Anh N.T.T. và chị P.T.M. chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn và sinh được hai con. Anh T. thường uống rượu, chửi đánh vợ, chính quyền địa phương nhiều lần mời lên giáo dục nhưng anh T. vẫn không thay đổi. Ngày 19-9-2010, sau khi uống rượu về, anh T. đập điện thoại, chửi đánh và bóp cổ chị M.. M. vùng vẫy, bỏ chạy ra sau nhà. Nằm nghỉ khoảng 30 phút, M. nảy sinh ý định giết chồng. M. lấy búa đập vào đầu anh T. khiến anh tử vong. Sau đó, M. đến Công an xã Tân Lập tự thú.
Bước đường cùng
Phiên tòa sơ thẩm ngày 22-11-2010 tại TAND TP Cần Thơ. Đứng trước vành móng ngựa là một phụ nữ tuổi 35, đôi mắt trũng sâu quầng thâm đùng đục đỏ, khuôn mặt tái xám khiến bị cáo như già hơn chục tuổi. Chủ tọa phiên tòa hỏi hai con bị cáo sinh năm nào, bị cáo cũng không nhớ.
Vị nữ chủ tọa thở dài: “Tuổi của con mình mà cũng không nhớ nổi. Thế trước đây khi bị chồng đánh, bị cáo có báo với chính quyền địa phương không?”. Bị cáo đáp lí nhí: “Dạ, có báo hai, ba lần”. Bà thẩm phán phân tích: “Vợ chồng bao năm chung chăn gối đúng ra phải dùng lời lẽ ngọt ngào khuyên can chồng. Nếu chồng không hồi tâm chuyển ý thì nhờ chính quyền can thiệp. Còn nếu biện pháp này cũng không xong thì làm đơn ly hôn. Có nhiều cách lựa chọn nhưng bị cáo lại chọn cách phạm pháp”.
Khi được tòa hỏi, em ruột của bị hại trình bày: “Chị dâu đã hành động quá đáng. Yêu cầu tòa xử theo pháp luật. Mạng phải đền mạng”. Mặt bị cáo đỏ tái khi nghe lời nói của em chồng, những thớ thịt trên gương mặt giật giật, đôi tay run run. Tôi có cảm giác nếu kéo dài thêm chút nữa, người phụ nữ này sẽ đổ gục xuống.
Khi tòa tuyên bố mức án 7 năm tù, chị và em của nạn nhân hỏi thủ tục kháng cáo bởi cho rằng mức án đó quá nhẹ. Các cô chú quyết liệt đòi mạng phải đền mạng, trong khi hai đứa cháu - đứa lớn mới 10 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi - vừa mất cha lại đang vắng mẹ. Hiện cả hai đang được người dì nuôi dưỡng, đứa lớn đã phải nghỉ học.
Ly hôn để cứu con
Chị N.T.H.Y. ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ đã chọn phương cách mà chị cho là tốt nhất đối với mình: ly hôn. Chị và anh H. cùng học chung phổ thông rồi sư phạm. Ra trường, anh H. không đi dạy mà ở nhà lo chuyện đồng áng, còn chị vào dạy ở một trường gần nhà. Không ngờ anh lại sống bê tha, rượu vào là quát mắng, có lúc đánh đập vợ con. Khuyên mãi không được, lúc đầu chị định ly hôn nhưng sợ thiên hạ dị nghị nên cố gắng chịu đựng. Tuy nhiên chồng chị ngày càng say xỉn, sợ nhất là con trai chị ngày thì tỏ ra hung dữ, hỗn xược, đêm ngủ hay mớ và điểm số học tập ngày càng kém... Chị Y. quyết định ly hôn khi con trai lên 8 tuổi, bởi chị nghĩ nếu không cứu được cuộc hôn nhân thì chí ít mình phải cứu được cuộc đời con trai.
Buổi đầu rất khó, vì đồng lương giáo viên hơi eo hẹp, đổi lại chị được thoải mái tinh thần. Chị hướng con mình vào những trang sách văn học. Có khi trong mâm cơm mẹ con tranh luận về nhân vật mà mình yêu thích, điều trước đây quá xa xỉ đối với chị. Rồi chị mở thêm tiệm may, cuộc sống bắt đầu dư dả. Chị cùng con đi làm công tác xã hội vào những ngày nghỉ.
Chị tâm sự: “Muốn đem lại hạnh phúc, bình yên cho con cái trước hết bản thân mình phải hạnh phúc, bình yên. Ly hôn thật sự không đáng sợ nếu đó là giải pháp tốt cho mình. Dù cuộc hôn nhân của tôi thất bại nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc đời của tôi không thành công. Cuộc sống còn nhiều điều để mình quan tâm, con trai tôi đang học lớp 8, ước mơ làm kỹ sư xây dựng và thường thủ thỉ với tôi “sau này con sẽ xây một ngôi nhà thật đẹp tặng mẹ”. Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng khiến tôi thấy ấm lòng”.
Cai rượu cho chồng
Cùng ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre nhưng khác xã, vì thế khi anh Đoàn Văn Mèo đến dạm hỏi, chị Trần Thị Tâm không biết anh đánh bạn với ma men. Cách ngày cưới một tuần, chị bàng hoàng khi biết chồng tương lai suốt ngày say xỉn nhưng thiệp cưới đã gửi đi rồi, chẳng lẽ từ hôn.
Anh hiền lành, nhưng khi rượu vào là biến thành ác quỷ. Không biết bao nhiêu lần anh đánh chị những cú như trời giáng. Chị định ly dị nhưng nghĩ lại phải làm điều gì đó để cứu vãn. Nếu không xong, chừng đó ly dị cũng chưa muộn. Chị lên kế hoạch cai rượu cho chồng. Anh hái dừa thuê chỗ nào, chị theo đến chỗ đó, vừa phụ chồng một tay, vừa canh không cho chồng uống rượu. Khi những bạn nhậu đến rủ rê, chị nói thẳng: “Tôi không biết lúc trước ảnh nhậu như thế nào, nhưng giờ tôi hổng cho ảnh nhậu nữa”.
Mấy người bạn chưng hửng nói khích anh Mèo: “Đàn ông mà không uống rượu, lại sợ vợ là đồ gà mái”. Chị đáp lại: “Đàn ông không lo cho vợ con được là đồ gà trống thiến. Nếu mấy anh rủ ảnh nhậu, được thôi, đưa tiền đây cho tôi mua cơm gạo...”. Có người ỷ sức đàn ông kéo anh đi, chị níu tay anh lại quyết liệt: “Mấy anh không buông chồng tôi ra, tôi làm đơn thưa công an mấy anh rủ chồng tôi say xỉn để phá hoại gia cang chúng tôi”. Cánh bợm nhậu nghe thế dạt ra.
Chị ra điều kiện với những người chủ thuê anh bẻ dừa là nếu còn đãi rượu thì chị sẽ không cho anh đến làm nữa. Nhiều chủ dừa nghe thế quay sang ủng hộ chị. Anh vắng nhà vài tiếng, chị tất tả đi tìm. Những ngày đầu còn lạ nước lạ cái nên chị nhờ em chồng dẫn đường. Đến nơi chị ôn tồn khuyên chồng về. Nếu anh chần chừ, chị quyết liệt nói sẽ “đi báo công an”. Những “chiến hữu” của anh nghe vậy sợ rắc rối nên bảo anh về.
Chị một mặt nói lời hơn lẽ thiệt: “Rượu vào nói năng lảm nhảm, tôi không có sai quấy gì ông cũng đánh, bộ ông không thấy thương vợ con sao? Còn sức khỏe nữa, bạn của ông mấy người chết vì bị bệnh gan do rượu, ông không sợ sao? Ông chết rồi bỏ vợ con bơ vơ, ông không thấy tội nghiệp sao?”. Một mặt chị khéo léo cắt đứt những mối quan hệ của chồng có dính dáng đến đệ tử lưu linh.
Có lần thèm rượu quá anh lén chị đi uống. Chị buồn, giận bầm gan tím ruột nhưng không buông xuôi. Chị quyết liệt hơn: “Giữa gia đình và rượu, ông chỉ chọn một”. Chị nhớ lại: “Rượu độc hại y như ma túy. Nếu ổng cai không thành công coi như cả nhà tiêu tùng theo ổng. Lúc đó tôi mệt mỏi lắm, vừa chăm con nhỏ, vừa canh chừng ổng, vừa lo đàn vịt nhưng phải ráng, nếu không tan nát cả gia đình. Nếu ổng không bỏ được rượu là tôi bỏ ổng, chứ sống như thế tội nghiệp con cái lắm!”.
12 năm chung sống, gần bốn năm dùng chiến thuật vừa rắn vừa mềm, chị đã giúp chồng cai nghiện thành công. Tám năm qua, anh Mèo không đụng đến một giọt rượu.
Chị Trần Thị Tâm tâm sự cách cai rượu hữu hiệu nhất đối với anh có lẽ là tình chồng nghĩa vợ. Anh hái dừa mệt nhọc, chị quạt rồi mang nước đến cho anh uống. Chị nấu những món ăn chồng thích, nêm theo khẩu vị của chồng. Chồng bệnh một chút, chị tất tả đi mua thuốc. Chị thổ lộ: “Chỉ những lúc ngăn ổng uống rượu tôi mới lớn tiếng, chứ bình thường tôi nói chuyện với ổng rất nhẹ nhàng. Đàn ông ai không thích vợ mình dịu ngọt. Với lại vợ chồng mà, nhẫn nhịn nhau mới ăn đời ở kiếp được”. |
Bình luận hay