LTS: Đến với Festival diều quốc tế (khu du lịch Hồ Tràm, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) trong tư thế một du khách, đạo diễn Lê Quý Dương đã gửi cho Tuổi Trẻ bài viết kể về chương trình thả diều đêm Sắc màu không gian vào tối 26-3 và lễ khai mạc Festival diều quốc tế sáng 27-3.
![]() |
Vì sao lễ hội mang tính nghệ thuật và văn hóa cộng đồng lại được tổ chức “khu biệt” trong một khu du lịch? - Ảnh: L.Q.D. |
![]() |
Nghe đọc toàn bài |
Tôi đến Hồ Tràm lúc xế chiều, chưa kịp vui mừng đã nghe sự phàn nàn đến bức xúc của các nghệ nhân VN vì cách đối đãi của ban tổ chức. Các nghệ nhân quốc tế vừa tập trên bờ biển vừa có buffet ăn trưa và ăn chiều, trong khi đó toàn bộ nghệ nhân VN gồm một số tỉnh phía Bắc và Hà Nội, Huế và câu lạc bộ diều quận 8, TP.HCM bị bỏ đói dài.
Đói đến mức tôi hỏi Hoàng, một nghệ nhân trẻ của Huế, cảm xúc về festival thì câu trả lời rất ngắn gọn là “em đói lắm rồi”. Đói đến mức nhạc sĩ Lê Phùng - trưởng đoàn diều Huế - phải cùng nhiều nghệ nhân diều VN phẫn nộ phản ứng rằng nếu ban tổ chức khu du lịch Hồ Tràm ứng xử kiểu này họ sẽ bỏ về. Khi đó, nhân viên của khu du lịch mới được lệnh giám đốc đi mua cơm hộp cho các nghệ nhân, mỗi người lủi thủi một hộp cơm ngồi vất vưởng ăn ở góc này góc khác.
Lẽ ra họ chẳng phải lên tiếng vì chuyện miếng ăn miếng uống, nhưng không có gì để mua mà ăn trong khu du lịch Hồ Tràm ngoại trừ một nhà hàng với bảng giá tính bằng USD quá cao so với đời sống của một nghệ nhân diều trong nước. Tôi chỉ là một du khách bình thường tới tham dự festival, nhưng tự đáy lòng tôi thấy ban tổ chức cần phải xem xét lại thái độ của mình đối với những nghệ nhân VN đã đến tham dự festival và phải có sự xin lỗi họ trước công luận.
U ơi u ơi!
Đêm Sắc màu không gian dự kiến diễn ra lúc 19g nhưng đến quá 20g mới bắt đầu vì quá tải mất điện 5-6 lần. Rồi cuối cùng thì “sắc màu” cũng phải dừng lại giữa chừng vì một vị trong ban tổ chức của khu du lịch thốt lên trên micro rằng: “Các anh bên điện lực nói dây điện quá tải nóng đỏ rực lên rồi phải dừng thôi”. Và rồi lại xin lỗi, lại thông cảm, lại mong bỏ qua.
Nhưng dù sao chuyện mất điện vẫn còn có thể cảm thông được, vì ban tổ chức của khu du lịch dù có nổi tiếng là những chuyên gia tổ chức các sự kiện du lịch lớn vẫn có thể thiếu sót như bất kể một người làm sự kiện nào. Nhưng điều này có lẽ rất khó tha thứ. Những con diều rất đẹp của nghệ nhân các nước bay lên đã không được giới thiệu kỹ lưỡng như người xem mong đợi.
Tệ hại hơn nữa, kịch bản lời bình được đọc qua micro tậm tịt chữ được chữ mất. Âm nhạc cho từng chiếc diều biểu diễn lúc mở lúc tắt vô lối. Hai ngọn đèn pha chiếu lung tung trên trời chẳng biết phân biệt con diều nào của nghệ nhân nào, của nước nào, được sáng tạo ra sao? Có nghệ nhân nước ngoài thả diều mãi mà không thấy được giới thiệu thì lẳng lặng kéo diều xuống cất.
