29/05/2024 09:41 GMT+7
Trở lại chủ đề

Cần cởi mở với báo chí ghi âm, ghi hình tại tòa

Ngày 28-5, Quốc hội thảo luận một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi). Đáng chú ý, quy định liên quan ghi âm ghi hình tại phiên tòa đã nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình giải trình tại Quốc hội - Ảnh: GIA HÂN

Chánh án Nguyễn Hòa Bình giải trình tại Quốc hội - Ảnh: GIA HÂN

Tại báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc ghi âm ghi hình phiên tòa (tại điều 141 dự luật) được chia thành hai phương án trình Quốc hội cho ý kiến.

Tin tức phiên tòa đưa tràn lan trên mạng xã hội

Phương án 1 quy định việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.

Tòa án tiến hành ghi âm lời nói, ghi hình ảnh toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.

Việc sử dụng, cung cấp kết quả ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa được thực hiện theo quy định của pháp luật. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết khoản này.

Phương án 2 không quy định việc ghi âm, ghi hình như trên mà thực hiện theo quy định của các luật tố tụng và pháp luật có liên quan.

Nêu ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu thực tế cho thấy rất nhiều vụ việc, vụ án được đưa tin tràn lan trên báo chí, mạng xã hội, Internet một cách không chính thống.

Cùng với đó, các ý kiến trái chiều từ rất nhiều người dùng mạng xã hội đã tạo ra áp lực không nhỏ tác động tới người tiến hành tố tụng tham gia vụ án.

Đồng thời có ảnh hưởng tiêu cực đến công tác xét xử, công tác tuyên truyền pháp luật, hơn nữa ảnh hưởng trực tiếp đến quyền cá nhân, quyền con người đã được quy định rất rõ trong Hiến pháp. Bởi vậy, việc quy định chặt chẽ hơn về hoạt động ghi âm, ghi hình tại phiên tòa là vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, bà Nga cho rằng không nên chỉ giới hạn việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án công bố quyết định mà cần giới hạn thêm việc ghi âm. Bà lý giải, nguyên tắc công khai là công khai toàn bộ phiên tòa không chỉ là thời gian khai mạc tuyên án hay công bố quyết định.

Nhưng nếu cứ để người dân tự do ghi âm, ghi hình trong cả quá trình xét xử sẽ ảnh hưởng đến quá trình xét xử vì ít nhiều cũng tạo nên sự lộn xộn. Hơn nữa với những phiên tòa xử các vụ án như án ly hôn, án kinh doanh có nhiều bí mật đời tư của các cá nhân liên quan, có bí mật doanh nghiệp, bí mật kinh doanh.

Nếu ghi âm, ghi hình tràn lan rồi đưa thông tin đã cắt gọt lên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các cá nhân, các tổ chức có liên quan, nhất là hiện nay việc xử phạt những vi phạm trên môi trường không gian mạng của chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, theo bà Nga, cần có sự phân biệt đối tượng được phép ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Trong đó, bà nhấn mạnh nên quy định cởi mở hơn việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa đối với phóng viên báo chí, truyền hình.

Bởi họ là những người được đào tạo bài bản, có chuyên môn lại bị ràng buộc bởi công việc nên việc thông tin chắc chắn sẽ có sự chuyên nghiệp và tính khách quan hơn. Đây cũng chính là ý kiến kiến nghị của nhiều cử tri là phóng viên, kỹ thuật viên truyền hình, báo chí mà bà đã nhận được.

Quy định ghi âm, ghi hình để duy trì trật tự, tôn trọng quyền con người

Giải trình nội dung này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết điều 141 của dự thảo luật không quy định quyền truyền thông. Ông nói dự luật chỉ điều chỉnh điều luật này trong phòng xét xử, còn ra ngoài hành lang phỏng vấn ai, quay phim ai thì tòa án không có quyền can thiệp.

Nhưng trong phòng xét xử thì phải quy định như trong điều luật ở đây. Ông cũng nhắc lại việc một số đại biểu đã phân tích việc này nhằm nâng cao hiệu quả để duy trì trật tự và để tôn trọng quyền con người.

Có đại biểu đặt vấn đề chỉ cần một bên đồng ý ghi âm ghi hình nhưng bên kia không đồng ý cũng ảnh hưởng đến quyền con người. Nói về điều này, ông Bình dẫn chứng: "Chúng ta cứ hình dung vợ chồng ly dị thì rất nhiều lý do.

