![]() |
Đường Vườn Lài, P.18, Q.Tân Bình, TP.HCM hư hỏng nặng (chụp lúc 10g20 ngày 4-4-2004) |
Nhiều tuyến đường xuất hiện vô số ổ gà nhưng không được duy tu kịp thời.
Cách đây ba tháng, một ổ gà ở ngã ba đường Ba Vân và Trương Công Định (Q.Tân Bình) chỉ bằng chiếc nón lá, nay nó đã “trương phình” gấp ba lần mà cũng không ai đến giặm vá.
Thấy vậy, bà con địa phương đã tự đổ xà bần để các phương tiện qua lại thuận tiện hơn. Đống xà bần sau đó trở thành bụi đỏ loang ra mặt đường và trả nguyên trạng cái ổ gà nằm giữa đường.
Trong khi đó đường Văn Cao (Q.Tân Phú) mặt đường hầu như nát bét mà không ai duy tu sửa chữa, người dân hỏi Phòng quản lý đô thị quận thì được chỉ lên Sở GTCC. Nhưng khi hỏi sở thì sở bảo đường do quận quản lý... và như vậy đường ngày càng nát... Còn biết bao con đường khác cứ hư hỏng dần qua mưa nắng mà không được duy tu kịp thời.
Theo ông Nguyễn Xuân Bảng - trưởng phòng quản lý giao thông, thời gian qua người dân nhiều địa phương đã phản ảnh về Sở GTCC tình trạng đường nhiều ổ trâu, ổ gà, ổ voi, cống nghẹt. Qua kiểm tra, sở xác định phần lớn các con đường này do địa phương quản lý.
Theo ông Bảng, việc phân cấp về các quận, huyện đã phát sinh nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm là các địa phương không quan tâm sửa chữa, không bổ sung đầy đủ biển báo, sơn đường, thậm chí có địa phương còn rào barie không cho ôtô vào.
Trong cuộc họp gần đây với Sở GTCC, nhiều địa phương cho rằng đã được phân cấp duy tu hệ thống hạ tầng nhưng lại không được tăng vốn hoặc cấp vốn quá chậm nên địa phương không đủ kinh phí duy tu sửa chữa. Một số quận huyện còn cho biết khối lượng quản lý cầu đường tăng lên trong khi phòng quản lý đô thị địa phương lại không tăng nhân sự nên không làm xuể.
Với biên chế hiện nay, phòng quản lý đô thị quận, huyện chỉ có 2 - 3 người vừa quản lý đường, cầu, vỉa hè, vừa quản lý cả lĩnh vực vận tải cho nên hầu hết tỏ ra chưa đủ sức thực hiện. Đại diện Q.10 nhấn mạnh yêu cầu là phải thực hiện duy tu nhanh trong 24 giờ, nhưng việc thanh toán kinh phí thì thủ tục tài chính quá nhiêu khê khiến đơn vị công ích về duy tu cũng nản lòng...
Có thể nói việc phân cấp quản lý duy tu sửa chữa hạ tầng từ sở về các quận, huyện chỉ đạt hiệu quả ở phương diện quản lý... vỉa hè bằng phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Theo đó, các quận 5, 6 và Phú Nhuận đã huy động người dân góp 30-50% kinh phí làm vỉa hè.
Việc phân cấp đường, cống thoát nước về quận, huyện đang làm hệ thống hạ tầng ở các địa phương ngày càng nhếch nhác hơn, trái với mục tiêu ban đầu của việc phân cấp là nhằm quản lý tốt hơn và nâng cao chất lượng công trình giao thông.
Chờ hư hỏng nặng... mới sửa Liên quan đến vấn đề phân cấp quản lý giao thông, ông Trần Quang Phượng - phó giám đốc Sở GTCC TP.HCM - nói: - Đúng là qua phản ảnh của nhân dân và kết quả khảo sát sơ bộ thì tình trạng đường sau khi phân cấp về quận, huyện quản lý có phần hư hỏng nhiều hơn. Nguyên nhân là do một số quận huyện chưa chủ động trong việc sửa chữa các hư hỏng. Có một số quận huyện quan niệm việc quản lý duy tu đường đồng nghĩa với việc sửa chữa nâng cấp trung tu đường. Do đó dẫn đến tình trạng chờ đường hư hỏng nặng mới sửa. Trong khi đó việc quản lý thực tế là việc tuần tra, kiểm tra và kịp thời sửa chữa ngay khi xảy ra hư hỏng mặt đường (dù chỉ là những ổ gà nhỏ) hoặc nạo vét cống thoát nước nhằm đảm bảo khả năng khai thác của hệ thống giao thông. Về vốn quản lý đường hiện nay tuy chưa được cung cấp đầy đủ theo đúng hạn ngạch duy tu, trung tu và sửa chữa lớn, nhưng nói không giao vốn thì chưa đúng lắm. Hằng năm, trong nguồn vốn chi thường xuyên, UBND TP.HCM đều giao cho từng quận huyện một khoản kinh phí cho công tác duy tu đường. TP cũng đã phân cấp cho mỗi quận huyện vốn xây dựng cơ bản 10 - 15 tỉ đồng để các quận, huyện chủ động giải quyết các dự án, công trình về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Chưa kể đến nguồn vốn tập trung cho các dự án đầu tư từng quận, huyện. Có một số quận, huyện đã dành một phần vốn này để giải quyết cho việc nâng cấp cầu, đường, thoát nước... nhưng phần lớn quận huyện chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề này. |
Bình luận hay