Tôi và nhiều du khách còn bức xúc hơn nữa khi nghe tiếng sáo diều của các nghệ nhân miền Bắc thường tạo nên tiếng “u ơi u ơi” trong gió mà được ban tổ chức khu du lịch giới thiệu qua micro cho du khách nghe là tiếng “u ơi” ấy giống như tiếng đứa trẻ khóc gọi “u ơi! u ơi!” để tỏ lòng thương tiếc người mẹ đã chết đi xa mãi không về!
Rồi những cánh diều rất tinh tế của những nghệ nhân Huế thì giới thiệu là do chim, phượng, công du nhập tới Huế mà nghệ nhân Huế làm nên cánh diều. Hiểu về diều như vậy, đối xử với diều và nghệ nhân làm diều như thế mà tổ chức một festival diều quốc tế là sao?
![]() |
Trong bóng tối trùm lên bờ biển Hồ Tràm tối 26-3, một thành viên trong ban tổ chức phải đứng giữa sân khấu giơ cao một vỏ chai nước kêu gọi mọi người tập trung về chỗ “cái vỏ chai nhựa” nhưng cũng chỉ thưa thớt người đến - Ảnh: L.Q.D. |
Lại xin lỗi và kết thúc lưng chừng
Thôi cứ coi chương trình “Sắc màu không gian” là chương trình chưa chính thức vì diễn ra tối 26-3 trước khi khai mạc, thiếu sót nên bỏ qua hết để dành tất cả hi vọng cho lễ khai mạc chính thức sáng hôm sau. Ban tổ chức ghi rõ chương trình khai mạc lúc 8g, vậy mà tới 10g mới bắt đầu. Nghệ nhân diều cả ta lẫn tây ngồi chui dưới những tán ô trốn nắng. Cũng còn chút may mắn là được ngắm những cánh diều trên bầu trời lộng gió.
Nhưng cái may ấy diễn ra không lâu vì chỉ được một lát thì dàn âm thanh hỏng không thể tiếp tục phát nhạc minh họa cho các bài biểu diễn diều của nghệ nhân và micro thì “chết” hẳn. Ban tổ chức lại xin lỗi, lại mong thông cảm, lại mong bỏ qua và một lần nữa lễ khai mạc sáng 27-3 giống như “Sắc màu không gian” tối 26-3, lại kết thúc lưng chừng do các nghệ nhân diều quốc tế không có ai ra thả diều nữa vì nắng nóng quá.
Để kết thúc, ban tổ chức cố đọc trên loa một câu với ý thế này: “Vì trời quá nắng nóng và có thêm trục trặc âm thanh nên lễ khai mạc xin dừng ở đây. Các nghệ nhân có thể thả diều tự do”. Mọi người lại ngán ngẩm ra về.
Và điều cuối cùng: nghệ thuật diều bao đời nay hình thành từ đời sống dân dã với những giấc mơ lãng mạn nhất của tuổi thơ con người. Sao trên bãi biển Hồ Tràm trong lễ hội thả diều ít tiếng cười và vắng bóng trẻ thơ quá. Tại sao một lễ hội mang tính nghệ thuật và văn hóa cộng đồng mạnh đến vậy lại được tổ chức “khu biệt” trong một khu du lịch 4 sao - nơi đông đảo người dân không được vào để cùng tham dự?
Không phủ nhận nỗ lực lớn của ban tổ chức khi mời được nhiều nghệ nhân thực thụ của 17 nước về tham gia, giới thiệu với người xem trong nước nhiều bộ sưu tập diều mới lạ, hấp dẫn, là festival diều quốc tế lớn nhất VN... nhưng vẫn có quá nhiều vấn đề ban tổ chức Festival diều quốc tế lần thứ nhất cần suy nghĩ và chuẩn bị để những lần tổ chức sau sẽ tốt hơn.
______________
Tin bài liên quan:
Festival diều quốc tế lớn nhất Việt NamChùm ảnh: Rực rỡ Festival diều quốc tế - Vũng Tàu 2009Khai mạc Festival diều quốc tế Vũng Tàu 2009Vũ điệu trên khôngPhóng sự ảnh: trời Biển Đông rộn sắc diềuBế mạc Festival diều quốc tế Vũng Tàu 2009
Bình luận hay