Vợ đồng ý nói trước truyền thông thì có thể ảnh hưởng đến đời tư của chồng. Không thể một bên đồng ý cho phép truyền thông đưa lên mạng câu chuyện này.

Tương tự như vậy, hai bên tranh chấp với nhau, người A kiện người B, doanh nghiệp này kiện doanh nghiệp kia, ai cũng bảo mình thắng thì sẽ lấy tư liệu bất lợi cho bên kia, cho nên vi phạm đời tư của người khác". Vì vậy, ông Nguyễn Hòa Bình xin phép cho giữ nguyên quy định như dự thảo luật.

Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (ủy viên Ủy ban Pháp luật):

Phóng viên phải chịu trách nhiệm về băng ghi âm, ghi hình

Đại biểu PHẠM VĂN HÒA

Đại biểu PHẠM VĂN HÒA

Việc quy định trong dự thảo luật về ghi âm ghi hình, tôi cho rằng có thể gây mâu thuẫn, không phù hợp với Luật Báo chí hiện hành.

Tôi cho rằng ban soạn thảo cần cân nhắc lại quy định này để đảm bảo quyền tác nghiệp của nhà báo đã được Luật Báo chí quy định.

Tôi cũng thống nhất chỉ được thực hiện ghi âm, ghi hình trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.

Tuy nhiên, đối với những trường hợp phóng viên muốn ghi âm, ghi hình các đối tượng bị cáo, bị can, nguyên đơn... mà người ta đồng ý thì nên cho phép. Còn với thẩm phán, hội đồng xét xử nếu muốn ghi âm, ghi hình thì người ta đồng ý mới được thực hiện.

Trường hợp họ không đồng ý thì thôi. Thực tế thời gian qua có một số clip, bản ghi âm... bị cắt xén, ghép, không phản ánh đúng bản chất, tính chất của vụ án bị tung lên mạng. Việc này rõ ràng là không được.

Do vậy, với các nhà báo, phóng viên khi tham gia phiên tòa, thực hiện việc ghi âm ghi hình phải đúng, rõ, cụ thể và chịu trách nhiệm về các băng ghi âm, ghi hình của mình. Nếu có vi phạm sẽ bị xử lý.

Cùng với đó, muốn đăng tải các sản phẩm này cần được sự đồng thuận của tổng biên tập nên trách nhiệm của tổng biên tập về những nội dung này rất quan trọng. Khi tổng biên tập có trách nhiệm rõ ràng, sẽ không ai dám đưa những thông tin cắt xén và hình ảnh xấu lên mạng xã hội.

Luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn luật sư Hà Nội):

Không được ghi âm tại tòa, bài báo không có bằng chứng

Luật sư Hoàng Văn Hướng

Luật sư Hoàng Văn Hướng

Theo tôi, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung của Luật Tổ chức tòa án có phương án về việc hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên tòa là không khách quan, gây khó khăn cho báo chí trong tác nghiệp.

Các cơ quan thông tấn báo chí là một bên để thu thập các thông tin, phản ánh những hiện tượng xã hội và qua đó thực hiện mục đích tuyên truyền pháp luật nên rất cần được công khai ghi âm, ghi hình trong các phiên tòa.

Tòa án chỉ có thể hạn chế được trong một số trường hợp như những vụ án phải bảo đảm bí mật và an ninh quốc gia, những vụ án xâm phạm vào danh dự nhân phẩm của phụ nữ, trẻ em và một số trường hợp khác, còn việc cấm tuyệt đối không ghi âm ghi hình tại tòa đối với các cơ quan báo chí tác nghiệp là không đúng và không khách quan.

Thời gian qua báo chí theo dõi, tường thuật phiên tòa là một cách cung cấp thông tin, diễn biến toàn cảnh phiên tòa cho bạn đọc. Báo chí cũng phải chịu trách nhiệm về những thông tin mình đăng tải.

Thực tế các vấn đề phát sinh gây tranh luận tại phiên tòa rất phổ biến. Báo chí khi truyền tải thông tin đến với bạn đọc phải chịu trách nhiệm về những nội dung này. Và một trong những chứng cứ để nhà báo thiết lập bằng chứng, căn cứ để viết bài chính là nguồn tư liệu từ ghi âm, ghi hình.

