![]() |
Ảnh Thanh Đạm |
Mọi việc đã có Nhà nước lo, chúng tôi chỉ dồn sức vào chuyên môn, tuy nhiên do bao cấp nên một số điều kiện và phương tiện chữa bệnh cũng bị hạn chế.
Hiện nay bệnh nhân khi nằm điều trị đều phải có một nguồn kinh phí: từ chính bệnh nhân và gia đình, từ Nhà nước, từ bảo hiểm, từ các nguồn từ thiện và tài trợ xã hội... và viện phí bây giờ là một nỗi lo lớn của bệnh nhân. Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân không đồng ý nằm bệnh viện và nhất là không đồng ý mổ chỉ vì một lý do duy nhất: không có tiền đóng viện phí.
Ngày thứ sáu cuối tuần. Bệnh nhân Nguyễn Thị H., 65 tuổi, đến khám ở phòng khám chuyên khoa phẫu thuật lồng ngực và tim mạch với chẩn đoán ung thư thùy trân phổi phải, giai đoạn 3, có chỉ định phẫu thuật. Người nhà bệnh nhân, một cô gái trẻ, sau khi bàn bạc trong gia đình đã đồng ý để mẹ cô nhập viện. Tuy nhiên, điều thắc mắc cuối cùng của cô là tổng số viện phí sẽ là bao nhiêu để người nhà còn chuẩn bị. Chúng tôi cũng chịu, chỉ nói được con số áng chừng, nói mà lòng rất lo lắng.
Ngoại trừ những trường hợp cấp cứu, có hai hình thức thu viện phí: tiền thu và hậu thu. Tiền thu có nghĩa là điều trị trọn gói, với một loại bệnh, tùy tình hình thực tiễn của nền y tế và thu nhập của người dân, các nhà quản trị y tế tính ra được chi phí trọn gói cho một loại bệnh. Cách thu này có nhiều điểm lợi: với bệnh nhân, họ sẽ chuẩn bị được viện phí bằng nhiều cách: ứng lương, vay mượn, rút tiền tiết kiệm, tìm kiếm các nguồn tài trợ...; các cơ quan bảo hiểm cũng định được kế hoạch chi trả cho bệnh viện; bệnh viện cũng lên được kế hoạch điều trị, không sợ thất thu, không sợ bệnh nhân trốn viện...
Muốn làm được điều này phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các thầy thuốc và các nhà quản trị, các kỹ sư kinh tế, để xây dựng các phác đồ điều trị, tiết kiệm tối đa trong chẩn đoán và điều trị, tránh được sự thao túng của các hãng dược và thiết bị y tế. Trên thế giới, hầu hết các bệnh viện đều áp dụng hình thức thu viện phí này. Ở TP.HCM, theo hiểu biết của chúng tôi, chỉ có Viện Tim là thực hiện phương pháp tiền thu.
Hầu hết bệnh viện cả công và tư đều áp dụng phương pháp hậu thu, nghĩa là điều trị đến đâu thu tiền đến đó, một thói quen đã có từ lâu, đơn giản được công tác quản lý bệnh viện... nhưng lại có rất nhiều nhược điểm. Bệnh nhân không lường trước được mọi diễn tiến tài chính trong quá trình điều trị, phải vay mượn, cầm cố tài sản mà vẫn không biết bao giờ khỏi phải lo nữa. Nhiều trường hợp phải bỏ dở điều trị, trốn viện gây thất thu cho bệnh viện. Về phía bệnh viện, nhiều tiêu cực xảy ra như sử dụng các loại thuốc và trang thiết bị cũng như cho những xét nghiệm không theo bệnh mà theo gợi ý của các hãng dược, lãng phí trong quá trình điều trị và mổ xẻ; có nhiều trường hợp đã thất thu viện phí, gây tâm trạng căng thẳng giữa nhân viên y tế và bệnh nhân.
Bình luận hay