Ông Phạm Ngọc Phương, chánh văn phòng Bộ GD-ĐT, cho biết 34.275 tỉ đồng là dự chi cho năm gói công việc khác nhau. Trong đó, khâu biên soạn chương trình - sách giáo khoa, sách giáo viên bao gồm các việc cụ thể là xây dựng chương trình tổng thể và chương trình các môn học của 12 lớp; biên soạn sách giáo khoa, sách giáo viên; tổ chức thẩm định chương trình - sách giáo khoa dự kiến chi 105 tỉ đồng.
Tiếp theo 910 tỉ đồng dự kiến chi cho việc tổ chức dạy thử nghiệm chương trình - sách giáo khoa mới tại 600 trường, với khoảng 340.000 học sinh. Giai đoạn dạy học đại trà chương trình - sách giáo khoa mới trên phạm vi cả nước dự chi 8.150 tỉ đồng.
Một khoản chi khác chiếm tỉ lệ lớn trong khoản kinh phí trên 34.000 tỉ đồng là trang thiết bị dạy học. Theo ông Phạm Ngọc Phương, ở mục này sẽ chia hai nhóm. Nhóm 1 là bổ sung, thay thế khoảng 50% thiết bị dạy học tối thiểu đã có. Nhóm 2 trang bị mới thiết bị do chương trình - sách giáo khoa mới yêu cầu. Tổng số tiền chi cho phần này là 20.100 tỉ đồng. Ông Phương cho biết tới đây bộ sẽ rà soát trang thiết bị đã đầu tư trước đây, nên kinh phí dự kiến hiện tại chưa căn cứ vào khảo sát thực trạng.
5.010 tỉ đồng trong gói hơn 34.000 tỉ đồng sẽ được chi cho ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng kênh truyền thông giáo dục, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá và thi.
Đại diện Bộ GD-ĐT trong cuộc gặp với báo chí đã phủ nhận thông tin chi 5.000 tỉ đồng cho biên soạn chương trình - sách giáo khoa mà ông Đỗ Ngọc Thống, thường trực ban soạn thảo chương trình - sách giáo khoa mới (Bộ GD-ĐT), cung cấp tại cuộc họp báo ngày 15-4 và khẳng định thông tin vừa cung cấp mới chính xác.
Bình luận hay