10/07/2013 11:49 GMT+7

Ám ảnh... thuốc thư

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Ngay giữa thời hiện đại, những câu chuyện được thêu dệt về một loại bùa ngải có thể giết người bằng cách không gây đau đớn trực tiếp vẫn đang đẩy nhiều người tại các buôn làng vào bước đường cùng.

Phóng to
Bên ngoài vẻ bình yên của các ngôi làng là những đợt “sóng ngầm” ở phía trong, nhiều vụ nghi kỵ thuốc thư đã khiến nhiều người phải điêu đứng. Trong ảnh: làng Wet, xã Chư Ă (TP Pleiku, Gia Lai) - Ảnh: T.B.D.

Nhiều tháng sau sự việc Chưi (23 tuổi, người ở làng Plei Bông, xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) tự nhận mình có khả năng “bỏ thư” (một loại thuốc tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số), anh ít về làng hẳn. Mặc dù được già làng, bác sĩ, cán bộ xuống tận nơi giải thích nhưng nhiều người vẫn cho rằng Chưi là mối họa cho làng.

Trục xuất khỏi buôn

Năm 2012, Chưi bước sang tuổi 23 nhưng suốt ngày say xỉn, bị người làng chê là lười biếng nên không được coi trọng. Trong các cuộc vui của làng, anh thường phải ngồi ở một vị trí thấp kém hơn nên sinh tự ái và nghĩ phải tìm một thứ gì đó để “cả dân làng phải sợ mình, phải nể mình”.

Nhiều người dân tại làng Plei Bông kể không biết học được từ đâu mà lúc tròn 23 tuổi Chưi bỗng... có “ma thuật”, nếu đã nắm tay ai thì tay người đó phải sưng tấy lên, thậm chí bấm tay vào cây đu đủ thì... quả trên cây liền thối rữa. Anh còn khoe rằng mình có thể “thư” người khác. Bác sĩ Đinh Nam, trưởng Phòng y tế huyện Mang Yang (Gia Lai), cho biết cũng vì lý do này mà anh Chưi bỗng dưng... được mọi người sợ hãi, nhiều thanh niên phải mua rượu cho Chưi uống để khỏi bị “thư”.

“Không có thuốc thư”

Bác sĩ Đinh Nam cho biết ông từng trực tiếp tham gia khám, điều trị các trường hợp bị nghi bỏ thuốc thư nhưng tất cả trường hợp này đều do đau yếu bệnh tật lâu ngày không được chữa trị. “Tôi là bác sĩ nhưng cũng lớn lên tại buôn làng nên tôi khẳng định thuốc thư không có thật, không có một thứ thuốc huyền bí nào có sức mạnh ghê gớm như dân làng vẫn đồn đại. Tất cả chỉ là tin đồn, truyền từ đời này qua đời khác để dọa nhau mà thôi” - ông Nam nói.

Cuối năm 2012, làng Plei Bông xảy ra biến cố lớn. Ông Hai (40 tuổi, người trong làng) đổ bệnh, mặc dù tìm thầy cúng và chạy chữa nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.

Ngày ông Hai qua đời, đám thanh niên trong làng bỗng xồng xộc chạy đi tìm bắt Chưi để “lấy cái thư” trong người ông Hai ra. Bị ép, Chưi đặt bàn tay của mình xoa vài lần lên thi thể người chết rồi lôi ra mấy hạt cát và sỏi.

Thấy vậy, nhiều người sợ xanh mặt vì không ai biết những hòn sỏi được lấy từ đâu ra. “Thật ra Chưi đã nhanh tay giấu cát, sỏi trong tay để đánh lừa dân làng, tiện thể để... ra oai cho mọi người nể sợ” - bác sĩ Nam nói.

Không lâu sau đó, mẹ vợ ông Hai lại tiếp tục đổ bệnh, dù đã chạy chữa nhưng không thể qua khỏi. Tất cả mọi ánh mắt, nghi kỵ tiếp tục đổ dồn về Chưi. Anh bị đưa ra giữa làng để phạt vạ, bị gia đình ông Hai phạt heo bò, xây nhà mả với tổng giá trị 16 triệu đồng.

Chưa chịu dừng lại, bà Huen - vợ của ông Hai - tiếp tục lấy 3 sào ruộng và buộc Chưi tiếp tục nộp phạt 15 triệu đồng. Từ một người bình thường, chỉ vì sĩ diện và tự xưng rằng mình có thuốc “thư”, Chưi đã phải sạt nghiệp vì phạt vạ, bị người làng đánh đuổi. Theo bác sĩ Đinh Nam, khoảng ba tháng nay không thấy Chưi xuất hiện ở làng Plei Bông nữa, anh đã bỏ đi nơi khác để lánh nạn.

Bác sĩ Đinh Nam cho biết lúc xảy ra sự việc, ông được giao nhiệm vụ đến khám bệnh để nói rõ cái chết của ông Hai và mẹ vợ. Theo bác sĩ Nam, mẹ vợ ông Hai chết do suy thận, quả thận hai bên bị tổn thương nhưng lâu ngày không được chữa trị nên nước tụ nhiều. Còn ông Hai thì tử vong do căn bệnh ung thư gan di căn, trong ổ gan đã xuất hiện ba khối u - những căn bệnh này y học không thể chữa trị được.

