25/08/2011 07:30 GMT+7

"Anh Văn của chúng tôi..."

VIỆT HOÀI ghi
VIỆT HOÀI ghi

TT - Hôm nay, anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) tròn 100 tuổi (101 tuổi ta). Người chỉ huy, người anh của chúng tôi giờ đã là người xưa nay hiếm.

Read this on Tuoitrenews.vn

Phóng to

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bà con dân tộc Thái múa xòe trong lần về thăm Điện Biên năm 1984 - Ảnh: Trọng Thanh

Tôi là người lính, anh là chỉ huy. Tôi làm việc trực tiếp với anh cũng không ít thời gian: 19 năm, từ 1949-1968, qua những giai đoạn gay go nhất của hai cuộc kháng chiến.

Tôi được anh gọi về Văn phòng Bộ tổng tư lệnh tháng 12-1949 khi đang học Trường Nguyễn Ái Quốc. Tôi về làm giúp việc cho anh trong vai trò trưởng phòng quân sự. Là một sĩ quan cấp thấp nhưng được làm việc ngay bên cạnh anh, kề cận anh từ khi còn trẻ, ở độ tuổi ham học hỏi, tôi học được ở anh quá nhiều.

Từ ngày về Văn phòng Bộ tổng tư lệnh, tôi theo anh đi tất cả các chiến dịch: Biên giới, Đông Bắc, Tây Bắc, Trung du, Đồng bằng, Thượng Lào, Điện Biên Phủ. Những cuộc hành quân, những trận đánh, những tổn thất và những chiến thắng từ nhỏ đến lớn đã gắn kết chúng tôi trong một tình cảm thiêng liêng là tình đồng đội.

Có một điều đặc biệt ở anh Văn là anh rất hay cung cấp thông tin chiến sự, ngoại giao, tình hình thế giới... cho chúng tôi dưới dạng kể chuyện và thường hỏi bất ngờ: “Theo các cậu thì tình hình sẽ diễn biến ra sao? Nếu là ta thì bây giờ nên như thế nào?”.

Tôi nhớ có lần đi chiến dịch Biên giới, anh ngồi bên bờ suối, suy nghĩ rất lâu, tôi đến gần thì anh hỏi: “Theo Hiếu thì Mỹ có ném bom Triều Tiên nữa không?”. Anh vừa nghe tin chiến sự Triều Tiên qua radio và trao đổi với chúng tôi - những sĩ quan giúp việc cấp thấp - để nghe ý kiến một cách rất bình đẳng, tôn trọng. Hằng ngày, anh đều làm việc, chỉ huy quân đội kháng chiến với tác phong ấy. Anh tin tưởng và chủ động cung cấp thông tin cho chúng tôi để nâng tầm hiểu biết của chúng tôi lên, để chúng tôi có thể làm tham mưu thật sự cho anh trong cương vị tổng tư lệnh.

Phóng to

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn truyền hình Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1984 - Ảnh: Quang Phùng

Khoảnh khắc quan trọng nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ mà tôi nhớ được là khi anh ra quyết định từ bỏ chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” để chủ trương “đánh chắc, thắng chắc”.

Vào chiến dịch, Bác Hồ đã dặn Đại tướng: “Trận này rất quan trọng, chắc thắng thì đánh, không chắc thắng thì không đánh”. Bác cũng trao quyền “tướng quân tại ngoại” - tướng ngoài mặt trận toàn quyền quyết định - cho anh. Là vị tướng thương quân và gần lính, anh biết đánh nhanh mà không chắc thắng sẽ dẫn đến tổn thất rất lớn.

Là người phụ trách Văn phòng Bộ tổng tư lệnh ngày đó, tôi biết hơn chục ngày đêm suy nghĩ để theo dõi tình hình trước khi quyết định, Đại tướng hầu như không ngủ được. Anh suy nghĩ liên miên đến mức đầu bốc hỏa bừng bừng, đồng chí y sĩ phải buộc nắm ngải cứu lên trán cho nhẹ bớt, và anh đã đi đến quyết định lịch sử: 50.000 quân đã tập trung, pháo đã kéo vào rồi, lại kéo pháo, rút quân ra. Lịch sử quân sự VN sẽ còn phải cảm ơn anh vì điều đó, các tướng Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn... trong kháng chiến chống Mỹ sau này còn phải thốt lên: Không có quyết định sáng suốt của anh Văn, 10 năm sau chúng ta cũng không kịp khôi phục lực lượng mà chống Mỹ.

Năm 1968, tôi phải rời xa anh, chia tay Văn phòng Bộ tổng tư lệnh về làm phó hiệu trưởng Học viện Quân sự. Những năm tháng khó khăn, không chỉ vì chiến tranh ác liệt, anh em chúng tôi vẫn luôn giữ vững lòng tin và tình yêu kính dành cho anh Văn, vị tổng tư lệnh của mình, dù thời thế và lòng người có đổi thay.

Món quà cưới anh tặng vợ chồng tôi từ năm 1950, chiếc bút máy Parker, chúng tôi vẫn giữ, nâng niu. Ngày vợ tôi mất, anh là người đầu tiên đến tận nhà thắp hương và chị Bích Hà, vợ anh, là người đầu tiên đến tận nhà tang lễ Bệnh viện 108 để viếng. Ngày tôi vào viện thăm anh gần đây nhất, anh đã yếu nhưng còn tỉnh táo. Tôi chúc anh cố gắng giữ gìn sức khỏe, anh cười rất nhẹ: “Cậu cũng phải giữ gìn sức khỏe, cậu cũng già rồi đấy Hiếu ạ”. Anh sống tình nghĩa với từng người lính như vậy, anh Văn của chúng tôi.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước mừng đại thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chiều 24-8, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lần lượt đến thăm và chúc mừng đại thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Quân y viện 108, nơi ông đang dưỡng bệnh hơn một năm nay. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các vị lãnh đạo đã chúc mừng Đại tướng đại thọ, chúc Đại tướng sức khỏe, sống lâu hơn nữa để chứng kiến đất nước đổi mới, phồn vinh, giàu mạnh.

Thay mặt các tướng lĩnh, sĩ quan và chiến sĩ Quân đội nhân dân VN, đại tướng Phùng Quang Thanh đã đến Quân y viện 108 chúc mừng vị tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân VN. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thay mặt nhân dân thủ đô cũng đến chúc thọ Đại tướng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuy sức khỏe không được tốt đã lâu nhưng vẫn hoàn toàn minh mẫn. Đại tướng đã nói lời cảm ơn tất cả những người đến thăm bằng giọng rất rõ ràng, mạch lạc. Cùng ngày, hàng chục đoàn đại biểu của các cựu chiến binh, các tướng lĩnh, nhân dân các địa phương đã đến chúc thọ Đại tướng tại nhà riêng.

__________

Trong những năm sau 1970, khi giúp việc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ và khi công tác ở Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương và Ban Nghiên cứu của thủ tướng, tôi có dịp được gặp anh Văn tại các cuộc họp, rồi sau đó anh gọi tôi sang báo cáo, khi thì ở nhà của anh trên đường Hoàng Diệu, khi thì tại khu doanh trại quân đội bên cửa Đông trên đường Lý Nam Đế.

Mỗi lần báo cáo hay dự buổi làm việc của anh là một bài học đối với tôi.

Phóng to
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm một đơn vị tăng thiết giáp trước giờ xuất phát - Ảnh tư liệu

Bắt đầu làm việc, anh Văn thường hỏi bố cục, nội dung báo cáo rồi chủ động yêu cầu thay đổi trình tự và bố cục báo cáo. Anh yêu cầu trình bày ngay kết quả nghiên cứu, những kết luận mới, những nội dung chủ yếu cần quan tâm. Anh Văn thường lật đi lật lại vấn đề và yêu cầu làm rõ những căn cứ, lập luận của kết luận, nêu bật bản chất của vấn đề, không chịu dừng lại ở những số liệu, sự việc chi tiết.

Anh Văn nói: “Ta cứ hay có nghị quyết về nhiệm vụ trong tình hình mới mà không làm rõ cái mới là cái gì. Tình hình thì bao giờ chả mới, có nghị quyết về tình hình cũ đâu!”.

Điều làm tôi ngạc nhiên là anh Văn luôn làm việc, nắm vững tình hình với hiểu biết sâu rộng đáng ngạc nhiên, luôn suy nghĩ về các vấn đề chiến lược của đất nước ngay khi anh đã thôi hết các chức vụ nhà nước. Khi nghe tôi báo cáo về hội nhập kinh tế quốc tế, anh nhắc: “Sức mạnh vật chất phải được chế ngự bằng sức mạnh vật chất chứ không phải bằng ý chí. Ta phải nhanh chóng giàu mạnh lên thì hội nhập quốc tế mới tốt được”.

Anh có niềm tin và niềm tự hào mãnh liệt vào dân tộc, vào sức mạnh nhân dân. Nhiều lần, anh nhắc chúng tôi về báo cáo với lãnh đạo lưu ý vị trí chiến lược của Tây nguyên về kinh tế trong phát triển kinh tế - quốc phòng của đất nước.

Để kết hợp với tập thể dục, vào buổi chiều mùa đông hay mùa hè, anh Văn thường đi bộ trong vườn để nghe báo cáo và thảo luận các vấn đề. Trong khi vừa đi vừa lắng nghe và trao đổi, anh Văn không hề áp đặt, luôn tôn trọng các ý kiến khác nhau, miễn là các ý kiến đó có căn cứ và logic rõ ràng.

Anh Văn cũng thường nhắc lại cho chúng tôi nghe những kỷ niệm và lời dạy của Bác Hồ từ những ngày ở Pắc Bó đến những ngày kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, dường như những lời của Bác đã thấm sâu vào máu thịt của anh. Những lời anh dặn, chúng tôi không bao giờ quên.

Phóng to
Bữa cơm với Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc năm 1947 cùng các đồng chí Trường Chinh (bìa phải) và Lê Đức Thọ (bìa trái)
Phóng to
Một lần thư giãn của Đại tướng
Phóng to
Đại tướng thăm một đơn vị bộ đội
Phóng to
Đại tướng đi kiểm tra hầm pháo tấn công cứ điểm đồi Him Lam
Phóng to
Đại tướng gặp gỡ cựu bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert McNamara tại Hà Nội năm 1995
Phóng to

Khi mới 19 tuổi, bị Pháp bắt giam 13 tháng tại Huế vì tham gia phong trào cách mạng của học sinh

Phóng to
Chân dung Đại tướng trên bìa sách của viên tướng người Anh Peter Macdonald in năm 1992 bản tiếng Pháp (NXB Perrin)
Phóng to

Phút thân mật với nhạc sĩ Văn Cao (1989) - Ảnh: Quang Phùng

Phóng to
Trên đường vào thăm Mường Phăng, Điện Biên Phủ (1984) - Ảnh: Trọng Thanh

Triển lãm trực tuyến Cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đáp ứng nhu cầu bạn đọc ở xa không thể đến xem triển lãm chuyên đề Cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, TuổiTrẻ Online sẽ trưng bày hơn 170 tấm ảnh được chụp lại từ triển lãm này trên chuyên trang Triển lãm ảnh trực tuyến ().

VIỆT HOÀI ghi

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Chuẩn bị, bổ sung quân số tham gia diễu binh, diễu hành dịp 80 năm Quốc khánh

Bộ Tổng tham mưu đã làm việc với các cơ quan, đơn vị về đề án tổ chức lực lượng quân đội, dân quân tự vệ tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9.

Chuẩn bị, bổ sung quân số tham gia diễu binh, diễu hành dịp 80 năm Quốc khánh

Cả nước có 15 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát

Tính đến ngày 7-5-2025, có 15 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Cả nước có 15 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát

Để 'mỗi gia đình sinh 2 con' không chỉ là khẩu hiệu

TP.HCM là một trong những địa phương đầu tiên ghi nhận mức sinh dưới mức sinh thay thế và nay đang đối mặt với nguy cơ già hóa dân số.

Để 'mỗi gia đình sinh 2 con' không chỉ là khẩu hiệu

Máy bay trượt khỏi đường băng, sụt lún đường, tràn dầu... Bộ Xây dựng yêu cầu bảo đảm an toàn

Sau các vụ sụt đường ở Tây Ninh, máy bay trượt khỏi đường băng Tân Sơn Nhất…, bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành công điện đề nghị tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông trên lĩnh vực.

Máy bay trượt khỏi đường băng, sụt lún đường, tràn dầu... Bộ Xây dựng yêu cầu bảo đảm an toàn

Đừng để tang lễ rình rang, trở thành gánh nặng của gia đình

Nghĩa tử là nghĩa tận, nhưng cũng cần đúng với hoàn cảnh. Một đám tang không nên khiến gia đình lâm vào nợ nần.

Đừng để tang lễ rình rang, trở thành gánh nặng của gia đình

Vé mời Lễ hội Hoa phượng đỏ bán tràn lan trên mạng, giá lên tới 3 triệu đồng/cặp

Trên mạng xã hội tràn lan vé mời dự kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng và khai mạc lễ hội Hoa Phượng đỏ, rao bán công khai với giá từ 1 đến 3 triệu đồng/cặp.

Vé mời Lễ hội Hoa phượng đỏ bán tràn lan trên mạng, giá lên tới 3 triệu đồng/cặp
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar