![]() |
Người dân đang chờ vào gặp và góp ý với đoàn kiểm tra về thực hiện Luật đất đai của Bộ Tài nguyên - môi trường đến làm việc tại văn phòng tiếp công dân của UBND TP.HCM (tháng 8-2005) |
Trao đổi với TTCT, ông Lê Tiến Hào, phó tổng thanh tra Chính phủ, cho biết Nhà nước sẽ thành lập một cơ quan mới để đảm bảo người dân không còn phải khổ sở đi khiếu kiện vượt cấp.
Ông Hào nói:
- Thời gian qua, tình trạng khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp vẫn diễn ra phức tạp, không giảm như mong muốn. Đã xảy ra không ít điểm nóng ở địa phương gây mất ổn định an ninh, chính trị và trật tự xã hội. Nhiều đoàn rất đông người đã kéo đến nhà riêng các đồng chí lãnh đạo “trường kỳ” chờ đợi. Đặc biệt, khi diễn ra các kỳ họp của trung ương, kỳ họp Quốc hội, số người đi khiếu kiện tăng đột biến.
“Việc lập ra cơ quan TPHC trực thuộc Thủ tướng Chính phủ là cần thiết xét về nhu cầu thực tế. Song, trong một nhà nước đơn nhất như VN lại có hai hệ thống TPHC là tòa hành chính và cơ quan TPHC thì điều gì có thể xảy ra? Thứ nhất là sẽ tăng đầu mối, tăng bộ máy, khó tránh khỏi trùng lặp và hệ quả là đùn đẩy công việc, đùn đẩy trách nhiệm. Điều này nên tính đến trong đề án để ngăn chặn”. Ông Phạm Anh Tuấn (trưởng ban xây dựng pháp luật, Văn phòng Chính phủ) |
- Nguyên nhân cơ bản của khiếu nại đông người, khiếu nại vượt cấp là do chính sách pháp luật của ta còn nhiều bất hợp lý, nhất là những qui định về đất đai còn chồng chéo, mâu thuẫn. Khi sự việc xảy ra thì cách xử lý chưa thống nhất. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân một số cán bộ đảng viên quan liêu, tham nhũng, cố tình làm trái. Ngoài ra, còn một nguyên nhân quan trọng là cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính còn nhiều bất cập.
Theo qui định của pháp luật hiện hành, việc giải quyết khiếu kiện hành chính có hai cơ chế: cơ chế giải quyết của các cơ quan hành chính và cơ chế giải quyết tại tòa án. Và đúng là việc giải quyết khiếu nại của các cơ quan hiện nay chưa bảo đảm tính khách quan.
Vì theo cơ chế trên, các cơ quan bị khiếu nại lại chính là cơ quan được chỉ định giải quyết khiếu nại. Ví dụ một người khiếu nại quyết định của xã, phải lên xã. Chờ đợi một thời gian, nếu xã không giải quyết, họ phải lên huyện. Sau đó, nếu vẫn không hài lòng thì mới đưa ra tòa hành chính. Tuy nhiên, cơ quan hành chính cấp huyện thường căn cứ vào giải quyết của cấp xã để quyết định.
Ngại va chạm nên người ta quen cách xử lý kiểu “nội bộ”, xuôi chiều. Nếu những trường hợp bị khiếu nại có liên quan đến cả trách nhiệm của cấp huyện, tỉnh thì khiếu nại của dân rất khó được giải quyết. Đưa ra tòa hành chính thì tòa này lại không có quyền hủy bỏ quyết định hành chính. Tòa được thành lập theo cấp hành chính, phụ thuộc nhiều vào UBND, cấp ủy địa phương nên tính độc lập không cao. Việc xét xử lại qua nhiều tầng nấc rất phức tạp. Vì thế, tại nhiều địa phương người dân đã bức xúc, khiếu kiện lên trung ương liên tục, như Hà Tây năm 2004 có tới 47 đoàn, Hà Nội 41 đoàn, Bắc Ninh 28 đoàn...
* Những bất cập trên không thể không giải quyết để giảm oan sai và hạn chế khiếu nại vượt cấp?
- Từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp với các bộ ngành khác nghiên cứu soạn đề án lập cơ quan tài phán hành chính (TPHC). Đến nay, đề án đã cơ bản hoàn thành. Việc thành lập cơ quan TPHC nhằm khắc phục tình trạng rắc rối trong giải quyết khiếu kiện hành chính, khiếu kiện vượt cấp hiện nay.
Nó cũng là bước đi để ta tự hoàn thiện bộ máy, thúc đẩy cải cách hành chính phù hợp với thông lệ quốc tế. Cơ quan TPHC sẽ tạo ra phương thức giải quyết khiếu kiện mới trong hệ thống hành pháp, tách được quyền tài phán ra khỏi các cơ quan hành chính, tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Các cơ quan hành chính sẽ phải chuyên tâm làm việc tốt để không bị khiếu kiện, bởi việc ứng xử với các đơn kiện không đơn giản như trước nữa. Việc giải quyết khiếu nại sẽ do TPHC đảm nhiệm, không còn cơ quan nào vừa làm sai lại vừa có quyền phán quyết mình sai hay đúng.
* Ông có thể cho biết rõ hơn về trách nhiệm của TPHC một khi nó được thành lập?
- TPHC có quyền giải quyết mọi khiếu kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính ở mọi cấp. Những khiếu nại về quyết định kỷ luật cán bộ, công chức cũng sẽ được cơ quan này thụ lý (trừ các quyết định hành chính trong chỉ đạo giữa cấp trên với cấp dưới, quyết định hành chính liên quan đến an ninh, quốc phòng, ngoại giao).
Về cách giải quyết sẽ có điểm rất khác là sẽ đảm bảo dân được tranh tụng bình đẳng trước các cơ quan hành chính, các bên có quyền thuê luật sư. Thủ tục giải quyết cũng đơn giản, việc xét xử sẽ thông qua các phiên xét xử với ba, năm hay bảy tài phán viên. Nếu vụ việc đơn giản thì chỉ một tài phán viên thụ lý.
Cơ quan TPHC với tính độc lập của mình có quyền phán quyết về tính hợp pháp, hợp lý của quyết định, hành vi hành chính bị khiếu nại. Nếu cơ quan bị khiếu kiện sai, TPHC sẽ được tuyên hủy một phần hay toàn bộ quyết định hành vi hành chính, buộc các cơ quan hành chính đó phải bồi thường, đồng thời có thể yêu cầu kỷ luật công chức đã ban hành quyết định sai.
![]() |
Ông Lê Tiến Hào |
- Khi nhận được khiếu kiện, cơ quan TPHC sẽ thẩm tra, nếu có dấu hiệu cơ quan hành chính sai sẽ tiến hành hòa giải. Nếu cơ quan bị khiếu kiện không sửa, TPHC sẽ sử dụng quyền lực phán quyết của mình. Nếu phán quyết của TPHC sai, vụ việc sẽ được xét xử tại tòa án. Tuy nhiên, tòa chỉ xem xét việc áp dụng pháp luật, không xem xét vụ án lại từ đầu, không xét về nội dung. Như vậy là không có chồng chéo.
* Cơ quan TPHC sẽ được tổ chức ngay tại địa phương mới giải quyết được hết khiếu kiện? Nhưng nếu vậy lại rất khó tránh áp lực, sự can thiệp của chính quyền sở tại?
- Đứng đầu cơ quan TPHC trung ương, theo đề xuất của đề án, sẽ là Thủ tướng (chủ tịch danh dự). Một phó thủ tướng sẽ là chủ tịch cơ quan TPHC. Dưới cấp trung ương, TPHC sẽ được lập ở ba vùng (miền Bắc đặt tại Hà Nội, miền Trung tại Đà Nẵng và miền Nam ở TP.HCM). Chủ tịch cơ quan tài phán vùng sẽ do Thủ tướng bổ nhiệm. Dưới cấp vùng, cứ 3-5 huyện sẽ thành lập một cơ quan TPHC. Người đứng đầu cơ quan này sẽ do chủ tịch cơ quan TPHC vùng bổ nhiệm. Như vậy, nguyên lý tổ chức đã được tính để giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng của chính quyền địa phương.
* Người dân luôn mong không còn những quyết định hành chính sai, các cơ quan “bênh nhau” khi giải quyết khiếu kiện. Sự ra đời của cơ quan TPHC đặt tại địa phương có đảm bảo đem lại sự công bằng cho người dân trong tranh chấp với chính quyền?
- Hiện các cơ quan hành chính có chức năng chính là tổ chức, triển khai các hoạt động quản lý nhà nước nhưng họ lại phải làm luôn việc giải quyết khiếu nại. Cán bộ công chức tại các cơ quan này không được đào tạo giải quyết khiếu nại - công việc vốn rất phức tạp. Nên cơ quan TPHC ra đời để chuyên biệt hóa, nhằm giải quyết một cách tốt nhất các khiếu kiện của dân. Với sự thành lập cơ quan này tại địa phương, lại có tính độc lập cao, chắc chắn khiếu kiện vượt cấp sẽ giảm. Cùng cơ chế tài phán mới, sự phát triển của xã hội, sự hoàn thiện của bộ máy, tôi tin khiếu kiện vượt cấp sẽ giảm đến mức rất thấp so với hiện nay.
* Tình hình khiếu kiện hiện đang rất gay gắt, vậy tại sao các ông nghiên cứu từ năm 2004 mà đến tận 2009 cơ quan TPHC mới đi vào hoạt động? Có thể sớm hơn không, thưa ông?
- Đề án đã chuẩn bị xong nhưng quí 2-2007 phải trình Chính phủ, quí 3 trình Bộ Chính trị cho ý kiến. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội kế hoạch soạn hai luật: Luật tổ chức cơ quan TPHC, Luật thủ tục giải quyết khiếu kiện của cơ quan tài phán; đồng thời sẽ phải sửa đổi Luật khiếu nại và giải quyết khiếu nại, Luật tố cáo và giải quyết tố cáo. Phải làm từng ấy việc mới đảm bảo cơ sở pháp lý cho cơ quan TPHC hoạt động nên khó có thể nhanh hơn.
* Như vậy, trong hai năm quá độ, người dân sẽ vẫn phải chấp nhận cách giải quyết khiếu kiện hành chính nhiều bất cập hiện nay?
- Đúng, không còn cách nào khác.
Bình luận hay