
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ I ngày 15-7 - Ảnh: VGP
Ngày 15-7, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 đã chính thức khai mạc. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo đại hội.
Ngành ngoại giao quyết tâm vươn mình cùng dân tộc
Dự đại hội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao cùng gần 300 đại biểu đại diện cho hơn 12.000 đảng viên trong Đảng bộ Bộ Ngoại giao.
Tại đại hội, các đại biểu đã thảo luận đóng góp vào các báo cáo và dự thảo quan trọng, thảo luận sâu sắc về các vấn đề như ngoại giao kinh tế, ngoại giao khoa học công nghệ...
Báo cáo chính trị tại đại hội nêu rõ nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ Bộ Ngoại giao thực hiện hợp nhất với Đảng bộ ngoài nước, Ban Đối ngoại Trung ương và tiếp nhận một số chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Đồng thời thực hiện tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương.
Trong bối cảnh tình hình thế giới đang chuyển biến nhanh, phức tạp, nhiệm kỳ 2025-2030 được xác định là giai đoạn đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Điều này mở ra nhiều thời cơ, vận hội mới, song cũng đặt ra trọng trách và yêu cầu nhiệm vụ mới, nặng nề hơn đối với công tác đối ngoại và ngoại giao.
Toàn thể cán bộ, đảng viên Bộ Ngoại giao tiếp tục nâng cao quyết tâm chính trị, nỗ lực hơn nữa triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Bên cạnh đó, xây dựng Đảng bộ và ngành ngoại giao thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, hiện đại, đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi tầm nhìn, mục tiêu 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước.
Đại hội cũng đã ra mắt Ban Chấp hành khóa mới và bầu đoàn đại biểu Bộ Ngoại giao dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Quyết định của Đảng ủy Chính phủ cũng được công bố, trong đó chỉ định Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2025 - 2030 gồm 10 người, do ông Bùi Thanh Sơn làm bí thư Đảng ủy.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại đại hội - Ảnh: VGP
Góp phần phát triển kinh tế là trọng tâm
Thay mặt Đảng ủy Chính phủ phát biểu chỉ đạo đại hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Tô Lâm, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đại hội.
Ông đánh giá trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Bộ Ngoại giao tiếp tục chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó đã tiếp nhận các chức năng, nhiệm vụ của Ban Đối ngoại Trung ương và một số nhiệm vụ của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Kiện toàn giảm 2 đơn vị cấp tổng cục, giảm 16 đơn vị, khoảng 40% đầu mối cấp cục, vụ.
Bộ Ngoại giao trở thành cơ quan chủ trì, quản lý thống nhất và triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại trên cả 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Thời gian tới, Thủ tướng nhận định tình hình thế giới, khu vực có thể còn diễn biến phức tạp hơn, do đó ngành ngoại giao phải nỗ lực với những cách làm mới, đột phá so với trước.
Ngành ngoại giao phải tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, trọng yếu, nòng cốt trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa... cũng như làm sâu sắc hơn trường phái ngoại giao cây tre và phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến" trên mặt trận ngoại giao, với tinh thần mỗi cán bộ ngoại giao phải là một chiến sĩ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Ban Thường vụ Đảng bộ Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2025 - 2030 - Ảnh: VGP
Thủ tướng yêu cầu ngành ngoại giao phải theo dõi thường xuyên, nắm chắc tình hình khu vực và thế giới, không để Đảng, Nhà nước bất ngờ trước các vấn đề mới.
Đồng thời góp phần phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Bên cạnh đó, kết hợp hài hòa giữa đường lối đối ngoại và đối nội; thực hiện hiệu quả cuộc cách mạng "sắp xếp lại giang sơn"; thực hiện "bộ tứ trụ cột" các nghị quyết mới được Bộ Chính trị ban hành, nhất là về Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Ông cũng yêu cầu ngành ngoại giao góp phần phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Ngoài ra thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, dân tộc hóa văn minh nhân loại và quốc tế hóa tinh hoa văn hóa dân tộc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng Bộ Ngoại giao, ngành ngoại giao sẽ thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Bình luận hay