20/05/2010 07:12 GMT+7

Cơn bão Katrina: Cứu ai? Bỏ ai?

SHERI FINK (Giải Pulitzer năm 2010)
SHERI FINK (Giải Pulitzer năm 2010)

TT - Mùi tử thi xộc lên khi nhân viên cứu hộ đập vỡ cánh cửa gỗ mở vào nhà nguyện của bệnh viện. Bên trong, hàng ngàn tử thi khâm liệm trong mảnh vải trắng đang nằm bất động trên những chiếc giường thấp sát mặt đất.

Câu chuyện về thời khắc phải chọn lựa và ra những quyết định kinh hoàng của y bác sĩ tại Trung tâm y khoa Memorial (Mỹ) trong những giờ phút tuyệt vọng nhất của cơn bão Katrina năm 2005. Một quyết định mà ở đó con người, không cách nào khác, phải từ biệt đồng loại của mình trong sự lựa chọn có lợi nhất cho những người còn có cơ hội sống!

Kỳ 1: Sự lựa chọn chết người

Ở góc này, một vài nhúm tóc lộ ra. Ở đằng kia, một cái đầu gối lủng lẳng. Một bàn tay xanh xao đặt chéo trên chiếc áo xanh dương của bệnh viện.

Phóng to

Sự kiện Katrina ở Memorial

Chỉ trong vài ngày, câu chuyện ghê rợn này trở thành tâm điểm của cuộc điều tra về những gì xảy ra ở Trung tâm y khoa Memorial tại Uptown New Orleans khi bão Katrina tấn công. Cơn bão phá hủy hệ thống điện và nguồn nước sinh hoạt của trung tâm, đẩy nhiệt độ lên cao hơn 38OC. Nhưng lực lượng điều tra vẫn ngạc nhiên về số tử thi trong căn nhà xác tạm, và càng ngạc nhiên hơn nữa khi những người bị buộc tội gây nên cái chết cho nhiều người bằng cách tiêm thuốc độc lại là một bác sĩ và một y tá đáng kính. Cuối cùng, người ta đã mang ra khỏi trung tâm Memorial hơn 45 tử thi, nhiều hơn bất cứ bệnh viện tương tự nào ở thành phố bị ngập lụt này.

Tháng 7-2006, gần một năm sau bão Katrina, Cơ quan Tư pháp bang Louisiana đã ra lệnh bắt giữ bác sĩ và các y sĩ liên quan đến cái chết của bốn bệnh nhân. Nữ bác sĩ Anna Pou đã tự bào chữa trên kênh truyền hình quốc gia, cho rằng vai trò của bà khi đó chỉ là “giúp đỡ” bệnh nhân “vượt qua cơn đau”. Ấy là quan điểm mà bà vẫn giữ đến tận bây giờ, sau khi Tòa án bang Louisiana từ chối kết án bà tội giết người cấp độ 2, vụ việc rơi vào quên lãng.

Trong bốn năm sau cơn bão, bác sĩ Pou đã giúp soạn thảo và ban hành ba đạo luật ở bang nhằm bảo vệ nhân viên y tế vướng vào các vụ kiện dân sự (trường hợp sai phạm không chủ đích) khi làm việc trong điều kiện thảm họa như gặp thiên tai, khủng bố hay dịch cúm. Các đạo luật này cũng khuyến khích công tố viên nên chờ đợi kết luận từ các chuyên gia y khoa trước khi buộc tội các nhân viên y tế.

Bác sĩ Pou cũng đưa ra lời khuyên cho chính quyền bang và những cơ sở y khoa cấp quốc gia về công tác chuẩn bị đối phó thiên tai và cải tổ luật pháp. Bà đã diễn thuyết về y khoa và đạo đức ở nhiều hội nghị cấp quốc gia, cơ sở đào tạo quân y.

Trong những bài nói chuyện của mình, bác sĩ Pou lập luận rằng cần thay đổi các tiêu chuẩn về chăm sóc y tế trong những trường hợp khẩn cấp. Bà cho rằng đạt được sự ưng thuận với đầy đủ thông tin trong thảm họa là điều không thể, và người bác sĩ có thể di tản sau cùng đối với những bệnh nhân nặng nhất và những người có chỉ thị “không tiếp tục hồi sức” (DNR). Đây là cách mà bà và các đồng nghiệp đã thực hiện trong hoàn cảnh tồi tệ sau cơn bão Katrina.

Bà Pou và những người khác cho rằng những diễn biến ở Memorial và việc bà bị bắt giam sau đó (sự việc mà bà là “một bi kịch cá nhân”) đủ để biện minh việc cần phải thay đổi tiêu chuẩn y tế trong các cơn khủng hoảng. Nhưng câu chuyện chi tiết trong những ngày đáng sợ khi Trung tâm Memorial bị cô lập với thế giới đã không được kể đủ.

Phóng to
Bác sĩ Anna Pou năm 2006. Hình chụp hai ngày sau khi bà bị bắt với các cáo buộc liên quan tới cái chết của bốn bệnh nhân - Ảnh: NYT

Câu hỏi từ Memorial

Năm 2009, bốn năm sau bão Katrina, tạp chí New York Times đã đăng tải “Những lựa chọn chết người tại Trung tâm y khoa Memorial” (The deadly choices at Memorial) và nó nhanh chóng đoạt giải Pulitzer năm 2010 cho thể loại báo chí điều tra của Mỹ.

Sheri Fink thực hiện bài phóng sự điều tra dài 13.000 từ trong hai năm, phỏng vấn 140 người và kết cấu lại các dữ kiện để mô tả thực trạng của Trung tâm y khoa Memorial khi cơn bão Katrina ập đến năm 2005. Bài viết đăng tải trên trang web Pro Publica ngày 27-8-2009 và tạp chí New York Times ngày 30-8-2009.

Những cuộc phỏng vấn và những tư liệu đem lại cách hiểu mới về câu chuyện của bác sĩ Pou và những đồng nghiệp. Đã có nhiều nhân viên y tế liên quan đến quyết định tiêm thuốc độc cho bệnh nhân, cũng như có nhiều bệnh nhân đã bị tiêm thuốc độc hơn so với các ghi chép trước đó. Kết quả cho thấy có ít nhất 17 bệnh nhân đã bị tiêm morphine vào cơ thể hoặc thuốc mê midazolam, hoặc cả hai loại thuốc, sau thời gian dài họ chờ đợi được cứu thoát. Đây là những người bị đánh giá là mắc bệnh cực kỳ hiểm nghèo và có thể không sống sót trong cuộc di tản. Một vài bệnh nhân khác được cho là chưa gần chết khi bị tiêm.

Khi tiến hành bài điều tra, tôi đã tham dự một vài sự kiện của bà Pou, bao gồm hai hoạt động gây quỹ do bà thực hiện, một hội nghị và một vài phiên điều trần của bà trước tòa án bang Louisiana. Bà đã từng ngồi nói chuyện với tôi rất lâu nhưng luôn từ chối nói về việc liên quan đến cái chết của bệnh nhân, với lý do đã có ba vụ kiện về những cái chết này và cần phải có sự nhạy cảm đối với những trường hợp đã không tố cáo.

Bà đã ngăn cản những nhà báo tham dự cuộc trò chuyện của bà về cơn bão Katrina, và gửi thư phản đối tới tòa án tối cao của bang về việc phát hành tập tài liệu gần 50.000 trang do các nhà điều tra về những cái chết ở Trung tâm Memorial tập hợp.

Chi tiết đầy đủ về việc làm và những lý do hành động của bà Pou có thể không bao giờ được biết. Nhưng bà lập luận: cần thiết phải quan tâm nhiều hơn tới việc các nhân viên y tế được miễn trừ truy tố khi tác nghiệp với niềm tin tốt đẹp, trong những thảm kịch, và cần can thiệp cứu người, bao gồm di tản bệnh nhân, không nhất thiết phải cứu người bị nặng nhất trước tiên.

