![]() |
Bài Kiểm lâm “làm luật” được đăng trên số báo ra ngày 3-10-2011 |
Ngoài sở trường là thông tin nhanh, bạn đọc yêu mến Tuổi Trẻ ở tính chiến đấu, không khoan nhượng trước cái xấu, cái ác trong xã hội. Thời gian qua, Tuổi Trẻ hơi nhạt phai mảng điều tra lớn, phóng sự của Tuổi Trẻ hiện dừng lại ở những vấn đề nhỏ. Độc giả đòi hỏi bài vở của Tuổi Trẻ phải mạnh mẽ dù chúng tôi biết các bạn gặp không ít khó khăn trong quá trình phản ánh đầy đủ sự thật.
Xã hội hiện nay có quá nhiều điều nghịch lý, người có tiền mua cả biệt thự triệu đô, hơn cả cầu thủ danh tiếng ở nước ngoài, mua xe vài tỉ cho đến vài chục tỉ đồng, nhậu một bữa vài chục triệu đồng, còn người nghèo phải lo từng bữa, sống hôm nay mà phải lo cho ngày mai. Nếu đại gia làm ăn chân chính thì phải khen họ làm ăn giỏi, nhưng nếu không thuộc diện này thì tiền ở đâu ra?
Ngành y tế luôn nói không với nạn phong bì nhưng nhiều bác sĩ, điều dưỡng viên lại sống bằng cách này hơn là trông chờ vào lương. Nếu không đưa tiền lót tay thì người nhà bệnh nhân sao dám yên tâm đây. Tới nhiều nơi khác, làm giấy tờ, cái gì cũng phải có tiền mới nhanh, còn không thì đợi đấy. Thiệt hại luôn thuộc về người trung thực, trung thành, không muốn làm hư hỏng cán bộ.
Để có những bài hay, phóng sự tốt có tính xã hội cao, báo Tuổi Trẻ nên thường xuyên mở cuộc thi viết phóng sự để thu hút bài viết có nội dung tốt, chứ không nên ỷ vào phóng viên hoặc cộng tác viên. Theo tôi, cuộc thi nên tổ chức một năm hai lần, một lần trao giải vào ngày 21-6, cuộc thi thứ hai trao giải vào cuối năm. Ngoài phóng sự phản ánh về tiêu cực, Tuổi Trẻ cần tổ chức nhiều cuộc thi khác như: bài viết hay trong tháng cho bạn đọc, hay cuộc thi viết về tình đầu, về cha mẹ...
Điều có lẽ động chạm nhiều nhưng tôi phải nói là vấn đề chống tham nhũng. Những vụ án tham nhũng mà báo viết trong thời gian qua đa số đã có kết luận của các cơ quan chức năng. Ai cũng biết tham nhũng khó phát hiện, tinh vi mà đa số các vụ án này đều liên quan tới người có chức có quyền, nhưng tôi tin với vai trò tiên phong, kinh nghiệm bản lĩnh và trách nhiệm của mình, báo sẽ đưa nhiều hơn nữa kiểu như loạt bài: cảnh sát giao thông làm luật, kiểm lâm làm luật... Tôi thiết nghĩ tham nhũng dù lớn hay nhỏ cũng làm xấu và ảnh hưởng đến quốc gia, quan trọng lắm khi vấn nạn này đã được xác định và là trọng tâm của nghị quyết trung ương 4. Rất mong báo Tuổi Trẻ hãy góp sức đẩy lùi nạn này.
Về các chuyên mục mà báo hiện có tôi thấy đã tương đối đầy đủ và bao quát, tuy nhiên báo nên mở một chuyên mục về người khuyết tật. Người lành lặn, sống và làm việc cho tốt đã là một nỗ lực lớn nhưng với người khuyết tật thì đó là một nỗ lực phi thường đáng nể lắm, họ là người khuyết tật đã vượt qua số phận và sống có ích. Hãy đưa nhiều hình ảnh như vậy để nhiều người thương nhau hơn và sống nhân ái hơn.
Báo nên có mục “tin vui”, “tin buồn”
Trong các báo in hằng ngày tôi thường xuyên đọc báo Tuổi Trẻ. Báo có lượng phát hành cao, nội dung phong phú với nhiều mục, nhưng đáng tiếc là không có loại thông tin rất cần cho mọi người là tin buồn (người qua đời) và tin vui (hôn nhân, sinh nhật, thi đỗ, được giải thưởng...). Tôi cũng như nhiều người có nhu cầu tìm đọc mục “tin buồn” ở các tờ nhật báo để biết có bạn hay người thân nào vĩnh biệt cuộc sống.
Nhân dịp báo Tuổi Trẻ trưng cầu ý kiến bạn đọc, tôi tha thiết đề nghị báo bổ sung loại thông tin này, có thể những trang “cần biết”. Lúc đầu việc đăng tin buồn, tin vui chủ yếu nhằm cung cấp thông tin, có thể đưa lại những tin đã đăng trên báo khác. Sau một thời gian, loại tin này thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc thì việc đưa tin có thể mang tính chất dịch vụ có thu tiền của người muốn đăng.
Bình luận hay