Phóng to
Chỉ vì lỡ miệng khai mình có thuốc thư, Ayam bị phạt vạ nặng nề và phải đi làm thuê kiếm sống - Ảnh: T.B.D.

Thuốc thư... miệng

Ông Đinh Nam cho biết hiện ở huyện Mang Yang có 23 nạn nhân của hủ tục thuốc thư đang phải sống trong cảnh lạnh nhạt, xa lánh của cộng đồng. Giữa năm 2012, nhiều cán bộ ở xã Lơ Pang phải

hết sức vất vả để giải quyết một vụ nghi kỵ thuốc thư giữa P. và M.. Hai người này cùng ở làng Tơ Dràh vốn sống với nhau hòa thuận. Chiều hôm đó, cả hai ngồi nhậu với nhau đến gần say thì M. bước loạng choạng ra cửa và xỏ nhầm đôi dép của P.. P. tìm đến nhà M. thì thấy đôi dép của mình nằm ở bậc thềm.

Cho rằng M. ăn cắp, P. vung tay tát vào cổ khiến M. ngã lăn. Đúng một tháng sau, nhiều người làng khiếp sợ khi thấy ở cổ - nơi M. bị P. tát - xuất hiện một đám “bạch tạng”, đám da này lan rộng ra dần rồi nổi một khối u lớn ở cổ họng. Một năm sau, M. qua đời. Người làng cho rằng chính P. đã “thư” M. nên cùng nhau đuổi đánh, bắt P. phải nộp phạt, đốt phá nhà cửa và buộc anh phải đi khỏi làng.

Anh Đinh Chuyên, cán bộ Ủy ban MTTQ huyện Mang Yang, cho biết sự việc nói trên phức tạp đến nỗi từ xã đến huyện phải họp dân giải quyết không biết bao nhiêu lần. Công an huyện buộc phải đưa P. đi một ngôi làng khác để lánh nạn. Quá oan ức, một thời gian sau P. quay trở về làng để tìm cách chứng minh mình không bỏ thư. Tuy nhiên, người làng vẫn không chịu tin và bắt P. phải ra đứng trước buổi họp làng để “uống thuốc giải”.

Theo anh Đinh Chuyên, “thuốc giải thư” bao gồm nhiều loại chất thải khác nhau và không ai dám uống thứ thuốc này. Thuốc được lấy từ rượu, nước uống dành cho người chết ở nhà mả (mộ người chết), nước người trong làng tắm rồi thải ra, nước tiểu của trẻ con đứng trên nhà rông tiểu xuống và hỗn hợp nhiều loại vỏ cây... “Lúc P. cầm thứ nước này uống, nhiều người phải nôn ói, mình thì không dám nhìn vì quá khiếp sợ. Sau khi uống hết một hơi, người làng thở phào vì “đã giải được cái thư” trong người của P. nhưng cũng từ đó anh qua hẳn một nơi khác để sinh sống” - anh Chuyên nói.

Tại huyện Chư Pah, một vụ nghi kỵ giữa những thanh niên xảy ra vào đầu năm nay cũng đã khiến một gia đình phải điêu đứng. Sau khi bị làng phạt vì cho rằng đã bỏ thuốc thư lên Siu Tuân (làng Wet, xã Chư Jô, Chư Pah, Gia Lai), nhiều tháng nay Ayam phải đi làm thuê cho người khác để lấy tiền trả nợ phạt vạ. “Từ nhỏ đến giờ mình đâu có biết thuốc thư là gì đâu, nếu mình có thì dân làng này không ai sống nổi nữa rồi” - Ayam nói trong bất lực.

Anh kể chiều hôm đó anh cùng Siu Tuân và những thanh niên trong làng ngồi uống rượu, trong lúc say mọi người giỡn với nhau nên anh cũng vui vẻ khoác tay lên vai Tuân và nói đùa rằng “tao có thuốc thư”. Không ngờ đúng tối hôm đó Siu Tuân lên cơn đau bụng dữ dội, mặc dù được bác sĩ kết luận bị phù nề dạ dày nhưng gia đình Tuân vẫn cho rằng chính Ayam đã “thư”.

Ayam bị dân làng đuổi đánh, rồi bị đưa ra làng xử và buộc phải nộp phạt 8 triệu đồng, 3 sào ruộng của vợ con cũng bị gia đình Siu Tuân lấy mất.

Không chỉ ở các huyện vùng xa mà ngay ở TP Pleiku, nhiều vụ tin đồn thuốc thư cũng đã đẩy nhiều người vào cảnh mang thân phận “con hủi”. Anh Ayin (24 tuổi, làng Kơ Tu, xã Chư Ă, Pleiku) cho biết vào tháng 4 vừa qua, trong lúc ngồi nhậu với Mưng và nhóm bạn, anh buột miệng rằng mình có thuốc thư. Đúng vào đêm đó, Mưng bị nôn ói, đau bụng dữ dội. Nghĩ rằng mình bị Ayin “thư”, Mưng cùng nhiều người cầm gậy gộc đến nhà đánh Ayin đến ngất xỉu.

