
Các bạn trẻ trở thành người lan tỏa giá trị hàng Việt trên sàn thương mại điện tử - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH
TikTok shop vừa đưa ra thông điệp cho năm 2025 "Hàng Việt vươn mình" trong kỷ nguyên số, tham gia có rất nhiều bạn trẻ kinh doanh sản phẩm Việt trên nền tảng bán hàng trực tuyến.
Liệu những câu chuyện về giá có còn khiến hàng Việt kém sức hút so với các sản phẩm giá rẻ, tràn lan từ chợ đời đến chợ mạng.
Nông sản, chiếu cói lên sàn đắt như tôm tươi
Về quê bắt đầu công việc lan tỏa nông sản quê nhà trên nền tảng số từ sau dịch COVID-19, cô gái Nguyễn Thị Tường Thảo (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) nhận thấy nông sản Việt Nam rất đa dạng nhưng không tiếp cận được với nhiều khách hàng.
Thảo kể lại ngày đầu về quê trong tay không có kinh nghiệm gì về kinh doanh, ngoài kiến thức về phân bón, thuốc trừ sâu… (PV - Thảo học chuyên ngành kỹ sư hóa học).
Thông qua các clip tự làm, Thảo xây dựng kênh Món lạ vườn nhà giới thiệu về các sản phẩm nông sản của Đà Lạt. Cái khó lúc bấy giờ là cách thức vận chuyển, nhiều bưu cục không nhận hàng nông sản. Thứ hai hàng gửi đi lâu ngày sẽ bị hỏng, tạo trải nghiệm không tốt cho khách hàng.
Đến hiện tại, khâu vận chuyển đã được giải quyết. Các sản phẩm nông sản có thể bán online là những loại có thể bảo quản lâu, vận chuyển trong 4-5 ngày như cà rốt, khoai tây, ớt chuông… Nông sản Việt được khách hàng đón nhận.
Thêm một mặt hàng mà ít ai nghĩ có thể bán đắt như tôm tươi trên sàn thương mại điện tử là chiếu cói truyền thống. Vốn đã có kinh nghiệm MMO (kiếm tiền online), anh Nguyễn Văn Tuân (Thái Bình) không gặp khó khi đưa sản phẩm quê hương lên sàn.
"Cái khó của bà con là làm ra sản phẩm đẹp nhưng không bán được giá tốt. Sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều cầu. Câu chuyện được mùa mất giá, thương lái thu mua giá rẻ không còn xa lạ.
Tấm chiếu đến tay người tiêu dùng thì giá đã đội 3 lần, khiến sản phẩm truyền thống khó cạnh tranh với hàng giá rẻ từ Trung Quốc sang. Đã có lúc nghề truyền thống tưởng chừng bị mai một", anh Tuân chia sẻ.
Từ lo lắng đó, anh Tuân mạnh dạn chia sẻ giá trị của tấm chiếu truyền thống Quỳnh Phụ (Thái Bình) đến với người dân một cách trực quan, sinh động qua các video. Khi hiểu một chiếc chiếu được làm ra như thế nào, khách hàng sẽ hiểu được giá trị và yên tâm về sản phẩm.

Cà phê đặc sản Khe Sanh sẽ có cơ hội được bán trên sàn thương mại điện tử Alibaba - Ảnh: HOÀNG TÁO
Hàng Việt có cạnh tranh?
Câu chuyện cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử là cuộc đua khốc liệt về giá, mẫu mã sản phẩm… Tuy nhiên, theo các kênh bán hàng Việt, khách hàng đang dần quan tâm hơn đến chất lượng, sống xanh, sống sạch thay vì giá cả.
Gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh về giá nhất có lẽ là nông sản Việt, theo Tường Thảo - chủ kênh Món lạ vườn nhà, nông sản Trung Quốc vốn cạnh tranh mạnh về giá từ các chợ truyền thống đến cửa hàng online.
"Câu chuyện về giá vẫn là một "nỗi đau" mà mình không thể giải quyết được. Nhưng đến nay vấn đề giá cả không quá quan trọng, khách hàng ngày càng quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn nên sẽ tìm đến nông sản sạch để họ mua.
Khi mình mang tâm huyết vào sản phẩm để chọn đi hướng phù hợp, không bán nhiều, không bán đại trà giá rẻ. Các sản phẩm ngon bổ thì không thể rẻ, ngon bổ phải đi tương ứng với giá trị", Thảo nói.
Việc cạnh tranh dựa vào cách nhìn nhận của khách hàng, cách xây dựng câu chuyện truyền thông cho người tiêu dùng về hàng sạch, ăn để tốt cho sức khỏe. Những nhà sáng tạo nội dung hướng đến các sản phẩm trong nước, bán hàng trong nước là đã ủng hộ bà con nông dân.
Theo anh Nguyễn Văn Tuân (chiếu cói Thân Vui), hàng Việt muốn cạnh tranh cũng phải tự thay đổi mình. Điều đầu tiên là phải biết lắng nghe, thay đổi theo nhu cầu, sở thích của khách hàng.
Chẳng hạn, trước đây làng nghề chỉ cung cấp các sản phẩm chiếu to có kích thước nhất định, thì hiện tại có thêm các loại chiếu nhỏ phù hợp với dân văn phòng, sinh viên…
Cùng với đó, sản phẩm Việt cần nâng cao giá trị của mình. Các sản phẩm truyền thống đều gắn với văn hóa của người Việt, đó cũng là thế mạnh để chúng ta tự tin cạnh tranh với các sản phẩm đại trà khác.
Bình luận hay