Tại một hội nghị quốc gia dành cho các nhà lập kế hoạch khi bệnh viện phải đối phó với thảm họa, bà Pou đưa ra câu hỏi: “Một nhân viên y tế nên dành thời gian bao lâu để chăm sóc những bệnh nhân có thể không còn sống lâu được nữa?”. Câu chuyện ở Trung tâm Y khoa Memorial đặt ra những câu hỏi khác nữa: những bệnh nhân nào nên chia sẻ nguồn tài nguyên có hạn của bệnh viện và ai quyết định điều đó? Điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với sứ mệnh làm điều tốt nhất cho nhiều người nhất và có biện minh cho mọi cách làm hay không?

Đâu là ranh giới giữa chăm sóc, an ủi bệnh nhân với cái chết nhân ái? Các bác sĩ hay y tá sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào cho hành động của mình trong trường hợp tuyệt vọng nhất, đặc biệt là khi chính quyền không trợ giúp được nhu cầu tối thiểu của họ?

__________

Cơn bão Katrina tràn tới New Orleans vào ngày thứ hai 29-8-2005. Khoảng 2.000 người còn đang ngủ trong bệnh viện, trong đó có 200 bệnh nhân và 600 nhân viên. Một nhân viên hành chính trung tâm Memorial đã gửi email với dòng chữ “Help!!!” (Cứu!).

Kỳ tới: Thời khắc quyết định

SHERI FINK (Giải Pulitzer năm 2010)

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

'Sát thủ thầm lặng' Fentanyl: Kỳ 1: Thuốc giảm đau thành thuốc độc hủy hoại người trẻ

Fentanyl là loại thuốc giảm đau tổng hợp nhóm opioid mạnh hơn morphine 100 lần, đồng thời cũng là loại ma túy mạnh hơn heroin tới 50 lần.

'Sát thủ thầm lặng' Fentanyl: Kỳ 1: Thuốc giảm đau thành thuốc độc hủy hoại người trẻ

Nếu bà Paetongtarn được tòa xác định vô tội thì sẽ được phục hồi vị trí thủ tướng ngay

Tòa Hiến pháp Thái Lan đình chỉ Thủ tướng Paetongtarn để điều tra khiến tương lai chính trị gia tộc Shinawatra trở nên bất định.

Nếu bà Paetongtarn được tòa xác định vô tội thì sẽ được phục hồi vị trí thủ tướng ngay

Bom Mỹ chưa thể xuyên thủng tầng ngầm cơ sở hạt nhân Iran?

Đánh giá sơ bộ của tình báo Mỹ nhận định cuộc tấn công vào ba cơ sở hạt nhân Iran đã không "hủy diệt" chương trình hạt nhân nước này.

Bom Mỹ chưa thể xuyên thủng tầng ngầm cơ sở hạt nhân Iran?

Xung đột Israel - Iran: Kết thúc cuộc chiến 12 ngày

Sau khi Iran tấn công căn cứ quân sự Mỹ ở Qatar vào ngày 23-6, ba bên Iran - Israel - Mỹ đều tìm được lý do để tuyên bố thắng lợi.

Xung đột Israel - Iran: Kết thúc cuộc chiến 12 ngày

Tình báo, công nghệ và chiến tranh thời hiện đại

Sự kết hợp giữa hoạt động tình báo và công nghệ cao đang định hình lại cục diện chiến trường toàn cầu, làm mờ ranh giới giữa chiến tranh truyền thống và các hình thức xung đột mới.

Tình báo, công nghệ và chiến tranh thời hiện đại

Toàn cảnh chiến sự Iran - Israel những ngày qua

Trong lúc xung đột chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Iran đã mở cửa các nhà thờ Hồi giáo, nhà ga metro và trường học làm nơi trú ẩn cho người dân trước các đợt tấn công của Israel.

Toàn cảnh chiến sự Iran - Israel những ngày qua
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar