
Lượng ca nô tại xã Nhơn Lý tạm ngừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan chức năng sau khi xảy ra vụ mô tô nước gây tai nạn nghiêm trọng - Ảnh: H.Đ.
Ông Nguyễn Hữu Đảo - giám đốc Công ty du lịch cộng đồng Khánh An (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) - cho biết từ sau khi có quyết định tạm dừng ca nô, mô tô nước không đủ điều kiện hoạt động từ ngày 2-5 đến nay, lượng khách đi tour biển đảo giảm mạnh.
Ca nô có đăng ký, đăng kiểm phải nằm bờ vì chưa có vùng, tuyến hoạt động
"Hầu hết ở xã Nhơn Lý các hộ kinh doanh đều phải vay tiền mua ca nô. Dù có đăng ký, đăng kiểm nhưng theo quy định hiện tại của Sở Xây dựng là chưa công bố vùng hoạt động bến thủy đón trả khách thì vẫn không được hoạt động" - ông Đảo nói.
Theo ông, mô tô nước là hoạt động thể thao dưới nước, không phải là phương tiện chính để chở khách đi tham quan biển đảo như ca nô.
Do vậy ông đề nghị nên tạo cơ chế đặc thù để ca nô được hoạt động, vì khu vực Nhơn Hải, Nhơn Lý phải dùng bến bãi… đón khách chứ không có cầu cảng và cũng chỉ đón mùa sóng êm. Việc hoạt động cũng rất gần bờ, chưa đến 2 hải lý.
Theo ông Nguyễn Thành Danh - chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, việc dừng hoạt động ca nô ảnh hưởng lớn đến du lịch địa phương. Nhiều tour bị hủy, một số cơ sở du lịch đang tính đến chuyện bán ca nô để cắt lỗ.
Hiện địa phương kiến nghị nếu chưa công bố vùng, tuyến hoạt động thì tạm thời cho phép ca nô đủ điều kiện được hoạt động khi đã đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển có chứng chỉ, trang bị phao cứu sinh và chỉ hoạt động từ bờ đến điểm du lịch…
Gỡ khó cho hoạt động vận tải hành khách bằng ca nô
Ông Nguyễn Phương Nam - phó chủ tịch UBND TP Quy Nhơn - cho hay: “Tỉnh, địa phương và các sở ngành liên quan đang tìm cách tháo gỡ khó khăn cho cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ca nô, mô tô nước. Tuy nhiên do vướng nhiều điều kiện nên cần phải xem xét cụ thể”.
Trước đó Sở Xây dựng phối hợp Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP Quy Nhơn kiểm tra thực tế tại nhiều điểm du lịch. Qua kiểm tra cho thấy hoạt động vận tải thủy du lịch mang tính tự phát, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ. Các nhà đầu tư chưa quan tâm xây dựng bến thủy nội địa dù đã có quy hoạch.
Việc chưa đầu tư hạ tầng khiến tỉnh không thể công bố luồng tuyến, bến bãi chính thức, đồng nghĩa với việc các phương tiện không được cấp phép rời bến, đón khách. Nhiều phương tiện do người dân tự đóng hoặc mua trôi nổi, không đủ điều kiện đăng kiểm.
Ông Võ Văn Trịnh - phó giám đốc Sở Xây dựng Bình Định - thông tin sở đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về hướng tháo gỡ khó khăn cho hoạt động vận tải bằng ca nô. Đa số các ca nô hiện tại thuộc dạng SB, nhưng các tàu SI vẫn hoạt động được bình thường với điều kiện gió không quá cấp 4, sóng trên 2m.
Về vấn đề quản lý bến bãi, ông Trịnh cho biết hiện do địa phương quản lý.
Bà Nguyễn Thị Kim Chung - phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho hay UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ, phân công đến từng sở ngành, trong đó có việc rà soát các phương tiện, điều kiện hoạt động đảm bảo đúng quy định pháp luật, đảm bảo an toàn, sớm đưa vận tải bằng ca nô trở lại bình thường, phục vụ du khách trong mùa cao điểm du lịch.
Bình luận hay