
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công Khánh Hòa hướng dẫn người dân thanh toán không tiền mặt khi thực hiện các thủ tục hành chính công - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Ngày 26-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Kim Loan - phó giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Khánh Hòa - cho biết việc thanh toán không tiền mặt trong dịch vụ công đang thực hiện rất hiệu quả tại đơn vị.
30 giây, thanh toán xong lệ phí mà không dùng tiền mặt
Vừa làm xong thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Khánh Hòa vào chiều 26-5, chị Trần Hoài Anh (39 tuổi, trú TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) mở app ngân hàng trên điện thoại để thanh toán lệ phí cho thủ tục liên quan đến đất đai. Chưa đến 30 giây, giao dịch đã hoàn thành.
Chị Hoài Anh cho biết nếu như trước đây khi đi làm thủ tục tại các sở, ngành đều phải dùng tiền mặt để thanh toán một số lệ phí, thì bây giờ đã có thể thanh toán trực tuyến, tiện lợi.
"Tiện quá, thanh toán không tiền mặt tiết kiệm rất nhiều thời gian cho người dân, những giao dịch thuế đất có số tiền lớn cũng chỉ cần vài giây chuyển khoản là xong" - chị Hoài Anh nói.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Loan, từ khi Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động đều yêu cầu tất cả các quầy giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ngành hướng dẫn người dân không dùng tiền mặt để thanh toán các chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính.
Tất cả quầy, trên website của trung tâm đều có hướng dẫn thanh toán không tiền mặt, nếu người dân mang tiền mặt đến, trung tâm sẽ hướng dẫn đến khu vực ngân hàng được bố trí cạnh đó để chuyển tiền thanh toán bằng hình thức không tiền mặt.
"Chúng tôi luôn đặt tiêu chí thanh toán không tiền mặt lên hàng đầu, mọi chi phí khi làm thủ tục tại trung tâm khi thanh toán không tiền mặt đều thực hiện rất nhanh" - bà Loan cho hay.
Phòng chống tiêu cực hiệu quả
Bà Loan cũng cho rằng việc áp dụng thanh toán không tiền mặt giúp tránh tiêu cực giữa người dân và cán bộ.

Nhân viên ngân hàng tại Trung tâm phục vụ hành chính công Khánh Hòa hướng dẫn người dân nộp phí, lệ phí, hỗ trợ thanh toán trực tuyến dịch vụ hành chính công - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
"Chúng tôi quán triệt nghiêm, các camera giám sát rất kỹ. Hầu như các quầy giải quyết thủ tục các sở, ngành đều không cho sử dụng tiền mặt để thanh toán. Thanh toán không tiền mặt là đúng số tiền, có dư cũng không được" - bà Loan nhấn mạnh.
Bên cạnh việc tránh tiêu cực, thanh toán không tiền mặt còn giúp Trung tâm Phục vụ hành chính công Khánh Hòa tiết kiệm thời gian, các chi phí phát sinh khi phải đầu tư các thiết bị phục vụ việc thanh toán bằng tiền mặt.
Lấy ví dụ cụ thể, bà Loan nói có rất đông trường hợp đến làm thủ tục hành chính về lý lịch tư pháp, cấp giấy phép lái xe... khi nhận tiền mặt, tốn thời gian rất lâu để giải quyết đến trường hợp tiếp theo.
"Chưa kể nếu thu tiền mặt, đến cuối ngày mới bắt đầu thống kê, đem đối chiếu... rất mất thời gian cho cán bộ, công chức" - bà Loan chia sẻ.
Cũng theo bà Loan, việc thanh toán không tiền mặt đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong các lĩnh vực liên quan đến đất đai, tài nguyên - môi trường vì số tiền thực hiện các giao dịch này rất lớn, dao động từ vài trăm triệu đến tiền tỉ.
"Các nghĩa vụ tài chính liên quan đến lĩnh vực đất đai có giá trị rất lớn, vì vậy chỉ có thể áp dụng hình thức thanh toán không tiền mặt" - bà Loan cho hay.
Khởi động Ngày không tiền mặt 2025: Thúc đẩy phát triển kinh tế số

Phối cảnh lễ hội "Ting Ting Day" tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, sẽ diễn ra từ ngày 14 đến hết ngày 15-6-2025 - Ảnh: TT
Ngày không tiền mặt năm 2025 đã chính thức khởi động với chủ đề "Thanh toán không tiền mặt thúc đẩy kinh tế số", đánh dấu cột mốc 5 năm thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, thời báo Ngân hàng, Sở Công Thương TP.HCM, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (Napas) và nhiều đơn vị tổ chức thực hiện, hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức xã hội, khuyến khích người dân tiếp cận và sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại như ví điện tử, mã QR, thẻ không tiếp xúc… đồng thời góp phần xây dựng hệ sinh thái không tiền mặt bền vững tại Việt Nam.
Điểm nhấn nổi bật của chuỗi sự kiện năm nay là Lễ hội "Ting Ting Day" diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM), với các hoạt động trải nghiệm công nghệ thanh toán, mini game, workshop giải pháp bảo vệ an toàn cho giao dịch số, đêm nhạc và phát động chương trình khuyến mãi toàn quốc. Chương trình dự kiến thu hút 50.000 lượt người tham dự trực tiếp, tiếp cận khoảng 50 triệu lượt xem qua các kênh online, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần sống số, tiêu dùng số trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh lễ hội chính, Ngày không tiền mặt năm 2025 còn có nhiều hoạt động đáng chú ý như: Gameshow "Đấu Trường Tài Chính" diễn ra từ ngày 20-5 đến 15-6 với sự tham gia của đông đảo bạn trẻ thi đấu kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính cá nhân; Hội thảo "Thanh toán không tiền mặt - Động lực tăng trưởng kinh tế số" diễn ra vào sáng 14-6 tại TP.HCM, với nội dung tổng kết 5 năm thực hiện đề án và thảo luận giải pháp phát triển thanh toán số trong thời gian tới.
Được khởi xướng từ năm 2019 và tổ chức liên tục trong những năm qua, Ngày không tiền mặt đã trở thành hoạt động truyền thông xã hội thường niên, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân, thúc đẩy tài chính toàn diện và hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Bình luận hay