16/05/2009 06:01 GMT+7

Chia tay người của "Nếp cũ"

LAM ĐIỂN
LAM ĐIỂN

TT - Tôi biết không thật nhiều về cụ Toan Ánh nhưng cũng như không ít người khác, vẫn luôn luôn quý cụ ở tuổi tác và về những gì cụ đã đóng góp rất đáng kể cho sự tìm hiểu về phong tục, tập quán và con người Việt Nam.

Phóng to
Tháng 5-2004, NXB Trẻ ký hợp đồng mua tác quyền toàn bộ tác phẩm của cụ Toan Ánh (ảnh) trong thời hạn đến năm 2015. Từ đó đến nay đã có gần 20 tác phẩm của cụ được in lại một cách có hệ thống theo hình thức Toan Ánh toàn tập - Ảnh: L.Điền

Chúng tôi còn quý cụ ở một số đức tính khác: hiền lành và khiêm tốn, chuyên cần tự học, làm việc âm thầm, nhẫn nại và theo đuổi chí hướng đến cùng trong việc tìm hiểu để ghi lại một cách có hệ thống tất cả những gì có liên quan đến phong tục, nếp sống của người Việt Nam từ gia đình đến ngoài xã hội.

Nhà văn Toan Ánh từ trần

Nhà văn Toan Ánh đã trút hơi thở cuối cùng giã từ học giới VN lúc 23g50 ngày 14-5 sau hơn 10 ngày nằm bệnh tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Sinh năm 1915 tại Thị Cầu, Bắc Ninh, nhà văn Toan Ánh, tên thật là Nguyễn Văn Toán, bắt đầu viết văn từ năm 1934. Ông gắn bó mật thiết với đề tài văn hóa truyền thống của VN từ nông thôn đến thành thị, từ Bắc vào Nam và để lại cho đời khoảng 124 tác phẩm có giá trị học thuật.

Bạn đọc vẫn nhớ đến nhà văn Toan Ánh với các tác phẩm: Nếp cũ gồm 11 cuốn, Việt Nam chí lược, tập truyện Trong lũy tre xanh (1957) phê phán hủ tục làng quê, Phong lưu đồng ruộng (1958), Bó hoa Bắc Việt (1958), Tiết tháo một thời (1957).

Linh cữu nhà văn Toan Ánh hiện đang quàn ở nhà riêng tại 20/302C Phan Huy Ích, P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Lễ viếng bắt đầu lúc 8g ngày 16-5, lễ động quan lúc 8g ngày 19-5, sau đó đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa.

Nối tiếp một số cụ tiền bối như Phan Kế Bính, Ngô Tất Tố, Chu Thiên..., nhà văn Toan Ánh bắt đầu khuynh hướng viết tiểu thuyết phong tục của mình từ năm 1957 với truyện ngắn Trong lũy tre xanh, và mấy bộ tiểu thuyết cùng loại đề tài sau đó như Ký vãng (1958), Nếp xưa (1962)... Nếp xưa là một tiểu thuyết tài hoa và đầy sức hấp dẫn mà vẫn đảm bảo được tính học thuật nghiêm túc, kết tinh từ năng khiếu quan sát, ghi nhận cuộc sống ở khía cạnh phong tục, nếp sống xưa và thủ pháp thể hiện sinh động của tác giả.

Ấy là vì cụ Toan Ánh đã sống hết mình trong không gian cụ từng hít thở, trải nghiệm từ khi bắt đầu lớn khôn đến lúc thâm nhập cuộc sống với một lòng thiết tha yêu đời, yêu người và cảm nhận chân thành về quê hương xứ sở.

Không giới hạn trong phạm vi tiểu thuyết, từ cuối những năm 1950 nhà văn Toan Ánh kiên trì biên khảo về phong tục, tập quán, với khởi đầu là quyển Phong lưu đồng ruộng kể lại sinh động những thú vui tao nhã của người Việt ở nông thôn miền Bắc.

Sau đó ông ngày càng mở rộng đề tài với bộ sách tiêu biểu lấy tên chung "Nếp cũ", bao gồm một loạt chủ đề mang tính hệ thống liên quan đến mọi khía cạnh sinh hoạt của đất nước: Hội hè đình đám (1970), Tín ngưỡng Việt Nam (1971), Con người Việt Nam (1972), Làng xóm Việt Nam (1978), Tiêu khiển Việt Nam (năm quyển cho năm đề tài khác nhau từ 1978-1996)... Ngoài ra còn có Cầm ca Việt Nam (1974), Trang sức Việt Nam (1996)...

Ðó là những đóng góp quan trọng cho kho kiến thức văn hóa Việt cũng là một phần của Việt Nam học. Cụ Toan Ánh nổi bật trong số không nhiều người viết về phong tục Việt Nam từ xưa đến nay bởi cụ đã tập trung cả cuộc đời mình vào một công việc chuyên nhất ấy. Những công trình của cụ như nhịp dẫn đưa thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay trở về tìm hiểu nếp xưa của ông bà mình, tìm về nguồn cội với một hệ thống kiến thức cần tham khảo để vận dụng cho đời sống hiện tại.

Thượng thọ ở tuổi 94, cụ Toan Ánh ngồi chung chiếu với những người xưa nay cực quý hiếm, bản thân cụ với tuổi đời như thế đã là đáng quý lắm rồi. Nhiều nhà văn, nhà giáo, nhà hoạt động văn hóa cùng thế hệ và là bạn bè của cụ cũng đã lần lượt qua đời trước đó, như Nguyễn Hiến Lê, Vương Hồng Sển, Giản Chi, Bàng Bá Lân, Sơn Nam... để lại cho cụ một tuổi già khá cô đơn và buồn bã, mặc dù cụ vẫn luôn được con cháu chăm sóc một cách tận tình, chí hiếu.

Cuối đời, với việc được Nhà xuất bản Trẻ tổ chức in lại một số tác phẩm biên khảo tiêu biểu về phong tục, theo một hợp đồng có tính hỗ trợ, nhiều người quen biết trông thấy cụ vui lắm và cụ đã không giấu được một nỗi tự hào thật xứng đáng mà cũng thật dễ thương, mỗi khi nhắc nhớ lại những việc mình đã làm được cho đời.

Cụ Toan Ánh mất đi nhưng những kiến thức cụ thu thập ghi chép được vẫn còn đó, với trên 120 tác phẩm đủ loại, chắc chắn sẽ trở thành một kho tư liệu tham khảo rất quý dành lại cho những thế hệ mai sau.

LAM ĐIỂN

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Huỳnh Long rần rần ngày trở lại

Tối 17-5, đông đảo khán giả đã đến ủng hộ Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long giới thiệu vở mới Giang sơn mỹ nhân.

Huỳnh Long rần rần ngày trở lại

Ông Nguyễn Thế Kỷ hoàn thành bộ tiểu thuyết 5 tập ‘ôm trọn’ cuộc đời Bác Hồ

Bộ tiểu thuyết ‘ôm trọn’ cuộc đời Bác Hồ mang tên 'Nước non vạn dặm' vừa được nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cho ra mắt trọn bộ.

Ông Nguyễn Thế Kỷ hoàn thành bộ tiểu thuyết 5 tập ‘ôm trọn’ cuộc đời Bác Hồ

Check-in đã đời cùng mèo ú Doraemon trước thềm movie 2025 ra mắt

Nhân dịp tròn 45 năm loạt phim điện ảnh Doraemon ra mắt, một sự kiện đặc biệt đang diễn ra tại trung tâm thương mại Vincom Landmark 81 (TP.HCM) từ ngày 17-5 đến 1-6, thu hút sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ mọi lứa tuổi.

Check-in đã đời cùng mèo ú Doraemon trước thềm movie 2025 ra mắt

Hàng chục ngàn người về chùa Tam Chúc chiêm bái xá lợi Phật trong ngày đầu tiên

Ngày đầu tiên xá lợi Phật tôn trí tại chùa Tam Chúc, hàng chục ngàn người từ khắp mọi nơi đã về đây chiêm bái trong thành kính và trật tự.

Hàng chục ngàn người về chùa Tam Chúc chiêm bái xá lợi Phật trong ngày đầu tiên

100 người viết sách thì chắc chắn có đến 99 người không vì mục đích kiếm tiền

Phát biểu tại talkshow 'Cuốn sách đầu tay, hành trình ai cũng có thể bắt đầu', doanh nhân Nhan Húc Quân nói bà quyết định viết sách là nhờ sự khích lệ ban đầu của người thân, chứ không tính toán khi ra sách phải bán được bao nhiêu.

100 người viết sách thì chắc chắn có đến 99 người không vì mục đích kiếm tiền

Sài Gòn từng là 'Paris thu nhỏ' trong mắt người Pháp

Theo PGS.TS Trần Thị Mai, trong quá khứ, người phương Tây ví Sài Gòn còn lớn hơn Băng Cốc của Vương quốc Xiêm và không thua kém một số thành phố ở châu Âu. Vì vậy, họ đã từng quyết tâm xây dựng Sài Gòn thành một 'Paris thu nhỏ'.

Sài Gòn từng là 'Paris thu nhỏ' trong mắt người Pháp
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar