10 câu chuyện làm độc giả Tuổi Trẻ 'sục sôi' năm 2017
Dinh La Thang

Năm 2017, một loạt biến cố xảy đến với ông Đinh La Thăng: bị Trung ương Đảng cảnh cáo, cho thôi chức ủy viên Bộ Chính trị và chức bí thư Thành ủy TP.HCM chỉ sau 1 năm 3 tháng về Sài Gòn. Làm phó ban Kinh tế trung ương chưa đầy 7 tháng thì bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ông Thăng cùng Trịnh Xuân Thanh và 20 bị can khác vừa bị truy tố trong vụ cố ý làm trái, tham ô tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Họ sẽ ra hầu tòa ngày 8-1-2018.

Đây chính là câu chuyện được bạn đọc Tuổi Trẻ quan tâm hàng đầu trong năm 2017. Họ bất ngờ trước diễn biến nhanh, tin tưởng vào sự công tâm của pháp luật và nuối tiếc về một kỳ vọng lớn chưa kịp thấy kết quả.
San golf TSN

Câu hỏi này đưa độc giả Tuổi Trẻ đến khung cảnh “ngất ngây” của thảm cỏ xanh mát, cát trắng mịn, lâu đài nguy nga, và các tay golf ung dung trong sân golf Tân Sơn Nhất.

Nhưng chỉ cách một cái hàng rào là khung cảnh chật chội, chen chúc, lộn xộn, mệt mỏi của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Điều đó khiến dư luận yêu cầu: Phải “nhổ” sân golf ra khỏi sân bay!

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định khẩn trương nghiên cứu làm thêm đường băng số 3 tại sân bay Tân Sơn Nhất nhưng sân bay này vẫn còn chứa đựng rất nhiều vấn đề và sẽ tiếp tục là tâm điểm chú ý của độc giả Tuổi Trẻ trong năm 2018.

Dong Tam

1 tuần “căng như dây đàn” ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã kết thúc với cuộc đối thoại ngày 22-4 giữa chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung và người dân. 19 chiến sĩ công an ra bị bắt giữ đã được thả.

Nhưng câu chuyện Đồng Tâm quá điển hình về tranh chấp đất đai và mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền, vì vậy, nó không đơn thuần cứ thế khép lại. Hiểu thế nào cho đúng về vụ việc vẫn là cuộc tranh luận trong nghị trường lẫn ngoài xã hội.

Câu hỏi cũ còn bỏ ngỏ, câu hỏi mới không bớt nhức nhối, chuyện Đồng Tâm chưa dừng lại dù năm 2017 qua đi.

 

“Đây là vấn đề lòng tin chứ không chỉ là một vụ án hình sự”

Đại biểu Dương Trung Quốc

Son Tra

Khi xuất hiện thông tin về 40 móng biệt thự xây dựng không phép tại dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, lời kêu gọi “Cứu Sơn Trà!” lan tỏa chóng mặt trên mặt báo và mạng xã hội.

Nhờ nỗ lực không ngừng của những người làm du lịch chân chính và sự đồng lòng hậu thuẫn của dư luận, Chính phủ đã quyết định dừng tất cả hoạt động xây dựng, thanh tra đến nơi đến chốn việc bêtông hóa bán đảo này.

Công chúng đang chờ đợi một quyết sách tương xứng với giá trị của Sơn Trà, dù là từ chính quyền Đà Nẵng hay cấp cao hơn. Voọc chà vá cũng đang chờ. Hy vọng sang năm 2018 và sau này, chúng vẫn được trèo cây chứ không chưa phải đu dây điện

Tuong Ve Huu

Trong 5 ngày của tháng 7, một clip dài 2’19” lan truyền trên mạng xã hội: trung tướng Võ Văn Liêm - nguyên phó chính ủy Quân khu 9, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Quân ủy trung ương (Bộ Quốc phòng), đã nghỉ hưu - nhất định không cho trung úy công an Nguyễn Văn Thành xử lý tài xế của mình lỗi chạy quá tốc độ (có bằng chứng) và dọa cách chức cả cấp trên của chiến sĩ công an này.

Trung tướng Võ Văn Liêm

Câu chuyện khép lại với lời giải thích “là do nóng giận” của ông Liêm và lời khẳng định “không kỷ luật” của cấp trên đối với anh Thành. Nhưng đằng sau cơn “bão mạng” này là một vấn đề lớn hơn: Phản ứng chống đối dường như luôn sẵn sàng bộc phát của người dân khi bị cảnh sát giao thông “vẫy lại”.

Cuop ngan hang

Vụ cướp ngân hàng chớp nhoáng xảy ra ngày 26-4 tại trụ sở Vietcombank ở thị xã Duyên Hải, Trà Vinh hội đủ những yếu tố giật gân: bịt mặt, có súng, tẩu thoát bằng xe máy, số tiền mặt bị cướp lên đến 2 tỉ đồng, và thái độ bình thản của tên cướp.

Lý do cướp ngân hàng của nghi phạm Lê Lâm Hưng: trả nợ thua cá độ bóng đá, tức là do cờ bạc. Theo công an, vụ án hi hữu này được phá thành công là nhờ nghiệp vụ của cảnh sát, sự hỗ trợ của quần chúng và sự hợp tác của ngân hàng.

Nhưng có lẽ điểm quan trọng nhất khiến nó được chú ý là địa điểm: một vùng đất vốn dĩ hòa hiếu, yên bình. Thật may, từ đó đến nay không có thêm một “cơn địa chấn” tương tự nào.

BOT Cai Lay

Bắt đầu chính thức thu phí từ ngày 1-8, trạm thu phí BOT Cai Lậy nằm trên quốc lộ 1 thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang nhanh chóng gắn mình với một tính từ không mấy vui vẻ - “thất thủ”. Nguyên nhân: tài xế bức xúc với mức phí quá cao và vị trí đặt trạm không hợp lý.

Về phía BOT Cai Lậy là điệp khúc xả trạm - thu phí lại sau mỗi lần ùn ứ. Về phía tài xế là cuộc chiến tiền lẻ với mệnh giá ngày càng nhỏ.

Nhưng đây không phải một “cuộc chơi”. Trạm BOT nằm sai chỗ là một thực tế, sự phản đối của tài xế là có cơ sở. Tuổi Trẻ đã nhiều lần yêu cầu dời trạm về đúng chỗ trên đường tránh thị xã Cai Lậy. Và với cả những trạm BOT tương tự từ Bắc chí Nam.

Metro

Lời hứa của Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên là năm 2020. Mỗi dầm cầu được thi công, mỗi cầu cạn được lắp đặt, mỗi lần “chú” robot TBM khoan hầm vận hành, bạn đọc Tuổi Trẻ đều háo hức cập nhật.

Vậy mà “đùng một cái”, viễn cảnh ấy lung lay dữ dội: Dự án đang tắc vốn, có thể phải tạm dừng. Lý do là vì đội vốn quá cao (từ 17.000 tỉ đồng lên hơn 47.000 tỉ đồng).

Có cả một cuộc tranh luận và “đổ lỗi” giữa TP. HCM và Bộ Kế hoạch đầu tư. Dân TP.HCM thì hoang mang trước viễn cảnh đến năm 2020 vẫn chưa được đi metro như người dân các đô thị lớn khác trong khu vực đã được đi cả chục năm nay.

Bao hanh tre em

Vấn đề xã hội thách thức lương tri nhất trong năm 2017 chính là hình ảnh những đứa trẻ trở thành nạn nhân của bạo lực: bị giết hại, bị đánh đập, bị bắt cóc, bị xâm hại tình dục, bị áp bức về tinh thần…

Cơ sở Mầm Xanh hành hạ dã man trẻ mầm non, người giúp việc bạo hành bé 1 tháng tuổi, cha mẹ đánh con thương tích đầy mình, bà sát hại cháu sơ sinh… chỉ là những sự vụ mới nhất.

Ở một cực đoan khác, cộng đồng lại nhạy cảm với nạn bắt cóc trẻ em đến nỗi nhìn đâu cũng thấy nguy cơ. Tin đồn bắt cóc “làm loạn” từ mạng xã hội ra đến ngoài đời thật.

Việc bảo vệ trẻ em dường như đang mất cân bằng nghiêm trọng và chưa có những giải pháp căn cơ.

Bao hanh tre em

Từng là hình ảnh đầy hy vọng của thành phố “đáng sống nhất”, ông Nguyễn Xuân Anh lần lượt không còn là uỷ viên Trung ương Đảng, mất chức bí thư rồi chủ tịch HĐND, không còn là đại biểu HĐND Đà Nẵng.

Vi phạm của ông, theo Uỷ ban Kiểm tra trung ương, là biểu hiện áp đặt trong quyết định nhân sự và chỉ đạo chính quyền, là thiếu trung thực về bằng cấp, tiêu chuẩn bổ nhiệm.

Nhưng độc giả Tuổi Trẻ quan tâm hơn cả là chuyện ông Xuân Anh và gia đình sử dụng 2 căn nhà của doanh nghiệp liền kề với nhà mình một cách nhập nhằng. Bởi vì độc giả không quên trước đó không lâu, chính ông Nguyễn Xuân Anh đã hùng hồn tuyên bố “chỉ sở hữu một lô đất” và “không đại gia nào có khả năng chi phối”.

Nội dung: Chung Hoàng
Thiết kế: Thuỳ Trang - Duy Phương - Nguyễn Hoàng
Minh họa: Nhất Đan
Kỹ thuật: Đình Khánh
Concept: Đình Bảo
Bình luận
Viết bình luận
Bình luận
Viết bình luận Hủy Gửi
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng