
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm "Cải cách hành chính - Kiến tạo không gian phát triển" vừa được tổ chức - Ảnh: BTC
"Việc sáp nhập các tỉnh đặt ra một vấn đề rất rõ ràng: đô thị hóa sẽ là một chủ đề nóng bỏng trong thời gian tới" - ông Nguyễn Quốc Khanh, chủ tịch AA Corporation - chia sẻ tại tọa đàm "Cải cách hành chính - Kiến tạo không gian phát triển" do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cùng Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) tổ chức ngày 9-7.
Dịch chuyển dân cư, dòng vốn
Việc sáp nhập hai tỉnh lân cận là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM sẽ tạo ra một siêu đô thị với quy mô chưa từng có tại Việt Nam, với diện tích hơn 6.700km², dân số khoảng 14 triệu người. Không chỉ là đô thị lớn nhất Việt Nam, TP.HCM mở rộng còn được kỳ vọng sẽ vươn lên nhóm đầu các đô thị tại Đông Nam Á.
Ông Đinh Hồng Kỳ, chủ tịch SACA, cho rằng siêu đô thị này đang phát triển theo ba cực rõ rệt gồm trung tâm tài chính - thương mại nằm tại lõi đô thị TP.HCM hiện hữu, khu công nghiệp - logistics quy mô lớn tại Bình Dương và hệ thống đô thị biển - cảng biển hiện đại ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cấu trúc này tạo ra một hệ sinh thái kinh tế liên vùng hiếm có, với năng lực thu hút đầu tư và dòng dịch chuyển dân cư mạnh mẽ từ các tỉnh, thành và quốc tế về TP.HCM mở rộng, nhờ quy mô đô thị lớn, đa ngành nghề, cơ hội việc làm và chất lượng sống được nâng cao.
Trước bối cảnh đó, đã có những dấu hiệu rõ rệt về sự thay đổi trong mô hình đầu tư. Nhiều nhà phát triển bất động sản lớn cả trong nước và quốc tế như Gamuda (Malaysia), đang muốn tham gia vào các dự án theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng).
Đây là mô hình được đánh giá có tiềm năng phát triển trong bối cảnh hình thành siêu đô thị.
Việc phát triển các mô hình TOD tại các đầu mối giao thông lớn sẽ không chỉ làm 'nóng' thị trường bất động sản, mà còn kéo theo nhu cầu bùng nổ đối với vật liệu xây dựng, nội thất và thiết kế đô thị hiện đại.
Một điểm đáng chú ý khác trong siêu đô thị là dòng dịch chuyển dân cư đang và sẽ diễn ra ở hai cấp độ. Thứ nhất là dân cư từ các tỉnh/thành và quốc tế về TP.HCM mới nhờ quy mô đô thị mở rộng, đa ngành nghề, cơ hội nghề nghiệp và chất lượng sống cao hơn.
Thứ hai, trong nội bộ TP.HCM hiện hữu, người dân cũng có xu hướng dịch chuyển ra các khu vực ven đô, nơi có không gian sống rộng rãi hơn, giá cả hợp lý hơn và hạ tầng đang dần được đầu tư đồng bộ. Sự dịch chuyển này sẽ làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc nhu cầu dân cư, kéo theo sự điều chỉnh trong mô hình đầu tư của các doanh nghiệp từ bất động sản, công nghiệp đến dịch vụ.
"Cuộc chơi trong một siêu đô thị mới đang ở trước mắt, thay đổi mô thức kinh doanh hiện tại, đồng thời kích hoạt sự xuất hiện của những mô hình đầu tư hoàn toàn mới"- ông Kỳ nói.
Bên cạnh đó, hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm cũng đang được triển khai hoặc thúc đẩy nhanh tiến độ đều đòi hỏi nguồn cung vật liệu xây dựng khổng lồ, mở ra thị trường sôi động cho ngành xây dựng, vật liệu, nội thất. "Tôi nghĩ đây là tiềm năng vô cùng lớn trong ngành xây dựng và vật liệu xây dựng" - ông thêm.

Một đoạn của tuyến metro số 1 tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Không thể tách rời môi trường và quy hoạch
Tuy việc mở rộng TP.HCM hứa hẹn tạo ra bước đột phá về không gian phát triển, nhưng theo các chuyên gia, đô thị hóa không thể chỉ chạy theo tăng trưởng mà bỏ qua yếu tố môi trường, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu trở thành vấn đề chung của toàn cầu.
Vì vậy trong quá trình phát triển siêu đô thị, việc xây dựng sân bay, cảng biển, khu đô thị mới, hệ thống cao tốc… đều phải đặt trong nguyên tắc "phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường và thích ứng khí hậu". Điều này đặc biệt quan trọng với ngành xây dựng và vật liệu, vốn tác động lớn đến môi trường trong cả giai đoạn thi công lẫn vận hành.
Ngoài ra thách thức trước mắt còn là sự cần thiết của việc điều chỉnh quy hoạch hậu sáp nhập nhằm lấp đầy khoảng trống pháp lý, tránh gián đoạn các hoạt động kinh tế - xã hội và đầu tư công.
Tiến sĩ Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhận xét quy trình lập quy hoạch ở Việt Nam hiện nay mất rất nhiều thời gian. Ví dụ, kế hoạch sử dụng đất hằng năm phải được phê duyệt trước ngày 31-12 của năm trước, để có thể triển khai trong năm kế tiếp. Tuy nhiên trên thực tế, thường đến tháng 7 hoặc tháng 8 kế hoạch mới được thông qua, thậm chí có năm phải chờ đến… tháng 12. Đây chính là một điểm nghẽn đang làm giảm hiệu quả của công tác quy hoạch.
Ông đề xuất nên xem siêu đô thị TP.HCM hiện nay như phiên bản mở rộng của TP.HCM cũ. Trên cơ sở đó, lấy bản quy hoạch TP.HCM đang có làm nền tảng, sau đó điều chỉnh mở rộng ranh giới để tích hợp thêm khu vực Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc này được kỳ vọng 'nhanh và hiệu quả hơn' so với việc lập mới hoàn toàn hoặc phải hợp nhất cả ba quy hoạch trước đây.
Bình luận hay