![]() |
Trống trơn đất dự án hai bên đường Điện Ngọc - Hội An! Ảnh: HC |
Những dự án du lịch… “treo” cùng năm tháng!
Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam vừa phải tiến hành một cuộc khảo sát “chẳng đặng đừng” về tình hình triển khai các dự án du lịch ven biển từ Điện Ngọc (Điện Bàn) đến Cửa Đại (Hội An) vốn là nơi được kỳ vọng sẽ trở thành “thiên đường du lịch”.
Kết quả cho thấy dọc tuyến ven biển dài khoảng 17km này gần như đã lấp đầy các dự án du lịch. Tuy nhiên trong số 29 dự án đăng ký đầu tư chỉ mới có 6 dự án đã, đang hoàn thành và đưa vào hoạt động!
Trong 23 dự án còn lại, 3 dự án đã có mặt bằng nhưng không ký quỹ đầu tư, không triển khai và hoàn tất thủ tục xây dựng; 1 dự án đã có mặt bằng, đã ký quỹ đầu tư nhưng không xây dựng công trình; 4 dự án có mặt bằng, đã ký quỹ đầu tư và đang tìm cách liên doanh; 4 dự án đã ký quỹ, đang lập và hoàn tất các thủ tục đất đai - xây dựng; 10 dự án vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; 1 dự án đã trả lại đất cho UBND thị xã Hội An. Nói cách khác, đây là những dự án đang bị… treo, thậm chí có dự án “treo” suốt từ năm 2003 đến nay!
Điển hình như khu đất 6ha nằm cuối phường Cửa Đại đã được giao cho Công ty cổ phần Dịch vụ hỗ trợ và phát triển đầu tư IOC. Nhưng sau 3 năm, tại đây chỉ mới dựng lên cái hàng rào bằng tôn. Cũng vậy, Công ty cổ phần Du lịch và dịch vụ Hội An được UBND tỉnh Quảng Nam thoả thuận giao 6,2ha đất ở phường Cửa Đại từ tháng 8-2003; quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật thi công ngày 5-4-2004; cho gia hạn thời gian khởi công và xây dựng công trình đến ngày 28-2-2006. Tuy nhiên, đến nay chủ dự án vẫn chưa ký quỹ đầu tư, chưa triển khai…
Một hiện tượng “nổi cộm” được Sở KH-ĐT Quảng Nam cảnh báo là lợi dụng cơ chế “trải thảm đỏ”, một số nhà đầu tư yếu kém về năng lực tài chính đã “xí phần” để hưởng những ưu đãi tuyệt đối về đất, rồi tìm mối sang nhượng, hoặc nâng chi phí xây dựng hạ tầng lên cao hơn thực tế rồi lấy chi phí đó… góp vốn liên doanh cùng đối tác…
Một thực tế nữa là diện tích trung bình của 29 dự án nêu trên chỉ 8,47ha/dự án; lớn nhất là khu du lịch The Nam Hải (42ha), nhỏ nhất là khu du lịch Bến Thành (chỉ 0,85ha). Ủy viên thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Hữu Hiệp nhận xét: “Mật độ dự án hơi dày, diện tích một số dự án quá hẹp. Ở phía đông (sát biển), nhiều nơi bố trí không gian quy hoạch chưa hợp lý, chưa quan tâm quy hoạch các khu cây xanh, khu vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng...".
Ông Trần Minh An thì dự báo trong tương lai những doanh nghiệp có năng lực tài chính mạnh muốn đầu tư xây dựng các khu du lịch 4 - 5 sao với diện tích đất từ vài chục đến vài trăm hecta sẽ không còn đất để bố trí. Đây cũng chính là hậu quả của việc quy hoạch du lịch thiếu tầm nhìn, không tính đến khả năng thu hút những dự án tầm cỡ.
Mất đất, mất nhà, mất kế sinh nhai, dân “treo” niêu
![]() |
Công việc đơn giản trong các khu du lịch: niềm mơ ước của lao động vùng biển Điện Ngọc - Hội An. Ảnh: HC |
Hiện việc xây dựng các khu tái định cư cho dân ở Điện Ngọc, Điện Dương (Điện Bàn) rất chậm, chưa kể hạ tầng thiết yếu phục vụ cuộc sống và sinh hoạt lâu dài cho hàng trăm hộ vẫn chưa đâu vào đâu. Hội An có 959 hộ bị ảnh hưởng, 232 hộ giải tỏa trắng nhưng về cơ bản, dân chưa được bố trí tái định cư.
Ông Nguyễn Văn Hải, chủ tịch UBND xã Điện Dương cho hay, trên địa bàn có 14 dự án du lịch chiếm gần 328ha/1.564ha đất tự nhiên toàn xã và 623 hộ dân bị ảnh hưởng. Theo quy định, số hộ đó không được cơi nới, xây dựng nhà cửa. Việc tách hộ, sang nhượng đất đai cũng gặp khó khăn do vướng chuyện bồi thường, giải tỏa, tái định cư…
“An cư” không xong nên chuyện “lạc nghiệp” càng khó mong đợi. Hội An hiện có hơn 900 hộ dân sống bằng nghề biển bị ảnh hưởng bởi các dự án. Nhưng trên hơn 7km bờ biển của thị xã, ngoài các dự án đã đăng ký chật ních ở phường Cửa Đại, trên bản đồ quy hoạch chỉ có một khu đất dành cho làng chài. Đó là khu làng chài và tái định cư rộng khoảng 49ha tại xã Cẩm An.
Tương tự, toàn xã Điện Dương có 6 thôn, trải dài theo 7km ven biển, với 665 lao động ngư nghiệp, 124 chiếc thúng máy (10 - 30 CV) và 32 phương tiện đánh bắt hải sản khác có công suất 25 - 45 CV. Bao đời nay, nghề biển là nguồn sống chủ yếu của hàng trăm hộ vùng bãi ngang. Thế nhưng trong quy hoạch chỉ dành khoảng 300m ven biển vừa làm bãi tắm Hà My, vừa làm làng chài!
Lão ngư Trần Văn Hai bức xúc: “Dân biển cả 6 thôn chỉ được quy hoạch một làng chài. Vùng biển ngang sóng gió bất thường, làm răng nhà của tui ở thôn 1 mà lại kéo thúng lên tận bãi thôn 6? Chưa kể lối ra biển của hàng trăm hộ dân xã Điện Dương chỉ là một con hẻm nhỏ nằm sát khu du lịch The Nam Hải nên người dân rất khó vận chuyển phương tiện ra biển!”.
Trước tình cảnh đó, người dân ven biển Điện Ngọc - Hội An chỉ còn trông chờ vào việc chuyển đổi ngành nghề, cụ thể là tìm được việc làm từ các khu du lịch mọc lên trên chính mảnh đất quê mình. Thế nhưng, những lao động vùng biển lại vướng phải một thực tế oái oăm là rất khó đạt tiêu chuẩn để được tuyển vào làm nhân sự phục vụ ở các khu du lịch cao cấp.
Tại Hội An, một số khu du lịch ven biển đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay nhưng chưa có người nào trong số 561 lao động bị ảnh hưởng bởi các dự án được tuyển dụng. Ở Điện Bàn, tuy có gần 100 lao động địa phương được giải quyết việc làm nhưng số lao động lớn tuổi (trên 40) nhàn rỗi quá nhiều, nhất là những ngư dân... xa biển. Dễ gì để kiếm được một suất làm việc trong các khu du lịch trước những điều kiện tuyển dụng như khả năng ngoại ngữ, kinh nghiệm công việc… mà nhà đầu tư đưa ra?
Bình luận hay