
Đó là ước mơ rất đơn giản của tôi.
Nhưng cuộc đời không ai biết được ngày mai. Những ước mơ được tôi thêu dệt và đếm từng ngày trong hai năm, trong lúc vẫn vừa học vừa làm thêm để giúp gia đình.
Lúc ấy tình hình chiến cuộc rất gay go, thành phố giới nghiêm 24/24. Và việc gì đến cũng phải đến.
Ngày 30-4-1975, đất nước thống nhất, ba tôi chỉ phải đi học tập 15 ngày tại địa phương, nhưng quay về đời thực cảnh khổ ập tới.
Đồng lương hằng tháng của ba tôi ngày nào không còn nữa. Một đàn con nheo nhóc đang tuổi mới lớn, mình má tôi đảm đương cơm áo gạo tiền hằng ngày, chuyện học ngành của tôi tiên lượng gãy gánh nửa chừng...
Những ngày sau giải phóng, trong cảnh nhà chồng chất khó khăn hơn, tôi đi công tác địa phương theo diện sinh viên học sinh, một tháng được lãnh 13kg gạo đỏ như gạo lức mang về, cả nhà mừng như được vàng.
Nhưng hai tháng sau, trường thông báo chuyển về Trường Nữ hộ sinh Long Xuyên để học tiếp tục năm cuối. Tôi tưởng đã phải chọn cho mình con đường nghỉ học, buồn lo cho số phận ngày sau không biết sẽ về đâu.
Ba tôi cũng buồn lo, ông tới gặp những người thân quen để than thở, trong đó có gia đình bác Hai Lê Thái - một người hàng xóm gần nhà nội tôi ngày xưa mà ba má tôi vẫn thường xuyên thăm nom, giữ tình xóm giềng cũ.
Nghe ba kể về chuyện học hành của tôi có cơ dang dở, hai bác cản và khuyên: "Chú cứ cho nó tiếp tục học đi, còn có một năm ráng rồi cũng qua, hằng tháng vợ chồng tôi tiếp cho tiền ăn cho đến khi ra trường. Chú đừng ngại, tôi có cơm thì giúp cơm, có cháo thì giúp cháo, chia nhau mà sống".
Câu nói ấy của bác Hai, trong cái thời buổi ai cũng khổ, như chiếc phao cứu sinh cho cả tôi và gia đình. Tôi lại được khăn gói lên đường theo nốt năm học cuối.
Nhưng "của cho không bằng cách cho". Tôi không bao giờ quên hình ảnh hằng tháng mình về Cần Thơ để nhận tiền. Tôi thường đến buổi tối, luôn được hai bác chào đón niềm nở vui vẻ, kéo ghế cho ngồi.
Bác Hai nồng nhiệt kêu: "Con ngồi đi! Con ngồi đi! Con mới về hả?". Bác gái mở tủ lấy tiền, đưa cho tôi 10 đồng thời bấy giờ.
Nhà tôi nghèo, chuyện phải đi vay mượn tiền không hiếm, nhưng đều là đến mượn với một tâm trạng e dè, thái độ khúm núm, chờ đợi... Với hai bác thì không.
Sự chân thành tốt bụng của hai bác đã xóa đi mặc cảm đi vay và cầu cạnh mà từ trước tới giờ tôi chưa nhận được từ ai. Một nải chuối trong vườn ba má sai chị em tôi đưa đến biếu bác, bác nhận vui vẻ rồi cũng cho tiền lại tụi tôi để ăn bánh một cách rất chân tình.
Sau nửa năm, tôi cố gắng tiện tặn dè sẻn, hai tháng mới về một lần để nhận tiền. Bác trai thắc mắc rồi nói: "Nếu con bận học, con ghi lại địa chỉ, bác gửi măngda (mandat, tiếng Pháp, nghĩa là thư chuyển tiền - BTV) lên cho con".
Lòng tôi cảm động, nhìn bác như nhìn ông bụt từ bi, tấm lòng vàng hiếm hoi giữa thời khốn khó.
Cũng từ đó, tôi quyết tâm học tập để không phụ lòng hai bác, bứt lên khỏi tình trạng trung bình hai năm trước, để năm cuối các môn học tôi đều đứng đầu bảng và ra trường với kết quả tuyệt vời.
Ra trường về Kiên Giang làm việc, hằng tháng tôi dành dụm tiền gửi trả cho hai bác, kèm những món quà nho nhỏ thời ấy, hai bác vui lắm.
Tuy nợ tiền đã trả xong, nhưng cái ân tình ngày nào hai bác dành cho gia đình tôi là một cái "ơn" lớn không bao giờ trả hết. Nhớ đến những nghĩa cử cao đẹp của hai bác, tôi tâm nguyện sống luôn yêu thương, giúp đỡ người nghèo không phân biệt thân sơ..., giúp đỡ những học sinh nghèo hiếu học như hai bác từng giúp tôi.
Bác trai giờ đã mất, bác gái đã già. Tôi vẫn đến thăm bác, kể cho bác nghe chuyện ngày xưa. Bác cười và nói: "Con nhắc bác mới nhớ...".

Bình luận hay