
Khách quốc tế Hàn Quốc chụp ảnh lưu niệm, thích thú với tên phường mới ở TP.HCM nên không ít doanh nghiệp lữ hành lên kế hoạch làm mới sản phẩm tour gắn với lịch sử phường Sài Gòn, phường Chợ Lớn, phường Gia Định... - Ảnh: THẢO THƯƠNG
Theo các doanh nghiệp, đây là lúc để nhìn lại chiến lược, tối ưu hóa hoạt động, nguồn lực và tìm kiếm những vùng đất màu mỡ cho tương lai.
Tái cơ cấu mô hình hoạt động
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - phó tổng giám đốc Vietravel - cho biết khi các đơn vị hành chính sáp nhập, Vietravel cũng xác định lại và thay đổi cách nhìn về thị trường, đánh giá lại tiềm năng du khách, cách xây dựng sản phẩm.
Theo bà Hoàng, việc các địa phương sáp nhập buộc Vietravel phải tái cấu trúc toàn bộ mạng lưới sản phẩm, định vị lại sản phẩm liên vùng, kết nối xuyên suốt giữa thành thị và vùng ven. Đồng thời doanh nghiệp này cũng tái cơ cấu toàn bộ hệ thống hoạt động từ các chi nhánh, cách vận hành mạng lưới để xác định lại nhóm khách mục tiêu.
Theo bà Hoàng, ngay khi có chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính, Vietravel đã tiến hành rà soát, tái phân bổ địa bàn phụ trách của từng chi nhánh, cập nhật lại bản đồ kinh doanh theo khu vực hành chính mới, đồng thời nâng cấp hệ thống dữ liệu để quản lý theo cấu trúc mới.
"Chúng tôi sẽ chủ động làm việc với chính quyền các địa phương vừa được sáp nhập để phối hợp trong việc phát triển sản phẩm mới, triển khai các chương trình kích cầu nội vùng, kết nối lại hệ sinh thái du lịch bản địa như lưu trú, điểm tham quan, dịch vụ vận chuyển...", bà Hoàng nói.
Cơ hội làm mới sản phẩm
Chia sẻ những dự định mới cho "chiếc áo" du lịch của công ty du lịch chuyên thị trường inbound (phường Xuân Hòa, TP.HCM), chị Hoài Thu - đại diện truyền thông - cho biết khi TP.HCM như một siêu đô thị du lịch, cơ hội lớn cho công ty tận dụng hạ tầng du lịch để làm mới sản phẩm.
"Hạ tầng không chỉ là đường sá hay bến bãi mà là sự tích hợp giữa hạ tầng số như dữ liệu du khách, trải nghiệm ảo, thanh toán thông minh hay hạ tầng mềm như cộng đồng sáng tạo, mạng lưới nghệ sĩ, khối doanh nghiệp khởi nghiệp dịch vụ và cả hạ tầng chính sách như mô hình sandbox cho du lịch thử nghiệm", chị Hoài Thu nói.
Ngoài ra chị Thu cho rằng khi TP.HCM khoác "áo mới", du lịch của đơn vị sẽ tái cấu trúc lại, cụ thể là liên kết các ngành như công nghệ, giáo dục, tài chính, văn hóa, giao thông để tạo ra chuỗi sản phẩm tour mà có thể tác động chéo.
Chị Thu lấy ví dụ: "Một tuyến metro không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là trải nghiệm văn hóa sống; một không gian công cộng không chỉ để tụ tập mà là nơi tương tác giữa cư dân và du khách.
Khi du lịch TP.HCM có thể bước vào giai đoạn định vị lại, không phải định vị bằng khẩu hiệu mà bằng năng lực tổ chức trải nghiệm đô thị đa chiều, cá thể hóa và liên tục tái tạo để hấp dẫn du khách. Nên các sản phẩm đơn thuần là hành trình điểm đến sắp tới chúng tôi sẽ thiết kế tour có chiều sâu hơn".
Đỡ rào cản về thủ tục hành chính
Ông Nguyễn Đặng Hiến - tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh - cho biết doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc mở thị trường mới, tìm kiếm các đối tác mới và hệ thống lại các đại lý.
