
Chiếc máy bay Boeing bị bỏ rơi tại sân bay Nội Bài từ năm 2007 - Ảnh: BẰNG GIANG
Báo cáo Bộ Xây dựng về phương án xử lý máy bay Boeing bị bỏ rơi tại sân bay Nội Bài, Cục Hàng không cho biết chiếc Boeing B727-200 số đăng ký XU-RKJ vốn thuộc sở hữu của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (quốc tịch Campuchia) bị sự cố đã đỗ tại sân bay Nội Bài từ ngày 1-5-2007.
Sau nhiều lần thông báo đến chủ sở hữu máy bay và các cơ quan liên quan của Campuchia, ngày 11-11-2014 Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng Campuchia thông báo: Giấy phép khai thác (AOC) của Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi; máy bay đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia từ 13-10-2008; Campuchia đồng ý để Việt Nam xử lý máy bay theo pháp luật Việt Nam.
Do vậy, phương án giao máy bay cho Học viện Hàng không Việt Nam làm mô hình, giáo cụ thực hành, thực tập trong cơ sở đào tạo chuyên ngành về hàng không được Cục Hàng không đánh giá là phù hợp.
Để mua máy bay làm mô hình dạy học phải nhập từ nước ngoài với các tiêu chuẩn hàng không thì chi phí ước tính khoảng 500 tỉ đồng. Trong khi đó, tháo dỡ, vận chuyển máy bay từ Nội Bài về lắp đặt tại cơ sở 3 của Học viện Hàng không tại Cam Ranh (Khánh Hòa) có chi phí 8,74 tỉ đồng, nếu chuyển về cơ sở tại Long Thành, tỉnh Đồng Nai có chi phí 9,66 tỉ đồng.
Theo Cục Hàng không, mặc dù máy bay Boeing 727-200 bị bỏ rơi tại sân bay Nội Bài không còn khả năng khôi phục tính năng bay nhưng lại là một tài sản có ích để sử dụng làm giáo cụ trực quan cho sinh viên.
Bởi máy bay vẫn còn đầy đủ các kết cấu như khung sườn, hàng ghế, buồng càng, buồng lái, các loại đồng hồ hiển thị, động cơ để phục vụ đào tạo các ngành: kỹ thuật hàng không, điện - điện tử, thương mại mặt đất phục vụ chuyến bay.
Đồng thời máy bay được sử dụng làm giáo cụ để đào tạo các ngành và các môn học như: tiếp viên hàng không, an ninh hàng không, kiểm soát viên không lưu, kiến thức cơ bản hàng không...
Bình luận hay