
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh - Ảnh: GIA HÂN
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10-7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã trình bày tờ trình của Chính phủ việc điều chỉnh chương trình lập pháp năm 2025, bổ sung 4 dự án luật do Chính phủ trình.
Đề xuất bổ sung thêm 4 dự án luật
Theo đó, Chính phủ đề xuất xây dựng 4 dự án luật gồm dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế); dự án Luật An ninh mạng; dự án Luật Thương mại điện tử; dự án Luật Giám định tư pháp.
Với dự Luật Tiết kiệm, chống lãng phí, theo bộ trưởng Bộ Tư pháp, dự án luật này có phạm vi điều chỉnh gồm quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, vốn đầu tư công, tài sản công, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, năng lượng; hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Dự luật thể chế hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, chỉ thị 27 của Bộ Chính trị để hướng tới xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội.
Trong đó tập trung vào các nội dung bổ sung về "Ngày toàn dân tiết kiệm, chống lãng phí" là ngày 31-5 hằng năm; lồng ghép nội dung giáo dục về tiết kiệm, chống lãng phí trong hệ thống giáo dục quốc dân để hình thành văn hóa, nhận thức về tiết kiệm, chống lãng phí trong nhân dân.
Song song tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, phát hiện, xử lý đối với các hành vi lãng phí.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho hay dự án luật sẽ bổ sung các quy định để nhận diện rõ hơn hành vi gây lãng phí và chế tài xử lý theo hướng dẫn 63 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Quy định chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí, chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí dự kiến cũng được sửa đổi để xác định rõ vai trò, gia tăng tính chủ động cho các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình tiết kiệm, chống lãng phí...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng - Ảnh: GIA HÂN
Khuyến khích tiết kiệm, chống lãng phí cả với khu vực tư nhân
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết thường trực ủy ban và các cơ quan tán thành sự cần thiết bổ sung 4 dự án vào chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10.
Về dự Luật Tiết kiệm, chống lãng phí, theo ông Tùng, đa số ý kiến các cơ quan tán thành tên gọi như đề xuất của Chính phủ.
"Việc thay đổi tên gọi thành Luật Tiết kiệm, chống lãng phí cần bảo đảm không chỉ là sự thay đổi về hình thức mà phải thiết lập chuẩn mực pháp lý rõ ràng có tính khái quát, bao hàm đầy đủ các nguyên tắc, chính sách, biện pháp thúc đẩy tiết kiệm và ngăn ngừa lãng phí.
Khuyến khích tiết kiệm, chống lãng phí cả đối với khu vực tư nhân; tạo cơ sở xác định nghĩa vụ pháp lý bắt buộc với biện pháp xử lý vi phạm hiệu quả hơn", ông Tùng nêu.
Có ý kiến đề nghị giữ tên gọi là Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như hiện hành nhằm khuyến khích, tạo dựng ý thức, thói quen thực hành tiết kiệm và phù hợp việc sử dụng cụm từ "thực hành tiết kiệm" tại nhiều văn kiện của Đảng.
Các cơ quan đề nghị trong quá trình xây dựng luật, cần lưu ý không quy định về hoạt động thanh tra chuyên ngành, thanh tra hành chính cũng như không quy định cụ thể nội dung kiểm tra tiết kiệm, chống lãng phí để phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội và Luật Thanh tra vừa được Quốc hội thông qua.
Ông Tùng cho hay các cơ quan đề nghị nghiên cứu quy định rõ hơn trách nhiệm của các chủ thể có hành vi gây lãng phí, mức độ xử lý kỷ luật, hành chính, hình sự và trách nhiệm hoàn trả, bồi thường thiệt hại cho Nhà nước tương ứng với từng hành vi lãng phí gây ra, bảo đảm tính răn đe.
Ngoài ra cần nghiên cứu hoàn thiện quy định về giám sát và báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ sở kiểm tra, đánh giá và phát hiện sớm các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư công, đất đai, tài nguyên khoáng sản…
Kết luận sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành bổ sung 4 dự án luật vào chương trình lập pháp năm 2025 như đề nghị của Chính phủ và nhất trí với trình tự, thủ tục xây dựng dự án luật như Chính phủ trình.
Bình luận hay