu thích.

Kể từ khi dịch COVID quay trở lại vào cuối tháng 4, đầu tháng 5-2021, trường đã thay thế việc học trực tiếp ở giảng đường bằng học online. Điều này diễn ra rất thuận lợi vì ngay từ khi bắt đầu học, VinUni đã xây dựng và cho sinh viên làm quen với hệ thống quản lý học tập trên nền tảng số hóa rất tốt.

Mọi công việc từ giao bài tập,  phổ biến tài liệu học tập, nộp bài... đều được thực hiện thông qua hệ thống quản lý điện tử này. Thư viện cũng được số hóa toàn bộ nên gần như bất kỳ cuốn sách hay tài liệu nào đều có thể được truy cập qua cổng điện tử của thư viện.  Duy chỉ có một khó khăn là sinh viên không được tự tay thực hiện các tiết thực hành mà chỉ có thể xem các video thầy cô đã làm sẵn. Tuy nhiên, đây là điều buộc phải chấp nhận để đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh.

* Môi trường mới có làm Anh Khôi thay đổi những thói quen sinh hoạt cũng như suy nghĩ?

- Thay đổi lớn nhất khi tôi học ở VinUni là xa gia đình. Trước đây, kể cả khi đi thi đấu xa nhà bao giờ cũng có ba hoặc mẹ đi cùng hỗ trợ. Còn ở đây, tôi phải tự giải quyết tất cả các vấn đề trong sinh hoạt, từ những việc đơn giản như tính toán thời gian dậy buổi sáng để kịp chuẩn bị cho tiết học, mua đồ ăn thức uống... đến xử lý các đồ dùng bị hư hỏng.

Cũng may là ký túc xá cung cấp khá nhiều tiện ích và hiện đại nên tôi không phải vất vả lắm. Ngoại trừ việc nhớ nhà, tôi bây giờ đã quen với cuộc sống tự chủ sau một năm học ở VinUni.

Bên cạnh đó, môi trường học tập cũng rất đặc biệt. Sinh viên của các ngành không liên quan vẫn có nhiều cơ hội tiếp xúc, học chung với nhau (một lớp có thể có cả sinh viên y, quản trị kinh doanh và khoa học máy tính).

Ngoài đội ngũ giảng dạy đến từ khắp các châu lục, sinh viên cũng rất đa dạng gồm nhiều bạn học phổ thông từ các trường công lập trong nước, nhiều bạn học chương trình nước ngoài từ các trường quốc tế, một số anh chị đã học một hay vài năm ĐH ở nước ngoài. Vì vậy mọi người có rất nhiều thứ để chia sẻ và học hỏi lẫn nhau.

Kỳ thủ Nguyễn Anh Khôi: Trận chiến với COVID-19 như một ván cờ - Ảnh 3.

Anh Khôi và ngôi trường của mình

* Bước vào cánh cửa ngành y, Anh Khôi tâm niệm và khao khát gì?

- Mong muốn của tôi khi bước vào ngành y là góp phần bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội. Khoa học sức khỏe đã thu hút sự chú ý của tôi từ lâu bởi các cơ chế khoa học vô cùng phức tạp để có thể vận hành một cỗ máy sinh học, mà về lý thuyết là sẽ chẳng bao giờ cần tới một "người thợ sửa chữa" nào can thiệp.

Nhưng thực tế lại cho thấy con người tự tàn phá sức khỏe của mình thì dễ, giữ gìn được nó mới khó. Thậm chí kể cả khi hiểu rõ về vấn đề sức khỏe nào đó và cố gắng né tránh hay chữa trị nó, vẫn có nhiều khả năng không thành công.

Hiện tại tôi chưa quyết định đi chuyên ngành nào vì vẫn đang trong giai đoạn học cơ bản. Sắp tới khi được học sâu hơn, tôi sẽ quyết định hướng đi cho tương lai.

* Dịch COVID-19 trong mắt Anh Khôi như thế nào?

- Ngành y nhìn rộng ra cũng khá giống như thi đấu cờ vua. Một bên là cơ thể con người với đầy đủ quân số là các cơ chế sinh học và các biện pháp khoa học để tự bảo vệ. Một bên là đủ các loại thế lực vật lý, hóa học, sinh học sẵn sàng xé toạc hàng phòng ngự của đối phương.

Điển hình là dịch COVID-19. Ngành y đã cố gắng bảo vệ sức khỏe con người bằng các biện pháp khoa học như giãn cách, khử khuẩn, thuốc, máy thở. Và tới khi các quốc gia triển khai chiến dịch tiêm chủng trên toàn thế giới thì tưởng chừng như cuộc chơi sắp kết thúc và con người có thể trở lại như trước.

Nhưng không, đối phương (virus corona) đổi kế hoạch tấn công, tung ra hàng loạt biến thể khác nhau với sức lây lan tăng gấp nhiều lần như biến thể Delta và sắp tới là biến thể Lambda với khả năng kháng vắc xin cao. Điều này khiến các quốc gia tưởng chừng đã tự tin đối phó với đại dịch nhờ tiêm chủng rộng rãi trong cộng đồng phải quay lại với các biện pháp giãn cách như ban đầu. Nó giống như một ván cờ đánh mãi chưa xong.

Những kỳ thủ mạnh trong cờ vua luôn tìm cách khai thác triệt để sai lầm của đối phương, bất kể người đối diện đang vui hay buồn, giàu hay nghèo, ốm yếu hay khỏe mạnh. Virus corona cũng vậy. Dịch bệnh không quan tâm tới hoàn cảnh hay cảm xúc của con người, cũng chẳng có phép lịch sự, lòng thương cảm hay sự sợ hãi.

Virus corona thẳng tay khai thác từng kẽ hở trong việc phòng chống đại dịch. Vì vậy, sai lầm của con người trong cuộc chiến chống COVID-19 như không hạn chế tiếp xúc xã hội, từ chối hoặc chần chừ trong tiêm chủng... phải trả giá đắt bằng sức khỏe và thậm chí là mạng sống.

Chỉ mới học năm nhất nên tôi chỉ biết theo dõi cuộc chiến giữa dịch bệnh COVID-19 và tiến bộ khoa học thông qua tin báo chí. Là sinh viên y khoa, tôi mong sẽ sớm được tham gia vào các chiến dịch, dự án với mục tiêu bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân.

Kỳ thủ Nguyễn Anh Khôi: Trận chiến với COVID-19 như một ván cờ - Ảnh 4.

Anh Khôi thuyết trình trong một buổi học - Ảnh: M.Q.

Nguyễn Anh Khôi - "thần đồng" cờ vua đất Việt

Sinh năm 2002, Nguyễn Anh Khôi được xem là "thần đồng" của làng cờ vua VN với những thành công đến từ rất sớm ở đấu trường trong nước lẫn quốc tế.

6 tuổi, Anh Khôi được ba mẹ giới thiệu đến với cờ vua để tránh xa trò chơi điện tử. Nhưng chưa đầy 4 năm sau, Anh Khôi đã đăng quang lứa tuổi U10 cờ tiêu chuẩn tại Giải vô địch cờ vua trẻ thế giới năm 2012 với 11 ván thắng tuyệt đối. Hai năm sau, Anh Khôi tiếp tục vô địch U12 thế giới cờ tiêu chuẩn, trở thành kỳ thủ thứ hai trong lịch sử cờ vua vô địch cả U10 và U12 thế giới sau Etienne Bacrot (Pháp).

Năm 14 tuổi, Anh Khôi lần đầu vô địch cờ vua quốc gia. Lần gần đây nhất, Anh Khôi đã bảo vệ thành công ngôi vô địch cờ nhanh quốc gia khi đang học năm nhất y khoa tại VinUni vào tháng 3-2021 (Anh Khôi chỉ tham dự nội dung cờ nhanh, cờ chớp do không nghỉ học được lâu).

Tháng 9-2019, kỳ thủ 17 tuổi Anh Khôi được Liên đoàn Cờ vua quốc tế (FIDE) phong danh hiệu đại kiện tướng quốc tế, trở thành đại kiện tướng thứ 11 của Việt Nam.

T.P.

"Dịch bệnh không quan tâm tới hoàn cảnh hay cảm xúc của con người, cũng chẳng có phép lịch sự, lòng thương cảm hay sự sợ hãi. Virus corona thẳng tay khai thác từng kẽ hở trong việc phòng chống đại dịch.

Vì vậy, sai lầm của con người trong cuộc chiến chống COVID-19 như không hạn chế tiếp xúc xã hội, từ chối hoặc chần chừ trong tiêm chủng... phải trả giá đắt bằng sức khỏe và thậm chí là mạng sống".

Sau đại kiện tướng là giấc mơ bác sĩ

TTO - Với thành tích của Nguyễn Anh Khôi ở Giải cờ vua Sharjah mới đây, làng cờ vua VN nhiều khả năng sẽ chào đón thêm một đại kiện tướng nữa trong vòng một năm tới.

TẤN PHÚC - HOÀNG VŨ thực hiện

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Anh Trần Hải Phú làm bí thư Tỉnh Đoàn Tây Ninh

Anh Trần Hải Phú (bí thư Tỉnh Đoàn Long An cũ) được chỉ định chức vụ bí thư Tỉnh Đoàn Tây Ninh. Anh Phạm Văn Hậu làm phó bí thư Tỉnh Đoàn.

Anh Trần Hải Phú làm bí thư Tỉnh Đoàn Tây Ninh

'Áo xanh' đón dân hỗ trợ vận hành chính quyền 2 cấp

Tỉnh Đoàn Quảng Trị vừa huy động 1.500 thanh niên tình nguyện về các xã phường, đặc khu để hỗ trợ vận hành chính quyền hai cấp.

'Áo xanh' đón dân hỗ trợ vận hành chính quyền 2 cấp

Đồng Nai triển khai 96 đội hình tình nguyện hỗ trợ người dân làm thủ tục hành chính

Tỉnh Đoàn Đồng Nai triển khai 96 đội hình với gần 1.500 thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ các thủ tục hành chính.

Đồng Nai triển khai 96 đội hình tình nguyện hỗ trợ người dân làm thủ tục hành chính

Nữ đại úy hải quân ở Nha Trang nhặt gần 80 triệu đồng, tìm trả người đánh rơi

Công an phường Nam Nha Trang đã trao trả chiếc ví da có gần 80 triệu đồng và nhiều giấy tờ tùy thân cho nam du khách Kyrgyzstan.

Nữ đại úy hải quân ở Nha Trang nhặt gần 80 triệu đồng, tìm trả người đánh rơi

241.000 thanh niên tình nguyện toàn quốc hỗ trợ chính quyền 2 cấp giải quyết thủ tục hành chính

4.800 đội tình nguyện với hơn 241 nghìn đoàn viên, thanh niên đồng loạt ra quân hỗ trợ chính quyền địa phương hai cấp giải quyết thủ tục hành chính.

241.000 thanh niên tình nguyện toàn quốc hỗ trợ chính quyền 2 cấp giải quyết thủ tục hành chính

Ra quân đội hình hỗ trợ vận hành chính quyền 2 cấp tại TP.HCM

Hơn 300 chiến sĩ đại diện cho các đội hình tình nguyện đồng hành cùng địa phương, bình dân học vụ số đã vào nhiệm vụ.

Ra quân đội hình hỗ trợ vận hành chính quyền 2 cấp tại TP.HCM
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar