![]() |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao giải A cho nhóm tác giả báo Quân Đội Nhân Dân - Ảnh: Việt Dũng |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định như vậy tại buổi trao Giải báo chí quốc gia năm 2012 diễn ra ở Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội tối 21-6.
Thủ tướng nhấn mạnh báo chí đã góp phần quan trọng trong việc tạo sự đồng thuận xã hội và những thành tựu chung trong những năm đầy khó khăn, thách thức vừa qua. Báo chí ngày nay đưa tin nhanh nhạy, đa chiều về những diễn biến đời sống kinh tế - chính trị trong nước, thế giới, thông tin rộng rãi tới nhân dân. Báo chí đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, tăng cường công tác đối ngoại, tuyên truyền tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Báo chí Việt Nam đã vươn lên lớn mạnh về số lượng và chất lượng, tính chuyên nghiệp ngày càng nâng cao, đội ngũ làm báo lớn mạnh, trưởng thành về số lượng, kỹ năng nghề nghiệp, bản lĩnh, trách nhiệm xã hội...
“Không chỉ phát hiện, cổ vũ những gương người tốt việc tốt điển hình trong cuộc sống, báo chí còn tham gia tích cực vào đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển, đồng thời nâng cao vị thế của đất nước” - Thủ tướng nói.
Giải thưởng Giải báo chí quốc gia lần 7-2012 gồm 5 giải A, 28 giải B, 45 giải C và 39 giải khuyến khích được trao tặng cho các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm thuộc 11 loại giải khác nhau.
Cụ thể, ở giải dành cho báo in có hai giải A được trao cho nhóm tác giả Nguyễn Minh Phong, Hồ Quang Phương, Vũ Như Thăng, Nguyễn Huyền Nga (báo Quân Đội Nhân Dân) với loạt năm bài Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh (thể loại tin, bài phản ánh, phỏng vấn) và nhóm tác giả Phạm Miên, Phan Đăng, Nguyễn Tuấn, Lệ Thúy (báo Công An Nhân Dân) với loạt năm bài Tập đoàn kinh tế nhà nước - những lát cắt thời sự (thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép).
Loại giải dành cho phát thanh, có hai giải A được trao cho nhóm tác giả Lê Tuyết, Nguyễn Mỹ Hà, Đàm Thị Hoa, Đỗ Việt Nga (Đài Tiếng nói Việt Nam) với tác phẩm Bước ngoặt thần kỳ của lịch sử - bản anh hùng ca Hà Nội - tháng 12 năm 1972 (thể loại tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp) và nhóm tác giả Phạm Tấn Tư, Phan Thanh Hà, Đặng Văn Năm (Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực miền Trung) với tác phẩm Động đất ở thủy điện Sông Tranh 2: dư chấn lòng dân (thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký).
Loại giải dành cho truyền hình, có một giải A được trao cho nhóm tác giả Chung Hưng, Hưng Phúc, Hữu Tường, Quang Vinh (Đài phát thanh - truyền hình Bình Thuận) với tác phẩm Làm giàu ở Trường Sa (thể loại tin, phóng sự, ký sự).
Loại giải dành cho báo điện tử, không có giải A, có tổng cộng bốn giải B được trao cho các tác giả, nhóm tác giả với các tác phẩm thuộc thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép và tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận. Tương tự không có giải A, ở loại giải dành cho báo ảnh có hai giải B được trao.
Báo Tuổi Trẻ đoạt ba giải thưởng gồm: nhóm tác giả Thế Anh, Thi Ngôn, Hải Triều, Hữu Hạnh, Thanh Thảo, Đình Khánh đoạt giải B ở thể loại giải Phim tài liệu truyền hình (báo hình) với tác phẩm Lấy chồng Hàn Quốc còn lắm những ưu tư; nhóm tác giả Anh Thoa, Lê Khôi với loạt bài bốn kỳ Biến nước lã, tạp chất thành xăng dầu giành giải C ở thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (báo in); tác giả Nguyễn Khánh đoạt giải khuyến khích với tác phẩm Khi cuộc chiến nối dài trên giường bệnh (thể loại ảnh báo chí).
Bình luận hay