Theo ông Hiến, việc tạo các điều kiện về địa chỉ, đăng ký kinh doanh, thủ tục hành chính… giai đoạn này là hết sức cần thiết để doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hải - tổng giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa - cho biết việc thay đổi thông tin doanh nghiệp liên quan đến sáp nhập là điều bình thường và doanh nghiệp đang dần thích nghi, chuyển mình cho phù hợp để hoạt động được hiệu quả hơn.
Ông Hải cho rằng có những khó khăn nhất định về thị trường khi các điểm bán, tạp hóa giảm quy mô hoạt động nhưng việc thay đổi, chuyển đổi là điều nên làm, để kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.
Trong khi đó, bà Huỳnh Ngọc Bích Đào - tổng giám đốc Đồng Xanh Farm (Lâm Đồng) - cho biết đặc thù hoạt động trong ngành nông nghiệp, liên quan đất đai nhưng mọi hoạt động của đơn vị diễn ra bình thường sau sáp nhập.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chủ động thay đổi thông tin cần thiết. "Nếu các khâu triển khai thông suốt, tăng cường áp dụng khai báo online cho nhiều thủ tục thì doanh nghiệp, người dân sẽ khỏe hơn, không phải di chuyển xa đến trung tâm hành chính khi sáp nhập", bà Đào nói.
Còn ông Nguyễn Phương Bình, chủ một doanh nghiệp tại TP.HCM, đánh giá sau sáp nhập là cơ hội để đơn vị tính toán kế hoạch và kỳ vọng phát triển tốt hơn.
"Chúng tôi đều hoạt động ở cả ba địa phương là Bình Dương, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, nên khi các tỉnh thành sáp nhập chúng tôi sẽ giảm văn phòng đại diện, đầu mối, điều này giảm chi phí", ông Bình nói.
Ngoài ra theo ông Bình, nếu hạ tầng giao thông, viễn thông và các dịch vụ công cộng có thể được cải thiện tốt sau sáp nhập thì giúp ích được rất nhiều cho doanh nghiệp trong việc luân chuyển hàng hóa, kinh doanh và phân phối được nhịp nhàng hơn, đỡ rào cản về thủ tục hành chính như trước.
Ngành điện tinh gọn mô hình
Với các doanh nghiệp đặc thù như ngành điện, ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) - cho biết khi Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sáp nhập vào TP.HCM, ngành điện TP cũng tiếp nhận công ty điện lực hai tỉnh này vào điện lực TP.
Theo đó, các đơn vị trên sẽ hoạt động theo mô hình của điện lực TP và ngành điện cũng tái cơ cấu các đơn vị thành viên để sẽ còn lại 15 công ty điện lực trực thuộc EVNHCMC, đảm bảo hoạt động hiệu quả, tinh gọn.
Trong khi đó, đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho hay đơn vị này đã chủ động triển khai công tác sắp xếp, sáp nhập các công ty điện lực thành viên đồng bộ với việc sáp nhập, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Kỳ vọng vào số hóa thủ tục
Ông Ôn Như Bình, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty cổ phần EMDDI (nền tảng điều vận vận tải cho các hãng như XanhSM, Taxi Group, Lado...), cho biết công ty đã phải chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh thành trong nhiều tháng qua.
Công ty đã xây dựng ứng dụng hỗ trợ cá nhân và doanh nghiệp tra cứu địa chỉ cũ - mới và tự động chuyển đổi tài liệu điện tử để giảm tải áp lực cập nhật cho từng bên liên quan.
Ông Bình kỳ vọng vào việc số hóa các thủ tục. "Cần có các buổi livestream tuyên truyền và hướng dẫn chi tiết theo chuyên đề về các luật có hiệu lực từ 1-7 cho doanh nghiệp và người dân cũng như có phương án triển khai đồng bộ mã bưu chính (Zip Postal Code) kết hợp với bản đồ số chung của quốc gia để tạo sự thống nhất và dễ dàng tra cứu" - ông Bình nói.
Bình luận hay