![]() |
Doanh nghiệp Malaysia tích cực tìm kiếm bạn hàng tại TP.HCM - Ảnh: X.T. |
Nhập nhiều, xuất... chẳng bao nhiêu!
Mới đây theo một chương trình ưu đãi hội nhập ASEAN (gọi tắt là AISP), các nước thành viên cũ (Thái Lan, Singapore, Brunei, Philippines, Malaysia, Indonesia) tiếp tục miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu so với mức thuế CEPT bình thường đối với một số mặt hàng xuất khẩu của các nước thành viên mới.
Trong đó, đối với VN, số lượng mặt hàng được hưởng ưu đãi từ Indonesia là 50 mặt hàng; Malaysia 170 mặt hàng; Thái Lan 19 mặt hàng; Brunei và Philippines đang trong quá trình xem xét xác định danh mục mặt hàng. Riêng Singapore do áp dụng thuế nhập khẩu 0% đối với toàn bộ các mặt hàng nên không có danh mục AISP. Như vậy, cho đến nay hầu như tất cả nước thành viên cũ của ASEAN đã gần như “xả cảng” đối với hàng hóa của VN. Thế nhưng hàng VN lại chưa tận dụng được lợi thế đó!
Theo Cơ quan thương vụ Thái Lan TP.HCM, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa VN và Thái Lan trong năm 2003 đạt 1,54 tỉ USD, trong đó Thái Lan xuất sang VN hơn 1,26 tỉ USD và chỉ nhập hàng VN hơn 331 triệu USD. Riêng trong bốn tháng đầu năm 2004, con số thống kê về tình hình xuất nhập khẩu giữa hai nước tiếp tục cho thấy sự mất cân đối. Cụ thể trong số trên 687 triệu USD kim ngạch xuất - nhập hai nước trong bốn tháng, Thái đã xuất sang VN với con số áp đảo hơn 568 triệu USD hàng hóa các loại, so với cùng kỳ tăng hơn 59%. Tương tự như vậy, với các thị trường Singapore, Malaysia...,VN cũng luôn ở trong thế nhập siêu!
Vì đâu việc thâm nhập hàng VN vào thị trường ASEAN lại quá khó như vậy? Theo một chuyên gia của Bộ Thương mại, do hàng của chúng ta vẫn chưa đa dạng về mẫu mã, hình thức, đặc biệt là giá cả chưa đủ lực để cạnh tranh với hàng cùng loại của các nước trên.
“Cùng một loại trái cây là thơm (khóm) nhưng Thái Lan đã cho ra gần 15 loại sản phẩm tiêu dùng khác nhau, trong khi đó xuất khẩu phần lớn ta chỉ có được một loại sản phẩm “thơm đóng hộp”. Chưa kể trái cây đóng hộp lại chưa hấp dẫn người tiêu dùng về hình thức bao bì” - vị chuyên gia này dẫn chứng.
Thâm nhập thị trường bằng cách nào?
Tuy nhiên vẫn có những mặt hàng của VN có thể cạnh tranh được và xuất khẩu vào các thị trường Thái Lan, Malaysia, song vấn đề là cách tiếp cận thị trường như thế nào.
Ông Vũ Đức Thịnh - phó giám đốc marketing, Công ty quạt điện Asia - cho biết: “Cách đây hơn một năm công ty đã xuất thử một lô hàng quạt điện sang thị trường Malaysia thông qua một đối tác. Mặc dù chúng tôi vượt qua một số hàng rào kỹ thuật và giá cả sản phẩm cũng dư sức cạnh tranh với hàng cùng loại ở thị trường này, nhưng thật bất ngờ chỉ duy nhất lần đó, cho đến nay chúng tôi vẫn chưa thể xuất lô hàng thứ hai sang thị trường này”.
Theo phân tích của ông Thịnh, nguyên nhân chính khiến sản phẩm của công ty chưa thâm nhập lâu dài vào Malaysia là do chưa tiếp cận được kênh phân phối. Vẫn theo ông Thịnh, tại những thị trường được xem là khá ổn định như Malaysia hiện nay phần lớn đều chịu chi phối bởi một vài công ty phân phối lớn và tiếp cận được các kênh phân phối này xem như đặt được một chân vào thị trường.
Tại một cuộc hội thảo xuất khẩu sang thị trường Singapore vừa được tổ chức tại TP.HCM ông Leon Khor - phó chủ tịch cấp cao Viện Thương mại quốc tế Singapore - đã gợi ý: để thâm nhập thị trường Singapore các doanh nghiệp VN cần tạo dựng một hình ảnh sản phẩm đặc thù gây ấn tượng đối với người tiêu dùng.
“Tại Singapore hiện nay nhiều nhà hàng kinh doanh phở của VN được mở tại đây và tạo ra hình ảnh đặc thù đối với loại thức ăn này tại Singapore. Và giờ đây khi nói đến phở bò hoặc trái thanh long là người Singapore nghĩ ngay đến VN. Vậy thì tại sao các bạn không tận dụng những lợi thế này để quảng bá thêm nhiều sản phẩm khác của VN đến người tiêu dùng Singapore” - ông Leon Khor nói.
Theo ông Leon Khor, nhu cầu nhập khẩu vào thị trường Singapore hiện nay rất lớn, năm 2003 tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu vào Singapore lên đến 223 tỉ USD. Đặc biệt là chính sách tạm nhập tái xuất của Chính phủ Singapore hiện đang thu hút rất lớn lượng hàng hóa từ các nước lân cận nhập về đây, sau đó xuất đi các nước châu Âu và Nhật Bản. Trong khi đó, hàng VN vào Singapore lại còn quá ít.
Một năm sau AFTA, hàng VN vẫn giữ vị trí “khiêm tốn” trên thị trường ASEAN. Điều này thật đáng suy nghĩ!?
Hàng VN vẫn chưa vào... ASEAN!Hiệp định về khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) đã được khởi động từ ngày 1-7-2003. Một năm qua, trong khi hàng các nước ASEAN đang ngày một tiến vào thị trường nội địa thì ngược lại hàng VN chỉ có những bước tiến rất chậm chạp vào thị trường ASEAN!
Bình luận hay