16/07/2015 12:00 GMT+7

Bữa tiệc sách trong giỗ đầu nhà văn Tô Hoài

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Kỷ niệm ngày giỗ đầu của nhà văn Tô Hoài, Công ty sách Phương Nam vừa in xong một loạt chín đầu sách của ông, sẽ ra mắt tại hội thảo Tô Hoài - Một đời văn do Hội Nhà văn Hà Nội cùng phối hợp tổ chức vào ngày 18-7.

Một số đầu sách của nhà văn Tô Hoài sẽ ra mắt - Ảnh: Lam Điền

Vậy là bạn đọc lại có dịp gặp những trang viết của Tô Hoài trong danh mục các sách do Sách Phương Nam mua bản quyền từ gia đình nhà văn.

Trong lần in này có ba tập truyện ngắn: Khách nợ, Chiếc áo xường xám màu hoa đào, Chuyện để quên, bốn tập tiểu thuyết gồm: Miền Tây, Quê nhà, Quê người, Mười năm và hai tập bút ký: Ký ức phiên lãng Ký ức Đông Dương.

Gặp lại tác phẩm Tô Hoài cũng chính là gặp lại một phần lịch sử qua cái nhìn của một nhà văn tài hoa. Bốn tập tiểu thuyết về đề tài người nông dân theo cách mạng, hai quyển Miền Tây Mười năm thuộc danh sách các tác phẩm của Tô Hoài được chọn trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (năm 1996).

Tô Hoài đã sống trong lòng những biến động của người dân quê ông, của người dân nơi ông đến công tác và gắn bó, để từ vốn sống đó ông viết như một chiêm nghiệm, một cách nuôi sống kỷ niệm của ông và những người những việc ông có can hệ vào.

Hai tập bút ký mang tính chia sẻ về những chuyến đi: ba nước Đông Dương và một số nước xa hơn, ở nhiều châu lục khác: Á, Âu, Phi, Mỹ. Những câu chuyện đường xa, sự lạ thường được Tô Hoài nắm bắt cùng với “lịch sử cách mạng” của từng nơi, phù hợp với không khí của những chuyến đi du lịch mang màu sắc công cán, có thể xem đây như một mảng riêng trong văn phong của Tô Hoài.

Mảng truyện ngắn của Tô Hoài thật sự là những điều kỳ thú. Đọc truyện ngắn của ông, thấy tin cậy hơn một số người viết ký. Có lẽ chính vì ông đã sống quá nhiều trước khi viết, cuộc sống và trang văn quyện vào nhau, mà có phải một cuộc sống nhàn tẻ giản đơn của thời buổi ăn sung mặc sướng đâu, Tô Hoài đã sống xuyên qua nhiều thăng trầm ghê gớm của đất nước.

Thế nên truyện ông viết ra tự nhiên như hơi thở, nhưng lắm khi đặc dị và vô cùng quý giá bởi chỉ có những ai từng sống trong những hoàn cảnh đặc biệt mới thở được cái hơi cũng vô cùng đặc biệt ấy.

Như truyện Vượt Tây Côn Lĩnh, thật khó tìm đâu những trang viết về cái bi tráng, cùng kiệt của người lính Việt Minh buổi đầu đánh Pháp trên rẻo cao như vậy: hành quân ở đỉnh cao trong đêm rét đến bật lửa không cháy, ét xăng đổ ra vẫn không bén được lửa và trong đơn vị chốc chốc lại báo lên có một người vừa chết rét, y tá cũng chết cứng hàm, toàn đơn vị phải người này bấu người kia xem có còn sống không...

Hay như truyện ngắn Chiếc áo xường xám màu hoa đào, có lẽ những ai nghiên cứu về nhân vật Phùng Chí Kiên không thể bỏ qua truyện ngắn này. Ở đây, Tô Hoài khéo léo thuật lại vắn tắt những dấu mốc trong cuộc đời hoạt động của Phùng Chí Kiên, kể cả giai đoạn ông vào Sài Gòn với tên Phùng Ngươn Bình.

Nhưng bi thiết hơn cả là truyện kể về một phần nhỏ trong phần cuối cuộc đời của Phảy - người yêu Phùng Chí Kiên, từng đi từ vùng biên giới Lạng Sơn sang Hong Kong hoạt động cách mạng, rồi quay về chờ đợi người yêu trong vô vọng đến cuối đời...

Và trong tập Chuyện để quên có một truyện ngắn mang cái tên khô khốc Khiêng máy, nhưng đây hẳn là những tình tiết sống động về tờ báo Cứu Quốc những ngày tháng sơ tán lên rừng.

Những người thợ nhà in, thợ đúc chữ đã sống chết khiêng máy, vác giấy, chạy lánh giặc Pháp lùng bố trên núi cao... hi sinh người để giữ máy in, vừa chạy giặc vừa bảo quản giấy in khỏi mưa rừng và cả nguy cơ bị mối rừng ăn sạch trong một đêm... có lẽ là câu chuyện làm báo khó tìm thấy ở nền báo chí nào trên thế giới. Ấy nhưng những chuyện như thế lại làm nên văn nghiệp của Tô Hoài.

Hội thảo Tô Hoài - Một đời văn sẽ khai mạc vào 8g ngày 18-7 tại hội trường 1 Thư viện Hà Nội (47 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Theo ban tổ chức, hội thảo nhằm ghi nhận và đánh giá những đóng góp của Tô Hoài về các mảng, vì Tô Hoài viết rất nhiều đề tài, nhiều thể loại.

“Có một Tô Hoài du ký, một Tô Hoài tiểu thuyết, một Tô Hoài truyện ngắn, một Tô Hoài hồi ký - tự truyện, một Tô Hoài thiếu nhi... Chúng tôi mời các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ viết về ông, ban tổ chức đã có 20 bản báo cáo” - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, thành viên ban tổ chức, cho biết.

Dịp này, Sách Phương Nam phát hành cả các đầu sách của Tô Hoài được xuất bản trước đây gồm: Những ngõ phố (truyện vừa), Chuyện cũ Hà Nội (2 tập, hồi ký), Mẹ mìn bố mìn (tiểu thuyết), Giấc mộng ông thợ dìu (tản văn), Cát bụi chân ai (hồi ký), Chiều chiều (hồi ký), Ba người khác (tiểu thuyết), Kẻ cướp bến Bỏi (tiểu thuyết), Tạp bút.

LAM ĐIỀN

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Đại lễ Phật đản: Đoàn kết, hòa ái, tích cực kiến tạo thế giới hòa bình

Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569 - dương lịch 2025 diễn ra trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh tại Việt Nam Quốc Tự.

Đại lễ Phật đản: Đoàn kết, hòa ái, tích cực kiến tạo thế giới hòa bình

Trinh thám Edogawa Ranpo

Cộng đồng mê truyện trinh thám vừa đón nhận một tiểu thuyết trinh thám đặc sắc nhất của bậc thầy truyện trinh thám Nhật Bản Edogawa Ranpo (1894-1965) - tập Âm thú.

Trinh thám Edogawa Ranpo

PGS Bùi Hiền, người nổi tiếng với đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ, qua đời

PGS.TS Bùi Hiền, người 'nổi tiếng' với đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ gây tranh cãi gần chục năm trước, vừa qua đời chiều 11-5 tại nhà ở TP Việt Trì, Phú Thọ.

PGS Bùi Hiền, người nổi tiếng với đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ, qua đời

Còn đâu hương vị bánh khọt Vũng Tàu ngày xưa

Vũng Tàu có nhiều món đặc trưng như lẩu cá đuối, cá khoai, gỏi cá mai… Nhưng một số du khách đến nơi đây hài hước nói rằng trong sự lựa chọn của họ, bánh khọt mà đứng vị trí số 2 thì không có số 1.

Còn đâu hương vị bánh khọt Vũng Tàu ngày xưa

Gặp một Trần Trung Lĩnh rất khác với 'Sắc và Không'

Không còn một gã rocker cuồng nhiệt, cũng không còn pop art dí dỏm trào phúng, sự trở lại của Trần Trung Lĩnh tuổi trung niên với biểu hiện mang đến một trải nghiệm nghệ thuật tĩnh lặng mà đầy vang vọng tại ‘Sắc và Không’.

Gặp một Trần Trung Lĩnh rất khác với 'Sắc và Không'

Nhạc số: Mỗi lượt nghe trực tuyến mang về bao nhiêu tiền cho nghệ sĩ Việt?

Thị trường âm nhạc số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, các thách thức về bản quyền, nhân sự và công nghệ mới đang cản bước nghệ sĩ, ngay cả khi ca khúc của họ đạt hàng triệu lượt nghe.

Nhạc số: Mỗi lượt nghe trực tuyến mang về bao nhiêu tiền cho nghệ sĩ Việt?
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar