
Khách hàng sử dụng dịch vụ tại không gian làm việc chung ở TP.HCM - Nguồn: WF
Thay vì thuê văn phòng riêng, những không gian làm việc chung giúp tối ưu chi phí, hiệu suất và doanh thu, tăng cơ hội tiếp xúc những ý tưởng mới để hợp tác, phát triển.
Sáng làm việc, chiều tắm biển
Mỗi buổi sáng ở Thảo Điền (TP Thủ Đức, TP.HCM), anh Diego Pumarino, chuyên gia tài chính người Chile, có thể ghé WorkFlow - một không gian làm việc chung - để dành một nửa tổng thời gian làm việc mỗi tuần.
Anh chuyển đến Việt Nam vì bạn gái đang sinh sống tại đây, nhưng cũng vì TP.HCM có nhiều địa điểm tiện nghi giúp anh duy trì nhịp làm việc hiệu quả mà vẫn tận hưởng cuộc sống.
"Không gian thoải mái và yên tĩnh, dịch vụ tốt, WiFi ổn định... Đó là những gì tôi cần" - Diego nói và cho biết không gian này "có tỉ lệ giá/giá trị tốt nhất" so với những nơi anh từng làm việc ở Bali (Indonesia) hay Santiago (Chile).
Còn Oscar, một kỹ sư phần mềm và nhà đầu tư đến từ Mexico, là ví dụ tiêu biểu cho nhóm "du mục kỹ thuật số": những người làm việc và du lịch tự do. Từng sống và làm việc tại nhiều nơi ở Đông Nam Á, Oscar hiện chọn Việt Nam để làm việc 40 - 80 giờ/tuần.
Theo ông Nguyễn Đình Quý - CEO WorkFlow, tại cơ sở Thảo Điền, khoảng 30% khách hàng là người nước ngoài, chủ yếu đến từ châu Âu và Bắc Mỹ. Họ chọn co-working không chỉ để ngồi làm việc mà còn giao lưu, kết nối.
"Có bạn bảo chỉ cần 2.000 USD/tháng là đủ để sống và làm việc ở Việt Nam", ông Quý chia sẻ. Theo ông, Đông Nam Á có tiềm năng trở thành một trung tâm thu hút "dân du mục kỹ thuật số" từ khắp thế giới nếu các chính sách thị thực được cởi mở hơn.
Theo một số chuyên gia, Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội, đã trở thành điểm đến hấp dẫn với nhóm "du mục kỹ thuật số", nhóm chuyên gia hoặc nhân viên của các tập đoàn đa quốc gia làm việc theo hình thức hybrid (kết hợp online và onsite) hoặc di chuyển theo dự án.
Ngoài ra, còn một nhóm khách khác là các công ty nước ngoài nhỏ hoặc start-up muốn thử nghiệm thị trường. Thay vì đầu tư thuê văn phòng dài hạn, họ chọn co-working như một "trạm thử" để đánh giá khả năng phát triển tại Việt Nam.

TP.HCM từng lọt top 50 thị trường co-working phát triển nhanh nhất thế giới - ẢNH: W.F
Đầu tư tiền tỉ vào app
Theo CBRE Việt Nam, TP.HCM hiện có khoảng 20 thương hiệu không gian làm việc chung đang hoạt động (bao gồm cả nội địa và quốc tế). Quy mô trung bình mỗi địa điểm từ 1.500 - 2.000m2. Dự kiến trong ba quý cuối năm 2025 sẽ có thêm 3-4 thương hiệu quốc tế lần đầu gia nhập thị trường Việt Nam, và tất cả đều chọn quận 1 làm nơi đặt trung tâm đầu tiên.
Không giống mô hình co-working truyền thống chủ yếu dừng lại ở việc cho thuê chỗ linh hoạt, mô hình như WorkFlow được xây dựng với tư duy số hóa ngay từ đầu, giúp tăng hiệu suất vận hành theo thời gian thực và tích hợp với bất cứ tòa nhà nào khi muốn mở rộng quy mô.
Ông Quý cho biết đội ngũ đã đầu tư tiền tỉ để phát triển app riêng, cho phép đặt chỗ theo thời gian thực, chọn loại phòng, khung giờ... tại năm địa điểm WorkFlow chưa đến một phút.
Hệ thống này không chỉ tăng trải nghiệm người dùng mà còn giúp chủ không gian kiểm soát vận hành - từ thanh toán, báo cáo doanh thu đến điều phối nhân sự, nguyên vật liệu. Đây là bài toán sống còn với các đơn vị nhỏ, khi mô hình truyền thống dễ thất thoát từ việc đặt chỗ linh động nhưng không được ghi nhận đầy đủ.
Đây là một trong những lý do khiến nhiều đơn vị không trụ nổi với mô hình không gian làm việc chung khi khách khó quản lý, ra vào nhiều, chi tiêu ít nhưng lại mong muốn trải nghiệm tốt.
Không dễ "ăn"
Thị trường không gian làm việc chung tại Việt Nam từng trải qua giai đoạn phát triển "nóng", đạt đỉnh vào năm 2019 khi làn sóng khởi nghiệp lên cao. Đại dịch COVID-19 như một phép thử lớn, khiến thị trường lập tức chững lại. Nhiều đơn vị từng gọi vốn lớn đã âm thầm thu hẹp quy mô.
Ông Đỗ Sơn Dương, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Toong, cho biết đội ngũ từng đầu tư "rất nhiều tiền" để phát triển công nghệ riêng với kỳ vọng tạo ra giá trị mới cho khách hàng như nhận diện tự động, thẻ tích điểm ưu đãi, cảm biến nhiệt độ... Nhưng kết quả là khách không mặn mà.
"Giờ khách cần đặt phòng, in ấn chỉ cần nhắn Zalo cho nhân viên lễ tân, không cần app hay biểu mẫu gì hết", ông Dương chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Thủy Nguyên - giám đốc CBRE Việt Nam, các thương hiệu co-working nước ngoài đầu tư cho công nghệ với ứng dụng chuyên biệt, có tính liên thông toàn cầu. Trong khi đó, thương hiệu nội địa chủ yếu dùng giải pháp bên thứ ba.
Trong khi đó, CEO WorkFlow tin rằng thị trường đang hình thành một thế hệ start-up mới: tinh gọn hơn, được dẫn dắt bởi những nhà sáng lập không còn ở lần đầu khởi nghiệp. Họ chỉ cần đội ngũ 4-6 người, đầu tư ít vốn, có khả năng thử đúng - sai nhanh. Đây chính là nhóm khách hàng mà WorkFlow muốn nhắm đến.
"Trong hai năm vừa qua, chúng tôi xây dựng hệ thống, định hình sản phẩm và tin rằng khoảng một năm nữa làn sóng khởi nghiệp thế hệ mới sẽ xuất hiện rõ ràng hơn", ông Quý chia sẻ.
Tốc độ phát triển nhanh
Bắt đầu manh nha từ những năm 2000, mô hình không gian làm việc chung nhanh chóng được ưa chuộng trên toàn cầu vì người dùng có thể linh hoạt thuê chỗ ngồi theo ngày, tuần hay tháng.
Tại Việt Nam, các thương hiệu tiên phong như Toong, Dreamplex, UPGen, CirCO... lần lượt mở rộng hoạt động tại Hà Nội và TP.HCM. Theo tính toán của một số đơn vị vận hành, việc sử dụng co-working giúp tiết kiệm 20 - 35% chi phí so với văn phòng truyền thống.
Dữ liệu từ CBRE cho thấy đến giữa năm 2017 Việt Nam có 17 đơn vị vận hành co-working với 22 địa điểm, tổng diện tích 14.500m². Đến cuối năm 2018, tổng diện tích co-working ước tính vượt mốc 90.000m².
Một số báo cáo còn cho rằng TP.HCM từng được xếp hạng thứ 41 trong top 50 thị trường co-working phát triển nhanh nhất thế giới (thời điểm quý 3-2019).
Nhiều mô hình cho nhiều phân khúc
Chi phí đầu tư ban đầu cho một không gian làm việc chung có thể dao động từ vài tỉ đến hàng chục tỉ đồng. Nhiều thương hiệu co-working đã phải đóng bớt địa điểm, có dấu hiệu cắt lỗ.
Do chi phí đầu tư lớn, nhiều thương hiệu co-working sau khi tự đầu tư 4-5 địa điểm đều chuyển hướng sang mô hình hợp tác với bên thứ ba (chủ đầu tư tòa nhà muốn tăng công suất cho thuê, các chuỗi cà phê có mặt bằng dư thừa hoặc chủ bất động sản cho thuê).
Cách thu tiền của các mô hình cũng khác nhau. Toong hiện có khoảng 85% doanh thu đến từ khách hàng thuê văn phòng riêng, phần còn lại từ chỗ ngồi linh hoạt và phòng họp. Khách của Toong phần lớn là công ty thuê dài hạn, quy mô từ 20 người trở lên.
Trong khi đó, WorkFlow hướng đến khách hàng cá nhân, nhóm nhỏ và theo mô hình kết hợp giữa không gian cà phê và co-working, tạo ra dòng tiền từ bán đồ ăn uống và từ co-working.
Bình luận hay