25/03/2021 09:35 GMT+7

Bé Rơi và hành trình sống kỳ diệu

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi ở rừng tràm ven biển thôn Hòa Bình, xã Quảng Hưng (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Tưởng số phận nghiệt ngã đã an bài thì bé được một người nhặt lá tràm phát hiện ở thời điểm sự sống và cái chết mong manh nhất.

Bé Rơi và hành trình sống kỳ diệu - Ảnh 1.

Sau khi được đưa vào bệnh viện, bé Rơi đã được các bác sĩ cứu sống và chăm sóc như con - Ảnh: QUỐC NAM

"Bé đã gặp quá nhiều bất hạnh ngay từ khi chào đời rồi. Cứu sống được bé kịp thời đã là điều may mắn. Chỉ có yêu thương mới bù đắp được những bất hạnh của bé.

Bác sĩ Lê Thị Ngọc Hân

Sau đó, các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình cấp cứu, gắp từng con dòi trong tai, trong rốn bé và xử lý nhiễm trùng, giành lại sự sống cho bé.

Tiếng khóc trong rừng vắng

Không biết bố mẹ bé là ai, cũng chưa đến ngày đủ tháng để làm lễ đặt tên, nên y bác sĩ ở đây gọi bé bằng cái tên nghe quặn thắt: bé Rơi. Bé Rơi hiện vẫn được nằm trong lồng kính để chăm sóc đặc biệt nhưng đã hồi phục gần như hoàn toàn. Không ai còn nhận ra một thân thể đầy vết lở loét và hơi thở yếu ớt nữa. Nhưng người tìm thấy bé cũng như những người cứu sống bé vẫn chưa nguôi xót xa cho một phận người.

Ngôi nhà chị Hồ Thị Khâm ở ven nhánh sông nhỏ chảy vắt qua thôn Hòa Bình vừa trải qua những ngày vô cùng đặc biệt. Không phải vì chị là người Vân Kiều duy nhất từ tận miền rừng núi Hướng Việt (Quảng Trị) về lấy chồng ở miền biển này mà vì chị vừa cứu được một bé gái sơ sinh ở rừng tràm ven biển.

Thấy người lạ đến, chị từ sau nhà chạy liền ra hỏi có phải người từ bệnh viện về không. Rồi không chờ người lạ trả lời, chị vội vàng hỏi "đứa bé ra răng rồi" liên tiếp bằng giọng lơ lớ của người Vân Kiều.

Chị nói rằng như nhân duyên từ trên trời rơi xuống và cũng thành thật mình không phải là người đầu tiên phát hiện bé gái sơ sinh ở rừng tràm. Nhưng chị là người duy nhất "dám" chạy ngay về phía có cháu bé để tìm cứu cháu.

Câu chuyện bắt đầu từ một bé gái tên Nguyễn Thị Thu Hương, học lớp 6, ở ngay sát nhà chị Khâm vào chiều 4-3. Chiều muộn, Hương cùng mẹ Phan Thị Trúc đạp xe xuống khu rừng ven biển cách nhà gần cây số, nhặt lá tràm nấu cám cho lợn ăn. Khu rừng nằm cách biệt khu dân cư và rậm rạp nên lâu lâu mới có người đến. "Hai mẹ con chia hai ngã hốt lá tràm. Cháu đi vô chỗ cách đường bêtông khoảng 50m thì giật mình khi nghe tiếng trẻ con khóc yếu ớt" - bé Hương kể.

Bé Hương hét gọi mẹ. Hai mẹ con cùng đi theo hướng có tiếng khóc nhưng chỉ dám đứng từ xa, không dám đến gần. "Ở ngay một bụi cây khá rậm có một bao tải nhỏ. Tiếng khóc phát ra từ trong bao đó. Nhưng yếu lắm. Chỉ thi thoảng mới nghe một tiếng é nhỏ" - bé Hương kể tiếp.

Cả mẹ con đều sợ nên chạy nhanh về nhà gọi người. Chị Khâm là người đầu tiên nghe câu chuyện. Chị nói thật mình cũng sợ lắm. Nhưng chị đã có 4 đứa con, thấy lòng mình đau khi nghĩ đứa trẻ nằm trong bao tải giữa rừng. Chị vùng dậy chạy về phía mẹ con bé Hương kể.

Vài người trong xóm đi theo sau. Đến nơi, chị Khâm lật chiếc bao có đứa trẻ sơ sinh đang thoi thóp, thở đứt từng hơi. Chị lột hết lớp bao, ôm bé về nhà mình rửa qua, quấn mấy lớp áo rồi ôm chạy ra trạm xá xã. "Đứa bé chỉ to hơn cái chai bị loét khắp người. Chỉ còn mắt lim dim. Có lẽ bé đã bị bỏ đói quá lâu nên khô quắt. Không biết ai nỡ nhẫn tâm đến thế" - chị Khâm vẫn chưa hết xót xa nói.

Bé Rơi và hành trình sống kỳ diệu - Ảnh 3.

Chị Khâm (áo hoa) và bé Hương chỉ lại nơi đã tìm thấy bé Rơi trong rừng tràm ven biển - Ảnh: QUỐC NAM

Sống sót kỳ diệu

Hơn nửa tháng kể từ ngày được đưa vào cấp cứu tại khoa nhi Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình, bé sơ sinh kém may mắn đã được các y bác sĩ ở đây giành lại sự sống. Hiện bé vẫn nằm trong lồng kín nhưng sức khỏe đã ổn định, khuôn mặt đã hồng hào. Các y bác sĩ ở đây mừng như chính con mình được cứu sống khi bé đã tăng được 0,5kg và có thể trở lại sống cuộc sống gần như của một đứa trẻ bình thường. Bé được yêu thương, chăm sóc mỗi ngày chứ không phải bị bỏ đói, lạnh lẽo giữa rừng tràm.

Không người thân, lại được tìm thấy giữa rừng tràm, nên các y bác sĩ tạm ghi lên mục họ và tên của cháu trong bệnh án là: bé Rơi. Một miếng vải dính nhỏ ghi tên tương tự cũng được dán lên chân cháu để phân biệt trẻ khác cùng phòng. Bác sĩ Lê Thị Ngọc Hân, trưởng khoa nhi, nói từ khi bé Rơi vào viện, cả khoa đã cùng làm mẹ của bé và nuôi dưỡng, chăm sóc bé từng ngày hơn nửa tháng qua.

Cho đến nay, các y bác sĩ ở khoa vẫn đau thắt tim khi nhìn tên bé trên bệnh án. "Mới vài ngày trước, tôi có lên xin ý kiến ban giám đốc cho các y bác sĩ trong khoa lấy ngày 4-3 là ngày tìm thấy cháu làm ngày sinh và đúng ngày này của tháng tới sẽ làm lễ đầy tháng cho cháu. Chúng tôi cũng sẽ thay mặt bố mẹ đặt cho cháu một cái tên đàng hoàng" - bác sĩ Hân xúc động kể.

Ngay cả những y bác sĩ ở đây cũng không thể tưởng tượng được những gì đã xảy ra với bé mới sinh được vài ngày tuổi này. Những ngày đầu đời của bé đều là những ngày chìm trong đau đớn, bất hạnh cho đến khi được đưa vào bệnh viện.

Do bé mới sinh đã bị bỏ rơi giữa rừng hoang nhiều ngày nên trên cơ thể bị nhiều vết nhiễm trùng rất nặng và đã suy kiệt. Lúc nhập viện lằn ranh sống - chết đã trong gang tấc. Một vài chỗ như tai, rốn, hậu môn đã có dòi làm tổ. Các y bác sĩ đã phải rất vất vả mới xử lý được hết các vết nhiễm trùng và gắp hết được toàn bộ dòi từ trong cơ thể bé ra.

"Có lẽ bé đã bị bỏ rơi ít nhất hơn 2 ngày. Ấu trùng dòi đã xuất hiện nhiều trên người, nhất là trong tai. Chúng tôi phải canh từng giây để gắp từng con dòi khi chúng bò ra ngoài mà không làm tổn thương bé. Mất ba ngày công việc này mới xong và bé Rơi mới giành lại được sự sống" - bác sĩ Hân nghẹn giọng kể.

Bệnh viện sẽ nuôi cháu đến khi cứng cáp

Sau khi chuyện bé Rơi được một số người lan truyền, một số người đã tìm đến bệnh viện để hỗ trợ và xin nhận nuôi bé. Bác sĩ Nguyễn Viết Thái, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình, nói trước mắt bệnh viện chăm sóc nuôi dưỡng bé Rơi đến khi bé cứng cáp. Sau đó sẽ mời chính quyền địa phương đến bàn phương án nhận nuôi bé.

Trước mắt, bệnh viện sẽ trích quỹ công tác xã hội để chăm sóc bé. Một số tiền được các nhà hảo tâm đến hỗ trợ bé thời gian qua sẽ được bệnh viện lập thành quỹ riêng và gửi về nơi bé được nhận nuôi để lo cho tương lai lâu dài của bé. Bác sĩ Hân cũng cho biết khi ai đó được nhận nuôi cháu, các y bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cho người nhận nuôi cách chăm sóc cháu để cháu được lớn lên bình thường như bao trẻ khác.

Trẻ sơ sinh 15 ngày tuổi bị bỏ rơi cùng thư tay 'hoàn cảnh khó khăn không thể nuôi con'

TTO - Một trẻ sơ sinh khoảng 15 ngày tuổi bị bỏ rơi trong giỏ nhựa màu xanh cùng quần áo, tã, sữa... và thư tay với nội dung 'vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên tôi không thể nuôi con đến trưởng thành...'.

QUỐC NAM

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 8: Một thời Hậu Giang cứu đói lúa gạo cho các tỉnh

Với chủ trương "phải có không gian lớn để phát triển", tỉnh Hậu Giang được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng.

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 8: Một thời Hậu Giang cứu đói lúa gạo cho các tỉnh

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 7: Bình Trị Thiên sau thời khói lửa

Trong các tỉnh lớn được hợp nhất từ các tỉnh nhỏ sau năm 1975 ở nước ta thì tỉnh Bình Trị Thiên là một hiện tượng có nhiều điểm khác biệt so với các địa phương...

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 7: Bình Trị Thiên sau thời khói lửa

Ký ức những lần tách nhập tỉnh - Kỳ 6: Quảng Nam, Đà Nẵng về lại một nhà sau 28 năm

Trong nhiều tỉnh thành cả nước, Đà Nẵng và Quảng Nam có mối lương duyên đặc biệt khi nhiều lần chia tách, tái hợp.

Ký ức những lần tách nhập tỉnh - Kỳ 6: Quảng Nam, Đà Nẵng về lại một nhà sau 28 năm

Lời cảm ơn từ trái tim của người thương binh Nghệ An

'Cảm ơn nghĩa tình, sự tận tụy của báo Tuổi Trẻ, bố tôi và gia đình cảm nhận được tình người ấm áp giữa thành phố đông đúc, xa lạ'.

Lời cảm ơn từ trái tim của người thương binh Nghệ An

'Ai bánh mì nóng giòn đây' ở Himalayas

'Thành công rồi!' - chị Võ Thị Kim Cương reo lên khi mẻ bánh mì làm tại Nepal được nướng thành công sau hàng chục lần thất bại trước đó. Lần đầu tiên bánh mì chuẩn Việt Nam đặc ruột thơm ngon xuất hiện tại xứ sở dãy Himalayas hùng vĩ.

'Ai bánh mì nóng giòn đây' ở Himalayas

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 5: Phú là giàu có, Khánh là mừng vui

Cái tên sao khéo đậm đà - Phú là giàu có, Khánh là mừng vui, hai câu thơ của nhà thơ Sóng Hồng - Trường Chinh khi ông là chủ tịch Hội đồng Nhà nước về thăm Phú Khánh, đã nhắc nhớ cho nhiều người về vẻ giàu đẹp một thời của tỉnh này.

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 5: Phú là giàu có, Khánh là mừng vui
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar