Đối với các trung tâm thương mại, siêu thị, ngoài việc tổ chức bán tại các điểm kinh doanh ở Hà Nội, cần tiếp tục đưa vào các kênh phân phối của đơn vị tại địa bàn các tỉnh thành khác.
Danh sách đầu mối thu mua vải thiều của Hải Dương cũng được cung cấp cho các đơn vị thương mại tại Hà Nội. Sở Công Thương Hà Nội còn đề nghị ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tạo điều kiện bố trí các khoảng đất trống trên địa bàn, trong chợ để doanh nghiệp, thương lái kinh doanh vải thiều của Hải Dương đưa xe về bán trực tiếp.
Sở cũng chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vải ở Hải Dương để đón các xe hàng, hướng dẫn vào các địa điểm bán hàng trên địa bàn; thực hiện kiểm tra, giám sát nguồn trái cây lưu thông trên địa bàn để tạo điều kiện cho vải thiều Hải Dương được bán trên địa bàn.
Vùng vải thiều Hải Dương rộng 11.000ha, tập trung trồng nhiều ở huyện Thanh Hà và vùng đồi Chí Linh, sản lượng quả đạt 50.000 tấn/năm.
Trong những năm qua, vải thiều Hải Dương chủ yếu tiêu thụ thị trường trong nước và xuất sang Trung Quốc; ngoài ra, một lượng nhỏ xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia…
Riêng thị trường Hà Nội được tiêu thụ thông qua các kênh chợ đầu mối hoa quả và siêu thị. Trong đó chợ đầu mối hoa quả Long Biên và Đền Lừ là nơi phát luồng tới các chợ trên địa bàn các quận, huyện, thị xã trong thành phố.
Trong các niên vụ vải trước, lượng vải lưu chuyển, tiêu thụ tại chợ Đền Lừ là 200 tấn, trong đó vải Thanh Hà chiếm 60 tấn; chợ Long Biên lưu chuyển, tiêu thụ 420 tấn, trong đó vải Thanh Hà chiếm 126 tấn.
Ngoài việc hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều Hải Dương, Sở Công Thương Hà Nội cũng chỉ đạo các doanh nghiệp, siêu thị, các chợ trên địa bàn thành phố hỗ trợ người dân tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải thiều Bắc Giang.
Bình luận hay