Đặt giả thiết tại phiên tòa công khai, đương sự hoặc bị can, bị cáo có phát biểu một câu nói đó, nhà báo ghi chép bằng tay để đăng báo. Tuy nhiên khi bài báo được xuất bản, đương sự, bị cáo cảm thấy lời nói đó không có lợi cho mình nên khiếu nại đến cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí rằng mình không nói câu đó ở tòa thì nhà báo có nguy cơ đứng trước việc đăng tin sai sự thật.

Bởi luật không có quy định và thực tế không có hội đồng xét xử nào cung cấp file ghi âm cho báo chí để các nhà báo chứng minh điều đương sự bị can đã nói ở tòa là sự thật. Khi không có chứng cứ, nhà báo và cơ quan báo chí sẽ đứng trước nguy cơ bị khởi kiện, thậm chí bị khởi tố vì vu khống.

Các nhà làm luật có thể nghi ngại khi người dân sử dụng các thông tin tại phiên tòa vào mục đích khác.

Tuy nhiên, sự lo lắng này là không cần thiết bởi bất kể một cá nhân nào mà sử dụng các thông tin không đúng mục đích gây ra mất an ninh trật tự, xâm phạm vào quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, cơ quan tổ chức hay nhà nước thì sẽ bị xử lý bằng các chế tài rất cụ thể.

Tùy theo tính chất mức độ nguy hiểm có thể từ xử phạt hành chính cho đến xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình giải trình về đổi tên tòa tỉnh, huyện, ghi âm ghi hình tại phiên tòa

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ việc đổi tên tòa án cấp tỉnh, huyện là xu thế và "hôm nay chúng ta không làm thì con cháu chúng ta sẽ phải làm".

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Hình ảnh các loại thực phẩm chức năng giả bị Công an Hà Nội phát hiện, thu giữ

Các nghi phạm khai nhận đã sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế giả từ năm 2020 và bán tại các hiệu thuốc, bệnh viện rải rác trên toàn quốc.

Hình ảnh các loại thực phẩm chức năng giả bị Công an Hà Nội phát hiện, thu giữ

Bị công an giả tính lừa hơn 3 tỉ đồng, cụ bà 77 tuổi tỉnh táo lên báo công an phường

Công an Hải Dương đã kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với số tiền hơn 3 tỉ đồng.

Bị công an giả tính lừa hơn 3 tỉ đồng, cụ bà 77 tuổi tỉnh táo lên báo công an phường

Bảo hiểm PJICO đột ngột cho nhiều 'sếp lớn' thôi chức

PJICO - hãng bảo hiểm top đầu khối phi nhân thọ, xem việc bán bảo hiểm xe cơ giới là 'nghiệp vụ xương sống', vừa có sự thay đổi lớn trong dàn nhân sự cấp cao.

Bảo hiểm PJICO đột ngột cho nhiều 'sếp lớn' thôi chức

Thêm nghi phạm ra đầu thú liên quan đến bảo kê vùng biển Kiên Giang

Thêm một nghi phạm đã ra đầu thú với cơ quan Công an tỉnh Kiên Giang liên quan đến vụ án tranh chấp ngư trường, bảo kê mặt biển ở vùng biển An Minh.

Thêm nghi phạm ra đầu thú liên quan đến bảo kê vùng biển Kiên Giang

Công an Hà Nội phá chuyên án 100 tấn thuốc tân dược, thực phẩm chức năng giả

Công an thành phố Hà Nội vừa phá chuyên án, bắt giữ 7 nghi phạm, thu giữ trên 100 tấn thuốc tân dược và thực phẩm chức năng giả trên địa bàn toàn quốc.

Công an Hà Nội phá chuyên án 100 tấn thuốc tân dược, thực phẩm chức năng giả

Khởi tố, bắt giam 2 người Trung Quốc đào lăng mộ vua Lê Túc Tông tìm cổ vật

Ngày 16-5, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết vừa khởi tố, bắt tạm giam Shen JiangYang, 43 tuổi; Deng ZhiJi, 41 tuổi, trú tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), để điều tra về tội “xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” liên quan vụ đào lăng mộ vua Lê Túc Tông.

Khởi tố, bắt giam 2 người Trung Quốc đào lăng mộ vua Lê Túc Tông tìm cổ vật
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar