![]() |
Đám tang tập thể cho các nạn nhân của vụ thảm sát ở Houla được tổ chức ngày 26-5 - Ảnh: Reuters |
Một là tiếp tục kế hoạch Annan do Liên Hiệp Quốc bảo trợ. Kế hoạch này bao gồm sáu điểm, đã được chính quyền và các lực lượng đối lập chấp nhận. Theo đó, một lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ, quân đội chính phủ rút khỏi các thành phố lớn, mở đường cho các nhóm viện trợ nhân đạo và tiến hành cải cách chính trị. Tuy nhiên, nỗ lực này của Liên Hiệp Quốc đang gặp khó khăn vì bạo lực tiếp tục lan rộng.
Kịch bản thứ hai là sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào Syria, ủng hộ quân nổi dậy. Tính đến nay, Saudi Arabia, Qatar và nhóm Anh em Hồi giáo Syria đã cung cấp “lượng vũ khí đáng kể” cho lực lượng nổi dậy ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ về huấn luyện cũng như trang thiết bị, CNN dẫn lời James Traub thuộc Trung tâm Hợp tác quốc tế, một tác giả của tạp chí đối ngoại Mỹ Foreign Policy.
Tuy nhiên, Mỹ và các nước phương Tây hiện tỏ ra miễn cưỡng trong việc đi xa hơn sự can thiệp hiện giờ. Họ cũng khó lòng xin được một ủy nhiệm từ Hội đồng Bảo an cho hành động quân sự, nơi Nga và Trung Quốc nắm hai phiếu phủ quyết.
Kịch bản thứ ba là sự gia tăng áp lực ngoại giao thông qua những lệnh cấm vận cả về chính trị và kinh tế. Ngày 29-5, một số nước đã tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Syria, bao gồm Hà Lan, Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Canada.
Kịch bản cuối cùng là thu xếp một thỏa thuận để Tổng thống Bashar al-Assad từ bỏ quyền lực. Đề xuất này được gọi là “mô hình Yemen”, nơi Tổng thống Ali Abdullah Saleh đã từ nhiệm để tránh gây ra một cuộc nội chiến.
Báo Mỹ The New York Times nói nếu kịch bản này xảy ra, đích thân Tổng thống Barack Obama sẽ thúc đẩy “các dàn xếp chính trị thông qua thương lượng có thể làm hài lòng tất cả các nhóm đối lập ở Syria, nhưng đồng thời giữ lại một số thành phần cũ của chính quyền Assad”. Tuy nhiên, tình hình Syria và Yemen khác nhau và giải pháp này sẽ không dễ dàng.
* Ngày 30-5, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Susan Rice cảnh báo tình trạng bạo lực gia tăng ở Syria có thể sẽ lan rộng sang các nước khác trong khu vực nếu Hội đồng Bảo an không có đối sách kịp thời.
Đài truyền hình Mỹ CNN nói cuộc gặp của Hội đồng Bảo an diễn ra khi các giám sát viên của Liên Hiệp Quốc nói lại tìm thấy thêm 13 thi thể ở đông bắc Syria trong ngày 29-5. “Cuộc xung đột đã trở thành vô chính phủ và vũ khí ở khắp nơi. Tất cả các thành viên của hội đồng và cộng đồng quốc tế giờ phải xem xét có hành động hay không, bên ngoài kế hoạch Annan”, bà Rice nói, ý muốn nhắc đến kế hoạch hòa bình đã trở nên rất mong manh do ông Kofi Annan làm trung gian.
Tuy nhiên, Nga vẫn tỏ ra nghi ngờ về các lệnh cấm vận nhắm vào chính quyền Syria. Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin nói với các phóng viên rằng các lệnh cấm vận đơn phương đã rất nặng nề và các lệnh cấm vận mới chỉ có kết quả tiêu cực. Tuần tới, Hội đồng Bảo an dự kiến sẽ nghe một báo cáo của ông Annan, người vừa rời Syria ngày 30-5.
Vấn đề Syria đã thu hút sự chú ý ngày càng lớn của dư luận quốc tế kể từ sau vụ thảm sát hơn 100 thường dân, bao gồm nhiều phụ nữ và trẻ em ở thị trấn miền trung Houla tuần trước nhưng không tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm.
Bình luận hay