“Mấy năm nay tôi bù đầu với vải vóc, tơ sợi, có biết cách đăng ký mới đó đâu. Nếu có biết thì cũng chịu thôi, vì tôi không rành vi tính, chẳng biết Internet là gì”- ông K. nói.
Theo Phòng đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch Đầu tư Tp.HCM), nếu như trong năm 2001 chỉ có 167 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng thì trong năm 2004 đã có bước nhảy vọt. Trong số 10.227 doanh nghiệp đăng ký mới thì số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng đã chiếm 45%.
Ông Đào Xuân Đức, Trưởng Phòng đăng ký kinh doanh, cho biết: “Đây thực sự là một tín hiệu khả quan, đăng ký kinh doanh qua mạng không chỉ giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian đăng ký mà còn giúp đơn vị tiếp nhận và xử lý hồ sơ được nhẹ gánh, giảm tình trạng quá tải”.
Đăng ký kinh doanh qua mạng dù không mới mẻ gì tại nhiều nước trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, đây là bước cải tiến đáng ghi nhận, qua thực tế áp dụng đã thể hiện tiện ích rất lớn. Lẽ ra, cách làm này phải được nhân rộng tại nhiều tỉnh thành, nhưng hơn 4 năm qua, mới chỉ có Tp.HCM là địa phương đầu tiên áp dụng. Nguyên nhân của nó chính là thực trạng yếu kém về trình độ công nghệ thông tin của đa số doanh nghiệp Việt Nam.
Theo số liệu của một đơn vị chuyên ngành, chỉ có khoảng 8% doanh nghiệp cả nước đưa công nghệ thông tin - Internet vào quản lý, kinh doanh và giao dịch. Vì thế, đối với rất nhiều doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh qua mạng vẫn còn khá lạ lẫm. Khi công nghệ thông tin chưa trở thành một công cụ thiết yếu của doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh qua mạng chưa thể phát huy được hiệu quả thực sự của nó.
Một nguyên nhân quan trọng nữa, đó là cách thức đăng ký vẫn còn rườm rà. Dù kê khai thủ tục qua mạng nhưng sau khi hồ sơ được tiếp nhận xử lý thì chủ doanh nghiệp cũng phải tới tận nơi đăng ký để hoàn tất các công đoạn khác. Khi chỉnh sửa dữ liệu, hoặc thay đổi, bổ sung chức năng kinh doanh, không phải chủ doanh nghiệp cứ ngồi nhà ung dung “click chuột” là xong việc, mà phải đến tận nơi đăng ký để làm hồ sơ, chờ giải quyết giống như đăng ký trực tiếp.
“Vẫn còn nhiều khâu rườm rà, chúng tôi sẽ rà soát và tìm giải pháp khắc phục để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp” - ông Đào Xuân Đức thừa nhận.
Bình luận hay