
Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - Đồ họa: N.KH.
"Các mô hình dự báo đều nhận định bão số 3 có thể mạnh lên cấp 10 - 11 (89 - 117km/h) trước khi áp sát vùng biển ven bờ Hải Phòng - bắc Thanh Hóa", ông Khiêm nói.
Theo ông Khiêm, khoảng trưa đến chiều nay (22-7), tâm bão số 3 (Wipha) đi vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến bắc Thanh Hóa. "Khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa (Hải Phòng - bắc Thanh Hóa) sẽ có gió mạnh nguy hiểm nhất trong khoảng từ 10h đến 15h chiều nay", ông Khiêm lưu ý.
Sóng biển cao 2 - 4m, biên độ lũ lên trên các sông từ 3 - 6m
Do ảnh hưởng của bão, trong sáng nay, ở khu vực ven biển Quảng Ninh có thể có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Khả năng khi bão đổ bộ khu vực ven biển Hải Phòng, ven biển Hưng Yên (Thái Bình cũ) có gió mạnh cấp 9 - 10 (75 - 103km/h) giật cấp 13 - 14.
Ven biển Ninh Bình có gió cấp 8 - 9 (62 - 88km/h), giật cấp 13. Ven biển Thanh Hóa (tập trung ở phía bắc) có gió cấp 7 - 8, giật cấp 8 - 9. Khu vực Hà Nội khả năng có gió mạnh cấp 5 - 6, giật cấp 7 - 8 vào trưa và chiều nay.
Đối với tuyến biển, ông Khiêm cho biết ở vùng biển bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, đảo Hòn Dấu) có gió mạnh cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 - 11, giật cấp 14, sóng biển cao 2 - 4m, vùng gần tâm bão 4 - 6m.
Vùng biển nam vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Hòn Ngư) có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão cấp 8 - 9, giật cấp 11, sóng biển cao 2 - 4m.
Đối với mưa, mưa to diện rộng tiếp tục diễn ra từ hôm nay đến sáng 23-7, trọng tâm là Hưng Yên, Ninh Bình, nam Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An phổ biến 200 - 350mm, cục bộ có nơi trên 600mm.
Các nơi khác ở khu vực Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100 - 200mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn trên 150mm trong ba giờ. Lượng mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt ở vùng trũng thấp.
Từ đêm nay đến ngày 25-7, trên các sông ở Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên trên các sông từ 3 - 6m.
Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ, thượng nguồn sông Mã có khả năng lên mức BĐ2 - BĐ3. Đỉnh lũ trên sông Thao, sông Lô, sông Đà tại hồ Hòa Bình, sông Thái Bình, sông Hoàng Long, thượng nguồn sông Cả lên mức BĐ1 - BĐ2, có sông trên BĐ2.
Đỉnh lũ hạ lưu sông Hồng ở dưới BĐ1; hạ lưu sông Mã, sông Cả dao động ở mức BĐ1. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, các khu đô thị thuộc đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An và lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi.
Hải Phòng huy động 70.000 người ứng phó
Tính đến 19h ngày 21-7, bão số 3 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các khu vực đặc khu Bạch Long Vĩ và đặc khu Cát Hải (TP Hải Phòng). Tại đặc khu Bạch Long Vĩ, mưa lớn xuất hiện cùng với gió cấp 7, giật cấp 8 - 9. Còn tại đặc khu Cát Hải, gió mạnh cấp 4, giật cấp 5 - 6.
Theo UBND TP Hải Phòng, dự báo bão số 3 có thể đổ bộ, TP đã huy động trên 70.000 người ứng phó bão số 3, bao gồm 35.400 cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang; hơn 29.361 lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, phường, đặc khu; và trên 5.000 người lực lượng huy động tại chỗ.
TP cũng di chuyển gần 18.000 khách du lịch đến nơi an toàn, trong đó có 2.500 khách nước ngoài, 279 khách đang lưu trú tại đặc khu Cát Hải và 1.335 khách đang lưu trú tại Đồ Sơn. Ngoài ra, đưa 1.657 tàu thuyền với 4.668 lao động về nơi tránh trú.
Đồng thời xử lý cắt hạ 837 cây chết và cây sâu mục nguy hiểm, đồng thời cắt tỉa cành và thu gọn tán cây bóng mát cho 2.851 cây xanh, chằng chống 4.412 cây xanh và tiếp tục bố trí lực lượng kiểm tra, cắt tỉa thu gọn tán cây bóng mát, chằng chống cây bóng mát, cây cảnh đến sát thời điểm bão đổ bộ.
Cũng theo UBND TP Hải Phòng, để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, TP chỉ đạo các hạt quản lý đê điều phân công lực lượng quản lý chuyên trách tăng cường kiểm tra các tuyến đê, đặc biệt là các vị trí đê, kè, cống xung yếu đã được xác định; kịp thời phát hiện, tham mưu biện pháp xử lý sự cố công trình ngay từ giờ đầu...
Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại TP Hải Phòng, dọc trên các tuyến đường trung tâm TP, cây cối đã được cắt tỉa gọn gàng. Những người dân sống ở chung cư cũ nguy hiểm được chính quyền địa phương di dời đến nơi an toàn. Còn tại Đồ Sơn và Cát Bà, nhà cửa cũng được chằng chống, lương thực và nước uống được chuẩn bị, người dân sẵn sàng đón bão số 3.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại Hải Phòng - Ảnh: ĐÀM THANH
* Phó thủ tướng TRẦN HỒNG HÀ:
Cần dự báo sớm và đúng
Ngày 21-7, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đi kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống bão số 3 tại TP Hải Phòng. Phó thủ tướng đánh giá TP đã chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời, rất rõ ràng đối với công tác phòng chống bão.
Tuy nhiên, TP cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề, nhất là công tác dự báo sớm và đúng, để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Phó thủ tướng lưu ý trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có rất nhiều công trình trọng điểm kinh tế. Có công trình đã hoàn thành, đang hoạt động ổn định - những hạng mục này đã được tính toán, kiểm soát.
Tuy nhiên, đáng lưu tâm hơn là những công trình đang trong giai đoạn thi công dở dang là điểm dễ phát sinh sơ hở, tiềm ẩn rủi ro lớn về thiệt hại tài sản trong bão, vì vậy cần đặc biệt quan tâm kiểm soát chặt chẽ.
Bộ Quốc phòng huy động hơn 346.000 người ứng trực
Thông tin từ Bộ Quốc phòng, để ứng trực bão số 3, đã huy động 346.210 cán bộ chiến sĩ. Trong đó, bộ đội với 114.120 chiến sĩ, dân quân là 232.090 người. Về phương tiện hỗ trợ, Bộ Quốc phòng huy động 8.200 phương tiện các loại gồm 5.061 ô tô, 21 tàu, 2.295 xuồng - ca nô, 623 xe đặc chủng và 5 máy bay.
Bộ đội biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thuyền thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.300 phương tiện/227.194 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển phòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Hà Nội: xe buýt, metro có thể dừng hoạt động
Ban An toàn giao thông Hà Nội đã yêu cầu các xã, phường có hoạt động bến khách ngang sông, khu vui chơi giải trí trên mặt nước kiên quyết không cho phép phương tiện xuất bến trong điều kiện thời tiết mưa bão, dông lốc, gió giật mạnh. Đồng thời tạm dừng toàn bộ hoạt động vui chơi giải trí mặt nước để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.
UBND các phường, xã được giao nhiệm vụ cập nhật kịp thời tình hình thiên tai đến người dân, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng...
Các khu vực tràn ngập, ngầm tràn, có nguy cơ sạt lở hoặc nước chảy xiết sẽ được lập chốt kiểm soát, kiên quyết không để người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn.
Đồng thời lực lượng chức năng phải sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn, bố trí nơi ở tạm, đảm bảo nhu yếu phẩm cần thiết như lương thực, nước sạch, thuốc men.
Tổng công ty Vận tải Hà Nội và Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội phải theo dõi chặt diễn biến bão để điều chỉnh kế hoạch vận hành xe buýt và tàu điện, thông tin kịp thời tới hành khách để tránh sự cố đáng tiếc. Trường hợp cần thiết, có thể điều chỉnh hoặc tạm dừng vận hành tuyến nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Bình luận hay