TTCT - DeepSeek cho thấy mô hình mã nguồn mở có thể là chìa khóa đẩy nhanh tốc độ tiến bộ của trí tuệ nhân tạo (AI) và mở rộng khả năng tiếp cận cho tất cả. Ảnh: Unsplash/ Google DeepmindDeepSeek - công ty AI của Trung Quốc thành lập từ năm 2023 - trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng công nghệ thế giới vào đầu năm nay khi công bố mô hình DeepSeek-R1 với khả năng lý luận mạnh mẽ, chi phí phát triển thấp, và mã nguồn mở hoàn toàn công khai.Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đây là "lời cảnh tỉnh" dành cho các công ty công nghệ nước nhà, và nhiều nơi so sánh nó với "khoảnh khắc Sputnik" khi Liên Xô vượt mặt Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên đưa vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo Trái đất năm 1957. Dù còn nhiều tranh cãi về DeepSeek xoay quanh vấn đề bảo mật và kiểm duyệt thông tin, mô hình AI mã nguồn mở mà công ty này theo đuổi được trông đợi sẽ giúp biến giấc mơ phổ cập AI trở thành hiện thực."Mở" là tái tạo đượcKhác với các công ty như OpenAI (ChatGPT) hay Anthropic (Claude) giữ kín mô hình, tập dữ liệu hoặc các thuật toán đằng sau AI của họ, DeepSeek chọn cách tiếp cận mã nguồn mở, tức bất cứ ai cũng có thể xem, tải về, sao chép và phát triển thêm dựa trên mã nguồn của các mô hình mà công ty này phát triển.Một số mô hình AI của các ông lớn công nghệ như Meta hay Google cũng "mở" cho công chúng xem, nhưng không được gọi là mã nguồn mở đúng nghĩa vì việc sử dụng chúng bị hạn chế bởi giấy phép, trong khi bộ dữ liệu đào tạo cũng không được công khai.Theo định nghĩa của Sáng kiến mã nguồn mở (OSI), một hệ thống AI được xem là mã nguồn mở khi nó hội đủ 4 yếu tố: có thể được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào mà không cần xin phép; có thể nghiên cứu cách hệ thống hoạt động và kiểm tra các thành phần của nó; cho phép chỉnh sửa hệ thống cho bất kỳ mục đích nào, bao gồm thay đổi đầu ra; và cho phép chia sẻ hệ thống đến người khác để sử dụng mà có sửa đổi hoặc không, cho bất kỳ mục đích nào.Theo tạp chí MIT Technology Review, để đi đến định nghĩa này, OSI đã tham khảo ý kiến của một nhóm gồm 70 nhà nghiên cứu, luật sư, nhà hoạt động, cùng đại diện các công ty công nghệ lớn như Meta, Google và Amazon.Một cách khái quát, định nghĩa của OSI đòi hỏi các mô hình AI mã nguồn mở cung cấp đủ thông tin để "một người có kỹ năng có thể tái tạo một hệ thống tương đương đáng kể bằng cách sử dụng cùng một dữ liệu hoặc dữ liệu tương tự", theo Ayah Bdeir, một cố vấn cấp cao cho Mozilla và là người tham gia quá trình soạn thảo định nghĩa của OSI.AI cho tất cảRa mắt ngày 10-1-2025, DeepSeek nhanh chóng trở thành ứng dụng di động được tải về nhiều nhất trên cửa hàng App Store của Apple tại Mỹ tính đến ngày 27-1, đồng thời cũng nằm trong tốp lượt tải trên cửa hàng Goole Play, theo chuyên trang tài chính Briticanica Money của Bách khoa toàn thư Briticanica.Màn chào sân của DeepSeek cũng thổi bay 589 tỉ USD vốn hóa của Nvidia trong ngày 27-1 khi giá cổ phiếu của nhà sản xuất chip bán dẫn Mỹ giảm 17% - cú rớt giá lớn nhất trong một ngày đối với bất kỳ công ty đại chúng nào trong lịch sử chứng khoán Mỹ, theo tạp chí Forbes.Một bài phân tính đăng trên trang chủ của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đánh giá sự trỗi dậy của DeepSeek có thể sẽ là bước tiến lớn trong việc "dân chủ hóa AI", cho phép các công ty nhỏ hơn, các công ty start-up và những nhà phát triển cá nhân có thể xây dựng mô hình của riêng mình dựa trên DeepSeek-R1.Theo đó, một cách tiếp cận AI-cho-tất-cả bình đẳng hơn có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở những khu vực có khả năng tiếp cận hạn chế với các công nghệ tiên tiến, đồng thời đẩy nhanh tiến bộ trong công nghệ AI nói chung. Thay vì xây dựng mô hình từ con số không, các nhà phát triển có thể dành nguồn lực để tạo ra các ứng dụng chuyên biệt, mở khóa sức mạnh của AI để giải quyết các vấn đề trong thế giới thực.DeepSeek - Ảnh: REUTERSNgoài ra, mô hình mã nguồn mở tạo cảm giác đáng tin cậy hơn vì tất cả mọi người đều có thể kiểm tra và đánh giá dữ liệu đào tạo, WEF lưu ý. Điều này đặc biệt quan trọng khi trong thực tế việc thiếu minh bạch xung quanh dữ liệu đào tạo được sử dụng cho nhiều mô hình AI hàng đầu hiện nay là nguồn cơn của các vụ kiện chống lại các công ty phát triển."DeepSeek đang khiến ngành công nghiệp AI phải suy nghĩ lại về khả năng cạnh tranh. Cách tiếp cận mã nguồn mở và tiết kiệm chi phí rõ ràng của nó phá vỡ các quan niệm truyền thống và thúc đẩy các quốc gia suy ngẫm về những gì thật sự tạo nên thành công trong kỷ nguyên AI" - WEF nhấn mạnh.Thay đổi nằm ở hiệu suấtCho đến gần đây, người ta vẫn tin Washington có lợi thế quyết định trong cuộc đua AI một phần là do các công ty Mỹ được tiếp cận với những con chip hiệu suất cao đến từ những nhà cung cấp hàng đầu như Nvidia. Để duy trì lợi thế trong cuộc đua, chính quyền cựu tổng thống Mỹ Joe Biden đã triển khai các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để ngăn Trung Quốc mua các bộ xử lý GPU tiên tiến này.Tuy nhiên, sự xuất hiện của DeepSeek-R1 đặt ra nghi vấn về giả định đó: dù có khả năng tiếp cận hạn chế đối với chip Mỹ, các công ty AI Trung Quốc dường như vẫn có cách phát triển các mô hình AI mạnh mẽ với chi phí và yêu cầu về năng lực tính toán thấp hơn đáng kể.Theo tạp chí Foreign Policy, một trong những bí quyết nằm ở chỗ DeepSeek-R1 sử dụng kiến trúc máy học "hỗn hợp chuyên gia" (mixture of experts - MoE), chia một mô hình AI lớn thành các mạng con nhỏ hơn hay còn gọi là các "chuyên gia". Khi nhận yêu cầu, DeepSeek-R1 chỉ cần kích hoạt các chuyên gia có liên quan đến một nhiệm vụ nhất định, giúp giảm đáng kể chi phí tính toán. Hiểu nôm na giống như để trả lời câu hỏi về lịch sử thì chỉ cần hỏi nhà sử học chứ không cần viện đến kiến thức của nhà vật lý học.Bước qua năm 2025, sự thay đổi rõ rệt nhất trong cuộc đua AI chắc chắn nằm ở mặt hiệu suất. Các nhà nghiên cứu DeepSeek đã tìm ra cách để có được nhiều sức mạnh tính toán hơn từ mỗi con chip Nvidia. Và do mã nguồn của họ là tài sản chung của cộng đồng, các công ty nhỏ hơn trên toàn thế giới giờ đây sẽ có thể sao chép các thuật toán chi phí thấp và tiếp tục đổi mới chúng để đạt được hiệu suất cao hơn nữa trong tương lai, theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS).Làn sóng các ứng dụng AI tiếp theo - đặc biệt là những mô hình nhỏ và chuyên biệt hơn - được dự báo sẽ có giá cả phải chăng so với các mô hình hiện hữu, thúc đẩy sự cạnh tranh trên thị trường. Cũng theo CSIS, việc Trung Quốc cho phép mã nguồn mở đối với mô hình AI được đánh giá là tiên tiến nhất của mình mà không sợ mất đi lợi thế cho thấy Bắc Kinh hiểu được logic của cạnh tranh AI: mỗi cải tiến của một trong các bên tham gia sẽ đóng góp vào sự phát triển chung của AI toàn cầu, và ngay cả các đối thủ cạnh tranh cũng có thể lặp lại những tiến bộ đã được chia sẻ công khai."Điều này dẫn đến vòng đời công nghệ nhanh hơn và áp dụng rộng rãi hơn, ưu tiên những bên có cộng đồng doanh nghiệp năng động, phòng nghiên cứu cao cấp và mạng lưới vốn đầu tư mạo hiểm mạnh mẽ" - CSIS nhận xét.Cuối cùng, những người chiến thắng thật sự trong cuộc đua giữa DeepSeek và các ông lớn AI sẽ là người dùng. Muốn thay đổi xã hội, AI trước hết cần phải rẻ, phổ biến và nằm ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ một quốc gia hay công ty nào. Thành công của DeepSeek cho thấy nhân loại có thể hình dung ra một thế giới như vậy."Trong vài năm qua kể từ khi cơn sốt AI bắt đầu lan tỏa, các phòng thí nghiệm AI lớn nhất của Mỹ đã cạnh tranh để tạo ra những cải tiến ngày càng nhỏ về chất lượng của các mô hình của họ, thay vì các mô hình rẻ, nhanh và tốt. DeepSeek cho thấy có một cách làm khác tốt hơn" - tạp chí The Economist viết. Quốc gia nguồn mởTrong một bài viết đầu tháng 2-2025, các chuyên gia tại một viện nghiên cứu chính sách Trung Quốc cho rằng sự kiện DeepSeek gây tiếng vang trong cộng đồng AI quốc tế là thời điểm thích hợp để Bắc Kinh cải tổ các quy định trong lĩnh vực công nghệ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và giữ chân nhiều nhân tài hơn. Họ đề xuất chính phủ nước nhà khuyến khích các cộng đồng mã nguồn mở và bên thứ ba thành lập các cơ quan dữ liệu công cộng độc lập nhằm hỗ trợ các công ty AI trong nước đào tạo mô hình của mình.Zheng Yongnian, viện trưởng Viện chính sách công (IPP) thuộc Đại học Công nghệ Hoa Nam (Trung Quốc), nhận định Trung Quốc cần định vị trở thành một "quốc gia nguồn mở" với những chính sách cởi mở - một yếu tố quan trọng để định hình tương lai của toàn cầu hóa trong bối cảnh nước Mỹ đang "hướng vào trong", theo báo South China Morning Post. Tags: Công ty AIDeepSeekAIOpenAIMã nguồn mở
Kim Nguyen Baraldi: Đọc sách là lúc thời gian có nhịp điệu khác... ZÉT NGUYỄN THỰC HIỆN 08/05/2025 3245 từ
Thanh niên mướt mồ hôi vớt 20 tấn rác dồn ứ trên kênh Hy Vọng NGỌC KHẢI 11/05/2025 Sau cơn mưa lớn đầu mùa, đủ loại rác trôi theo dòng nước dồn ứ tại khu vực cống hộp trên kênh Hy Vọng, quận Tân Bình, TP.HCM. Ngày 11-5, các tình nguyện viên cùng với lực lượng chức năng đã dọn khoảng 20 tấn rác và gắn phao chắn rác ở khu vực trên.
Mở cửa xe buýt đập vào người đi xe máy, mở thêm lần nữa đe dọa, cuối cùng... nhận phạt DOÃN HÒA 11/05/2025 Tài xế xe buýt mở cửa hông xe đẩy mạnh khiến cánh cửa đập vào người đàn ông chạy xe máy và buông lời đe dọa ở Nghệ An.
Điền kinh Việt Nam thi đấu tại Hong Kong, 4 vận động viên đều huy chương vàng HOÀNG TÙNG 11/05/2025 Đội tuyển điền kinh Việt Nam bắt đầu có được những kết quả tốt trong quá trình xây dựng lực lượng vận động viên hướng tới SEA Games 33.
Từ 2026, Hà Nội và TP.HCM cấm ô tô sản xuất trước năm 2017, thực hư ra sao? THU DUNG 11/05/2025 Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền thông tin Bộ Nông nghiệp và Môi trường sắp ban hành quy chuẩn khí thải mới. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM cấm ô tô sản xuất trước năm 2017 lưu hành trên địa bàn.