
Cựu bí thư Bến Cát, tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Khanh - Ảnh: T.D.
Ngày 14-5, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can Nguyễn Hồng Khanh, cựu tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Bình Dương, cựu bí thư Bến Cát.
Lý do đình chỉ điều tra bị can do "chuyển biến tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Khanh cho biết ông đã nhận quyết định đình chỉ điều tra vào sáng cùng ngày.
Ngoài ông Khanh, một số bị can khác liên quan đến vụ án cũng được đình chỉ điều tra, trong đó có ông Lê Hoài Linh, cựu giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Bến Cát.
Điều đáng chú ý, trước khi được đình chỉ điều tra bị can, ông Nguyễn Hồng Khanh bị cơ quan điều tra thay đổi tội danh từ tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" sang tội "vi phạm các quy định về quản lý đất đai".
"Tôi rất bất ngờ khi nhận được quyết định thay đổi tội danh và quyết định đình chỉ điều tra cùng trong một ngày" - ông Khanh cho biết.
Như vậy, với quyết định đình chỉ điều tra, vụ án liên quan đến cựu bí thư Bến Cát khép lại sau 7 năm khởi tố (từ ngày 10-8-2018).
Vụ án đã qua hai cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm nhưng nhiều lần bị trả hồ sơ điều tra. Ông Khanh và gia đình liên tục kêu oan, cho rằng ông Khanh "bị trù dập".
Cựu bí thư Bến Cát kêu oan kể từ khi bị khởi tố
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, ông Nguyễn Hồng Khanh và gia đình mua đất của bà Hồ Thị Hiệp (ngụ xã An Tây, thị xã Bến Cát, đã mất) từng được thế chấp ngân hàng. Ông Nguyễn Hồng Khanh bị điều tra với cáo buộc "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Tuy nhiên, ông Khanh kêu oan.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương đã trả lời cơ quan điều tra, cho biết tổ giám định không thực hiện giám định đối với cả hai yêu cầu giám định của cơ quan điều tra.
Đối với quy định nội bộ của Ngân hàng BIDV, không thuộc quy chuẩn chuyên môn được áp dụng cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, nội dung yêu cầu giám định thiệt hại vượt quá phạm vi chuyên môn, khả năng nghiệp vụ của người giám định tư pháp của Ngân hàng Nhà nước, vốn thuộc trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền giải quyết vụ việc…
Bình luận hay