
Ông Nguyễn Đình Chữ (xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) phải bừa ruộng lúa lép hạt - Ảnh: DOÃN HÒA
Những ngày giữa tháng 5 là thời điểm người dân Nghệ An bước vào vụ thu hoạch lúa xuân. Thế nhưng trên nhiều cánh đồng lúa vẫn "đang đứng như trời trồng".
Gặt lúa non vì lép hạt
Huyện Yên Thành được xem là vựa lúa lớn nhất của tỉnh Nghệ An, với những cánh đồng bát ngát. Nhiều ruộng lúa vẫn đang xanh mướt, bông lúa vươn cao trắng xóa. Người dân địa phương gọi hiện tượng này là "trổ cờ" hoặc "lúa không chịu cúi đầu" vì trên bông toàn là hạt lép.
Dẫn chúng tôi ra ruộng lúa phất phơ bông, bà Nguyễn Thị Quý - ngụ xã Đồng Thành, huyện Yên Thành - cho biết vụ xuân năm nay gia đình bà trồng 8 sào lúa. Tất cả diện tích lúa đều trổ bông vào đúng dịp giá rét, bông lúa đều bị thâm đen.
"Từ giai đoạn gieo cấy đến thời điểm chuẩn bị trổ bông đều phát triển tốt, rất ít sâu bệnh. Tuy nhiên, khi lúa làm đòng thì bắt đầu phát triển chậm lại. Thậm chí cây lúa không chịu cúi đầu, vẫn đứng như trời trồng. Trên từng bông lúa chỉ lác đác ít hạt chắc, năng suất rất thấp. Năm sào coi như mất trắng", bà Quý buồn bã nói.
Cách ruộng lúa gia đình bà Quý không xa, ông Nguyễn Đình Chữ không khỏi xót xa khi phải thuê máy tới dập bỏ ruộng lúa lép hạt. Năm nay gia đình ông Chữ gieo cấy với diện tích một mẫu, đinh ninh giống mới cho năng suất cao.
"Gia đình xuống giống đúng lịch thời vụ, chăm sóc theo quy trình, nhưng không hiểu sao khi lúa trổ thì xảy ra tình trạng bông lép, không kết hạt. Bao nhiêu công sức, tiền phân bón đầu tư cho lúa đều mất cả rồi", ông Chữ than thở.
Gieo cấy bốn sào lúa nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Khương - ngụ xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, Nghệ An - cũng chỉ được thu hoạch gần một sào lúa thuần trổ sau ngày 15-4.
"Thời tiết năm nay dị thường so với các năm trước. Lúa trổ từ ngoài ngày 10-4. Thời kỳ làm đòng gặp đợt rét, cây lúa trổ chậm, không nhanh và thoát như bình thường. Bông lúa vẫn có phơi mao nhưng không cúi được. Bông rất nhiều hạt nhưng bóp thấy là hạt lép", ông Khương nói.
Nhiều hộ dân chấp nhận cắt lúa non, lúa mất trắng để làm thức ăn cho trâu bò để tập trung chuẩn bị sản xuất vụ lúa hè thu.

Nhiều hộ dân chấp nhận cắt lúa non, lúa mất trắng do lép hạt để làm thức ăn cho trâu bò để tập trung chuẩn bị sản xuất vụ lúa hè thu
Chưa kết luận lép hạt do giống
Vụ xuân năm nay huyện Yên Thành gieo cấy hơn 12.000ha lúa. Ghi nhận ở các vùng trồng, diện tích lúa bị thiệt hại chủ yếu xảy ra ở trà sớm, trổ trước ngày 20-4, các diện tích trổ sau ngày 20-4 bị thiệt hại nhẹ hơn.
Ông Lê Văn Hồng - trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Yên Thành, Nghệ An - cho biết năm nay do thời tiết âm u, lạnh kéo dài, ngày nắng ít nên đã kéo dài thời gian sinh trưởng của cây lúa. Một số diện tích lúa trổ gặp mưa rét, không có nắng nên trổ không bung thoát. Bông lúa chỉ trổ được khoảng 5-7cm trong khi bình thường lúa phải trổ thoát 20-30cm.
Thời gian trổ cũng kéo dài từ 10-15 ngày, trong khi bình thường lúa chỉ trổ trong 5-7 ngày. Nhiều diện tích bị thoái hóa đầu bông, hạt lép.
Qua thống kê ban đầu đến nay có trên 2.500ha lúa ở các địa phương Nghệ An bị lép hạt, tập trung nhiều ở các huyện Diễn Châu, thị xã Thái Hòa, Anh Sơn, Yên Thành, Nghi Lộc… Trong đó tỉ lệ lép hạt nhiều giống khoảng 40-60%. Cục bộ một số diện tích tỉ lệ bị lép lửng, không kết hạt trên 70%.
Ông Nguyễn Tiến Đức - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An - cho hay mất mùa là do nhiều yếu tố (tác động của thời tiết, ảnh hưởng của tiểu vùng khí hậu, thói quen gieo cấy sớm của bà con…). Do vậy, trước mắt chưa thể kết luận do giống.
"Ví dụ tại huyện Tân Kỳ, Anh Sơn đều bị đồng loạt trên các giống lúa. Hay như tại xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu có hai hộ cùng sử dụng cùng một giống lúa nhưng cho kết quả trái ngược. Nhà cấy đại trà thì lúa phát triển đều, năng suất ổn định. Nhà còn lại cấy trên phạm vi hẹp thì mất, lúa trổ không cúi", ông Đức nói.
Ngày 15-5, đoàn công tác Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã kiểm tra tình hình sản xuất lúa vụ xuân 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, từ đó sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các chuyên gia trong ngành, các nhà khoa học nhằm phân tích, đánh giá toàn diện tình trạng lúa trổ không cúi, tỉ lệ hạt lép cao.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An, vụ xuân 2025, nhiệt độ không khí trung bình thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Tần suất xảy ra các đợt không khí lạnh cao hơn. Từ tháng 1 đến đầu tháng 5-2025 có 14 đợt không khí lạnh, cường độ hoạt động mạnh hơn năm 2024.
Nhận định nguyên nhân thời tiết bất thuận ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và làm đòng của lúa, một số giống lúa mẫn cảm với điều kiện thời tiết hơn so với các giống khác.
Nguyên nhân chủ quan: Nông dân vẫn duy trì tập quán gieo cấy sớm hoặc không tuân thủ lịch thời vụ của tỉnh, huyện; một số vùng nông dân không tuân thủ cơ cấu giống của địa phương.
Bình luận hay