Ông Nguyễn Văn Quang, chủ tịch UBND xã Chư Ă, cho biết mặc dù thấy Ayin bị đánh đến ngất xỉu nhưng không một ai trong làng dám đưa Ayin đi cấp cứu vì sợ “thuốc thư”. “Khi chúng tôi tới thì thấy Ayin nằm tím tái bên thềm nhà, cơ thể bị đánh bầm giập. Chúng tôi phải thuê xe công nông đưa Ayin đi cấp cứu, những ngày sau đó không dám đưa anh về lại làng vì nếu về cũng sẽ bị người làng đuổi đánh tiếp. Tới khi đưa ra làng hòa giải, đưa ra kiểm điểm trước cộng đồng nói rõ trắng đen thì tình hình mới ổn thỏa” - ông Quang nói.

Già làng Lưm (làng Kơ Tu) cho biết nhiều tháng sau vụ việc của Ayin, người làng Kơ Tu đã ổn định trở lại nhưng nhiều người vẫn lời ra tiếng vào và tiếp tục cho rằng “Ayin có thuốc thư”. “Mình là già làng nhưng cũng không có thuốc thư, cũng chưa thấy thuốc thư bao giờ” - già làng Lưm nói.

“Thuốc thư chỉ là tin đồn”

Trước nhiều sự việc “ma lai”, “thuốc thư”, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản yêu cầu Công an tỉnh nhanh chóng điều tra sự việc để đưa các đối tượng tung tin đồn ra kiểm điểm; Sở Y tế cử bác sĩ thăm khám để phát hiện và chữa trị bệnh cho các trường hợp đau yếu lâu ngày, tránh việc xuất hiện tin đồn “thuốc thư”. Đại tá Rơ Lan Lâm, phó giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, cho biết nhiều tháng gần đây trên địa bàn các huyện như Chư Pah, Mang Yang, Chư Sê, Ia Grai, TP Pleiku... xảy ra nhiều vụ nghi kỵ thuốc thư tại các buôn làng. Các vụ việc này sau đó đã được công an và các đơn vị kết luận là do đau yếu bệnh tật nhưng nhiều người vẫn tin vào thuốc thư. Theo ông Lâm, thuốc thư chỉ là tin đồn, đây là loại bùa ngải không có thật nhưng lại trở thành nỗi ám ảnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

THÁI BÁ DŨNG

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 7: Bình Trị Thiên sau thời khói lửa

Trong các tỉnh lớn được hợp nhất từ các tỉnh nhỏ sau năm 1975 ở nước ta thì tỉnh Bình Trị Thiên là một hiện tượng có nhiều điểm khác biệt so với các địa phương...

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 7: Bình Trị Thiên sau thời khói lửa

Ký ức những lần tách nhập tỉnh - Kỳ 6: Quảng Nam, Đà Nẵng về lại một nhà sau 28 năm

Trong nhiều tỉnh thành cả nước, Đà Nẵng và Quảng Nam có mối lương duyên đặc biệt khi nhiều lần chia tách, tái hợp.

Ký ức những lần tách nhập tỉnh - Kỳ 6: Quảng Nam, Đà Nẵng về lại một nhà sau 28 năm

Lời cảm ơn từ trái tim của người thương binh Nghệ An

'Cảm ơn nghĩa tình, sự tận tụy của báo Tuổi Trẻ, bố tôi và gia đình cảm nhận được tình người ấm áp giữa thành phố đông đúc, xa lạ'.

Lời cảm ơn từ trái tim của người thương binh Nghệ An

'Ai bánh mì nóng giòn đây' ở Himalayas

'Thành công rồi!' - chị Võ Thị Kim Cương reo lên khi mẻ bánh mì làm tại Nepal được nướng thành công sau hàng chục lần thất bại trước đó. Lần đầu tiên bánh mì chuẩn Việt Nam đặc ruột thơm ngon xuất hiện tại xứ sở dãy Himalayas hùng vĩ.

'Ai bánh mì nóng giòn đây' ở Himalayas

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 5: Phú là giàu có, Khánh là mừng vui

Cái tên sao khéo đậm đà - Phú là giàu có, Khánh là mừng vui, hai câu thơ của nhà thơ Sóng Hồng - Trường Chinh khi ông là chủ tịch Hội đồng Nhà nước về thăm Phú Khánh, đã nhắc nhớ cho nhiều người về vẻ giàu đẹp một thời của tỉnh này.

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 5: Phú là giàu có, Khánh là mừng vui

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 4: 'Miền đất hứa' giữa hai bờ Cửu Long

Tỉnh Cửu Long rộng lớn nằm giữa sông Tiền và sông Hậu một thời được những người tâm huyết với vùng đất gọi là 'miền đất hứa'.

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ 4: 'Miền đất hứa' giữa hai bờ Cửu Long
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar